Từ vùng đất hoang dã rộng lớn của Vườn quốc gia Botswana, 1/3 số voi ở Châu Phi (khoảng 130.000 con) đang đi lang thang, uống nước và kiếm ăn tại đây. Vốn được coi là nơi sinh sống lý tưởng của đàn voi, nhưng từ tháng 3 năm nay, voi ở khu vực này đã chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, đến nay đã lên tới 330 con. Vụ việc này khiến dư luận và nhiều tổ chức bảo vệ động vật cảm thấy hết sức lo lắng suốt một thời gian dài.
Những con voi chết ở nhiều giai đoạn phát triển, độ tuổi khác nhau, địa điểm chết của chúng nằm gần một ngôi làng ở rìa phía bắc của đồng bằng Okavango. Hầu hết các xác chết voi đều nằm gần nguồn nước.
Một số báo cáo chỉ ra rằng một số lượng lớn voi chết trong tư thế đầu gối và mặt úp xuống đất/nước (thay vì nằm theo tư thế chết một cách tự nhiên). Điều này cho thấy, trước khi chết, những con voi đã rơi vào trạng thái mất phương hướng và di chuyển theo hướng quay tròn tại chỗ.
Các dấu hiệu này cho thấy nhiều khả năng những con voi đang mắc các triệu chứng rối loạn thần kinh. Ngoài ra, trừ loài voi thì không có loài động vật nào khác chết với số lượng lớn như vậy trong cùng một môi trường.
Do đó có thể nói những cái chết của loài voi trong Vườn quốc gia Botswana là điều vô cùng kỳ lạ, bởi vậy chính quyền địa phương chưa thể đưa ra được kết luận chính xác ngay khi phát hiện ra những xác chết bất thường. Ngày 2/7, chính quyền Botswana ra thông báo cho biết một số phòng thí nghiệm đã tiến hành lấy mẫu từ xác voi và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Sau khi hàng trăm con voi chết một cách bí ẩn, đã có rất nhiều đồn đoán cho rằng nguyên nhân cái chết của chúng là do những tên săn trộm.
Ở Botswana, ngày càng nhiều người dân địa phương sống chung với voi, và sự cạnh tranh giữa hai bên về tài nguyên đất, nước cũng ngày càng gay gắt. Cư dân địa phương thường giết voi vì mùa màng và bảo vệ tài sản của mình. Nạn săn trộm voi và buôn lậu ngà voi cũng là những nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn voi chết. Quỹ Động vật Hoang dã Châu Phi ước tính có ít nhất 35.000 con voi bị giết ở Châu Phi mỗi năm.
Trên thực tế, Botswana đã cấm các hoạt động săn bắt trong 5 năm, và quần thể voi địa phương vẫn duy trì số lượng tương đối ổn định. Nhưng vào tháng 5 năm ngoái, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm săn bắt voi, và điều này cũng chính là nguyên nhân sinh ra suy đoán nói trên và điều này cũng có thể khiến quần thể voi bị đe dọa một cách nghiêm trọng.
Ở một số khu vực mà nạn săn trộm đang hoành hành ở Châu Phi, một số kẻ săn trộm sẽ dùng thuốc độc để giết voi. Vào năm 2015, một số kẻ săn trộm đã bỏ một lượng lớn xyanua vào các ao nước của một số công viên ở Zimbabwe, gây ra cái chết của gần 80 con voi.
Xyanua chủ yếu được bán cho những kẻ săn trộm ngà voi từ chợ đen địa phương. Vì voi thường di chuyển theo đàn và cùng nhau tận hưởng cùng một nguồn nước trong khoảng thời gian dài nên khi uống nước, chúng sẽ nhanh chóng trở nên yếu ớt và thường ngã gục xuống mặt đất trong vòng bán kính 100 mét.
Tuy nhiên, theo quan sát, trong vụ việc này, những chiếc ngà voi đã không bị lấy đi và không phát hiện thấy bất cứ con vật nào khác chết ở khu vực lân cận nên khả năng ngộ độc và săn trộm là khó xảy ra.
Thiên tai như hạn hán cũng có thể được coi là nguyên nhân quan trọng khiến voi chết. Năm 2009, trong một trận hạn hán ở Kenya đã khiến cho gần 400 con voi bị chết, chiếm khoảng 1/4 tổng số voi địa phương.
Tuy nhiên, đó thường là những con voi đã già hoặc voi con bị chết do hạn hán. Nhưng trong sự cố này, voi ở mọi lứa tuổi đều bị ảnh hưởng, và lượng mưa tại địa phương trong những tháng gần đây cũng gần như bình thường. Ngoài ra, cũng có những suy đoán khác cho rằng vụ việc này là do những con voi đã nhiễm mầm bệnh nào đó. Vào năm 2019, đã có một đợt bùng phát vi khuẩn Bacillus anthracis trên đàn voi ở Botswana, và kết quả là hơn 100 con voi đã chết.
Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, ngày 21/9, giới chức Botswana đã công bố nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết của hàng trăm con voi. Nguyên nhân là do nước bị Cyanobacteria (vi khuẩn lam, còn gọi là tảo lam) kết hợp tác động của độc tố sinh ra. Cyanobacteria là sinh vật nhân sơ đơn bào lớn có khả năng quang hợp và có thể tổng hợp một lượng lớn oxy. Tuy nhiên, khi chúng thường sinh sôi trong các thủy vực có nhiệt độ thích hợp và kết hợp với môi trường nước ô nhiễm (giàu nitơ và phốt pho) thì có thể sẽ sinh ra 4 loại độc tố là Hepatoxin, Neurotoxin, Endotoxin và Cytotoxicity.
Một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Toxicon cho thấy một số vi khuẩn lam có thể tạo ra độc tố thần kinh như BMAA (β-N-methylamino-L-alanine), Anabaena a và Saxitoxin. Những độc tố này thường tác động lên dây thần kinh, dẫn đến tổn thương hệ thần kinh không thể phục hồi. Trong số đó, độc tố Anabaena a cũng có thể ức chế sự thoái hóa của Acetylcholine, tương tự như thuốc trừ sâu phospho hữu cơ thời kỳ đầu, gây rối loạn nghiêm trọng các chức năng thần kinh trung ương và ngoại vi. Ngoài ra, những chất độc này cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, đường hô hấp và gây ngộ độc toàn thân.
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Arch Toxicol cũng đã chỉ ra rằng độc tố của vi khuẩn lam cũng đã gây ra ngộ độc cho các loài động vật như như cừu, cá, chó, và cả con người. Trong một vụ ngộ độc Phycotoxin nghiêm trọng ở Brazil, do nước chạy thận bị nhiễm vi khuẩn lam đã khiến cho 100 trong số 131 bệnh nhân đang chạy thận bị suy gan nặng, sau đó là khiến 52 người trong số họ tử vong.
Số liệu điều tra về cái chết của voi cho thấy 70% số voi chết là ở gần các hố nước nơi vi khuẩn lam phát triển. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra chất độc của tảo gây ngộ độc thần kinh trong các mẫu xác voi này. Các nhà nghiên cứu tin rằng voi có thể dễ bị nhiễm độc hơn các động vật khác vì chúng dành nhiều thời gian để tắm trong nước và uống nhiều nước hơn. Điều này có thể được xem là lời giải thích tại sao các động vật khác không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, kết luận này cũng phù hợp với hiện tượng voi chết trong tư thế bất thường.
Tuy nhiên, do giới chức nước này chưa tiết lộ thêm thông tin chi tiết, chẳng hạn như các cơ quan tham gia nghiên cứu và chất độc cụ thể khiến voi chết. Một số tổ chức bảo tồn cho rằng kết quả này là đáng nghi ngờ.
Niall McCann, giám đốc bộ phận bảo vệ của tổ chức từ thiện "International Park Rescue" của Anh cho biết: "Bạn không thể nghĩ rằng voi chết do tiếp xúc với những chất độc này chỉ vì chúng chết tại một hố nước có vi khuẩn lam". Ông cũng nói rằng khí hậu của Botswana cũng khiến họ khó thu thập mẫu xác voi tươi, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Các quan chức chính quyền địa phương cho biết, họ sẽ theo dõi thêm sự phát triển của những loài vi khuẩn lam này để ngăn chặn biến đổi khí hậu gây ra một đợt bùng phát tảo xanh độc hại khác và lặp lại thảm kịch này.