Hình ảnh voọc Popa do Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) chụp được Ảnh: AP
Số loài mới trên được tìm thấy vào năm 2020 nhưng bản báo cáo năm ngoái bị hoãn công bố, theo hãng tin AP. Loài "khỉ ma" vừa nêu có tên gọi là voọc Popa, bởi chúng sống trên sườn của ngọn núi lửa đã tắt Popa ở Myanmar.
Đây cũng là loài thú có vú mới duy nhất trong danh sách, bên cạnh hàng chục loài bò sát, ếch, cá cùng 155 loài thực vật mới, bao gồm các loài tre mọng nước ở Lào. Một số loài xuất hiện ở nhiều nước khác nhau, như loài rắn hổ mây màu cam sáng chuyên ăn sên.
Ảnh: AP
Voọc Popa được nhận diện thông qua đối chiếu gien giữa các mảnh xương vừa thu thập gần đây và các tiêu bản lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh hơn 1 thế kỷ qua, theo báo cáo của WWF.
Hai đặc trưng chính giúp nhận biết voọc Popa là loài mới, được nhận diện ở vòng trắng lớn quanh mắt và phần râu vểnh về phía trước. WWF và tổ chức môi trường Fauna and Flora International ghi hình được loài khỉ này vào năm 2018.
Theo WWF, hầu hết vùng sông Mê Kông - bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar - vẫn chưa được khám phá nhiều và mỗi năm hàng chục loài mới được tìm thấy ở đây. Nếu tính luôn danh sách mới nhất kể trên, giới khoa học đã phát hiện hơn 3.000 loài mới ở khu vực này kể từ năm 1997.
Nhiều khả năng voọc Popa sẽ được đưa vào sách đỏ vì WWF tin rằng chỉ còn khoảng 200-250 cá thể sống ngoài hoang dã. Cũng tại vùng rừng núi Myanmar, các nhà khoa học tìm thấy một loài hoa thu hải đường mới.
Không phải loài mới nào cũng được tìm thấy trong rừng sâu. Chẳng hạn, một loài gừng mới được phát hiện trong một cửa hàng cây cảnh ở Đông Bắc Thái Lan. Loài gừng này có biệt danh "bọ hôi" bởi nó có mùi hăng hăng y hệt các loài bọ cánh cứng.
Rắn hổ mây màu cam sáng ăn sên. Ảnh: AP
Một loài ếch cây mới được phát hiện. Ảnh: AP
Một loài sa giông mới được tìm thấy ở Doi Phu Kha - Thái Lan , Ảnh: AP