Theo Heritage Daily, các nhà khảo cổ học Ba Lan ở Áo đã phát hiện ra một chiếc bát từ thời kỳ đồ đồng trong chuyến khai quật ở Ebreichsdorf, cách Vienna khoảng 32km. Chiếc bát được chạm khắc với những hình ảnh đại diện cho tia nắng Mặt Trời và là cổ vật đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy ở Áo, Cơ quan Báo chí Ba Lan (PAP) thông tin.
Món cổ vật quý giá được phát hiện tại một khu định cư cổ có niên đại từ 1.300-1.000 trước Công nguyên và thuộc về cư dân "nền văn hóa Urnfield", chủ yếu được biết đến với các nghi thức hỏa táng người chết.
Chiếc bát niên đại 3.000 năm chứa dây vàng và mảnh vải khâu chỉ vàng. Ảnh: Andreas Rausch.
Được rèn rất mỏng, cái bát cao khoảng 5cm, đường kính 20cm và được tìm thấy gần vị trí bức tường của một ngôi nhà thời tiền sử. Thành phần của chiếc bát bao gồm khoảng 90% vàng, 5% bạc và 5% đồng. Bên trong chiếc bát là cuộn dây vàng và dấu tích của một vật liệu hữu cơ.
Nhà khảo cổ học Michał Sip thuộc Học viện Khoa học Ba Lan, thành viên nhóm khảo cổ cho biết, vật liệu hữu cơ được tìm thấy bên trong chiếc bát thực sự là vật liệu đã phân hủy, "có thể là vải hoặc da". Vật liệu này sau đó được may bằng chỉ vàng và quấn bằng dây vàng. Nhóm nghiên cứu suy đoán mảnh vải vốn là một chiếc khăn quàng cổ có họa tiết trang trí, sử dụng trong những nghi lễ tôn giáo để thờ cúng thần Mặt Trời.
Theo Tiến sĩ Michał Sip, nhà khảo cổ tại công ty Novetus, chiếc bát vàng là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất tại Áo trong vài thập kỷ gần đây. "Đây là một phát hiện để đời", ông nói.
"Việc phát hiện vật báu chôn giấu 3.000 năm thật ấn tượng. Chúng tôi đã lập tức tiến hành bảo tồn chiếc bát vàng với họa tiết trang trí cầu kỳ, cuộn dây vàng và phần còn lại của mảnh vải do tầm quan trọng của chúng với khu vực châu Âu", Christoph Bazil, Chủ tịch Cơ quan Di tích Liên bang Áo, cho biết. Chiếc bát được tìm thấy vào năm 2020 nhưng các nhà nghiên cứu chỉ công bố phát hiện khi quá trình phân tích chi tiết về nó hoàn tất.
Ngoài chiếc bát vàng, nhóm của ông Sip còn phát hiện gần 500 đồ vật bằng đồng, từ dao găm, dao đến ghim, cũng như những bình đất sét gốm, vỏ sò và xương động vật. Phân tích mặt đất cho thấy, di chỉ khảo cổ trên từng là một đầm lầy. Ông Sip đưa ra giả thuyết, thay vì bị thất lạc hoặc bị vứt bỏ vào thùng rác, các vật dụng này đã được cố tình ném xuống nước trong các nghi lễ tôn giáo.
Các chuyên gia cũng tin rằng những người thuộc nền văn hóa Urnfield rất hiếu chiến vì tại các khu định cư của họ nhiều vũ khí bằng đồng bị phong hóa đã được tìm thấy. Nghề gốm và luyện kim của nền văn hóa này "dường như có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa sau này của Thời kỳ đồ sắt sớm".
Nền văn hóa Urnfield bao gồm một tập hợp các xã hội nhỏ hơn xuất hiện ở Trung Âu vào khoảng năm 1.300 trước Công nguyên. Chúng ta ít biết về họ ngoài phong tục hỏa táng người chết và đặt tro trong bình chôn trên cánh đồng. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy, cộng đồng này không sống du mục và làm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi cừu.
Được biết chiếc bát vàng sẽ được trưng bày trong Bảo tàng Kunsthistorisches của Vienna còn việc khai quật khu định cư cổ đại sẽ tiếp tục vào năm 2022.