Hành trình truy lùng kho vàng bị chôn giấu của trùm ma túy Pablo Escobar Ai đã tiêu diệt trùm ma túy Colombia Pablo Escobar?
Theo tờ Dailymail của Anh, với tài sản ước tính 30 tỷ USD vào thập niên 80 (quy đổi theo thời giá hiện nay khoảng 55 tỷ USD, nhưng theo hãng tin Foxnews, con số này có thể lên đến 70 tỷ), rất nhiều người bị buộc hay tự nguyện tham gia vào việc tẩu tán, cất giấu tài sản cho Pablo Escobar đã bị ông ta tìm cách sát hại để bịt miệng.
Một số lượng lớn vàng và tiền mặt được chôn giấu rải rác ở Colombia mà không có bất kỳ tài liệu, bản đồ nào còn lưu giữ.
Tuy nhiên, ngày 23-1 vừa qua, tờ The Sun đưa tin: Một trong những tàu ngầm vận chuyển ma túy của Pablo Escobar đã được tìm thấy ở một địa điểm ngoài khơi Colombia.
Chiếc tàu ngầm này được cho là có thể chứa những manh mối về nơi Escobar cất giấu gia tài trị giá 70 tỷ USD.
Mỗi ngày chi tới 2.500 USD chỉ để mua dây chun bó tiền!
Pablo Escobar sinh năm 1949 tại Rionegro, Colombia, lớn lên ở ngoại ô Medellin, sớm bộc lộ tính cách ngỗ ngược và đầu óc kinh doanh ngay từ khi còn đi học.
Điển hình là chuyện “ông trùm” tương lai đã ăn cắp những tấm bia mộ rồi mài mờ chữ khắc trên bia, bán lại cho những kẻ buôn lậu trong vùng.
Theo học đại học dân lập ở Medellin không lâu, Pablo bỏ dở chuyện học giữa chừng để nhanh chóng tham gia vào các hoạt động phạm pháp như kinh doanh thuốc lá lậu hay vé số giả, trộm cắp xe hơi.
Sebastian Marroquin, con trai của Pablo, từng không ngượng ngùng “khoe” rằng, cha mình đã có bước chân đầu tiên vào con đường phi pháp khi bắt đầu kinh doanh bằng tốt nghiệp giả, thường là bằng của trường Đại học tư nhân Mỹ Latinh ở Medellin và mặc dù “mánh mung” với đủ loại bằng giả nhưng Pablo lại không tự làm cho mình một tấm bằng khi đột ngột rời học đường.
Đầu thập niên 70, Pablo tham gia các băng trộm cắp và cả làm vệ sĩ.
Không chỉ đem thân làm “lá chắn” cho người khác, Pablo còn kiếm được không dưới 100.000 USD từ việc bắt cóc tống tiền ở khu vực Medellin và nhanh chóng bắt tay với Alvaro Prieto, một tay buôn lậu có tiếng trong vùng.
Không lâu sau đó, vào sinh nhật lần thứ 26 của mình, tài khoản ngân hàng của Pablo Escobar đã ghi nhận con số 3 triệu USD.
Từ năm 1975, Pablo bắt đầu công việc buôn bán ma túy, ban đầu vận chuyển ma túy bằng đường hàng không, chủ yếu là tuyến Colombia – Panama – Mỹ.
Sau đó Pablo tự mình mua 15 chiếc máy bay cỡ lớn, trong đó có một chuyên cơ và 6 máy bay trực thăng.
Trong cuốn “Escobar”, Roberto Escobar, anh trai của Pablo, khẳng định loại máy bay lớn nhất của băng Medellin vận chuyển được tối đa 23 tấn ma túy một chuyến.
Ngoài máy bay, anh em nhà Escobar còn sử dụng tàu ngầm để vận chuyển các chuyến hàng lớn nhằm qua mặt cảnh sát tuần duyên.
Tháng 5-1976, Pablo cùng vài đàn em bị bắt cùng 18 kg ma túy khi đang thực hiện việc vận chuyển từ Ecuador về Medellin. Ban đầu, Pablo đã tìm mọi cách mua chuộc các thẩm phán ở Medellin hòng chạy tội nhưng bị từ chối.
Tuy vậy, phía tòa án vẫn không có đủ căn cứ để cho Pablo ngồi tù, thế là Pablo “rửa nhục” bằng việc ra lệnh bắt giữ và thủ tiêu các thẩm phán.
Hành vi này là sự khởi đầu của việc cấu kết giữa trùm ma túy và chính quyền địa phương, thông qua hối lộ và giết người thủ tiêu.
Tại Peru, Pablo mua bột ma túy sau đó đem về chiết xuất trong phòng thí nghiệm ở căn nhà 2 tầng của mình tại Medellin.
Chuyến vận chuyển ma túy đầu tiên trong sự nghiệp lừng lẫy nhằm xây dựng đế chế của mình, Pablo chỉ mua có 14 kg bột ma túy và giấu trong lốp máy bay. Mỗi chuyến như vậy, Pablo thản nhiên “bỏ túi” 500.000 USD.
Sau những chuyến hàng đầu tiên trót lọt, nhu cầu sử dụng ma túy trong nội địa Mỹ tăng vọt. Pablo đã mở rộng phạm vi phân phối ma túy ra các khu vực nam bang Florida, bang California và nhiều tiểu bang khác ở Mỹ.
Pablo cùng đồng bang chủ Carlos Lehder đã “sát cánh” làm việc cật lực để phát triển và khai thác một điểm trung chuyển ma túy mới đặt ở đảo Normans Cay ở Bahamas, cách bờ biển Florida khoảng 350 km về hướng đông nam để xây dựng hạ tầng phục vụ các chuyến trung chuyển ma túy bao gồm đường băng, bến cảng, khách sạn, tàu thuyền và máy bay, cả các kho lạnh để chứa ma túy.
Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, mỗi tháng Pablo vận chuyển khoảng 80 tấn ma túy từ Colombia vào Mỹ. Vào những năm giữa thập niên 80, mỗi chuyến hàng bằng máy bay phản lực, băng đảng Medellin cho vận chuyển cỡ 11 tấn ma túy.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, đến đầu thập niên 80, ước tính có khoảng 70-80 tấn cocaine được vận chuyển từ Colombia vào Mỹ mỗi năm, trong đó đường dây Medellin Cartel của Pablo đảm nhận phần lớn.
Năm 1982, sau khi kiếm được bộn tiền, Pablo bắt đầu lấn sân chính trị, được bầu “đại biểu quốc hội” năm 1983, ứng viên thay thế của đảng Tự do Colombia.
Đây chỉ là vỏ bọc để Pablo “leo cao” nhằm phát triển mạng lưới tội phạm của mình. Pablo từng ra lệnh mua chuộc, sát hại các sĩ quan cảnh sát và những nhà báo dám động đến mình.
Khi bị bắt, Mỹ muốn Colombia giao Pablo cho Mỹ để xử lý về tội buôn bán ma túy nhưng cuối cùng Escobar đã dùng tiền, kết hợp khủng bố để tránh bị dẫn độ qua Mỹ.
Từng có lời đồn rằng, tiền chảy vào túi Pablo Escobar như nước, nhiều đến mức không kịp tiêu nên Pablo thường xếp tiền thành từng bó to rồi cho vào thùng kim loại cùng với vàng đưa đi chôn ở những nơi mà y cho là an toàn.
CIA ước tính, khoảng 1/5 trong số tiền khổng lồ này nằm ở Colombia, số còn lại chuyển sang kim loại quý, mua bất động sản, máy bay, tàu thuyền phục vụ cho việc kinh doanh ma túy, cả 2 tàu ngầm để Pablo đem của cải giấu dưới đáy đại dương.
Còn theo lời người anh trai Roberto Escobar, người từng làm thủ quỹ cho em mình và đã thụ án 12 năm tù, thì Pablo kiếm được rất nhiều tiền, nhưng hàng năm số tiền bị giảm đi 10% do chuột ăn, mối mọt, hoặc có khi tiền bị dính nước lâu ngày tự hỏng.
Trung bình mỗi ngày Pablo chi tới 2.500 USD chỉ để mua dây chun cao su dùng cho gói tiền!
Dù trong mắt giới chức chính quyền Colombia và Mỹ, Pablo Escobar là một ông trùm tội phạm thì với dân thường ở Medellin, y là một người hùng thực sự.
Pablo bỏ tiền đầu tư rất nhiều vào việc tu sửa cơ sở vật chất ở vùng Medellin nghèo khó, chi tiền xây nhiều sân vận động, khu liên hợp, tài trợ đội bóng đá địa phương và xây trường học, bệnh viện, nhà thờ ở miền tây Colombia
Chính vì điều này mà Escobar có được sự tin tưởng của người dân nghèo, khiến cơ quan chức năng rất khó điều tra cũng như tiếp cận các nguồn thông tin về y.
Nhưng cũng nên biết rằng chính Escobar là nguyên nhân khiến Colombia có khoảng 26.000 người chết trong năm 1991 và 1992. Ít nhất 600 cá nhân đã bị Escobar chi tiền để tiêu diệt vì cản đường buôn ma túy.
Sau vụ ám sát hụt Luis Carlos Galan, ứng viên tổng thống, chính quyền Tổng thống Cesar Gaviria đã tuyên chiến với Escobar, khuyên hắn nên đầu thú.
Năm 1991, Pablo chấp nhận đầu thú và vào tù. Tuy nhiên, y không bị dẫn độ sang Mỹ theo một điều lệ sửa đổi trong Hiến pháp năm 1991 do chính y giật dây.
Dù ở tù nhưng Escobar vẫn tiếp tục điều hành đường dây ma túy của mình. Sau khi bị truyền thông phanh phui, Escobar đã dùng ảnh hưởng của mình và vượt ngục thành công.
Thời điểm đó, mối lo lớn nhất của tên trùm ma túy là bị dẫn độ sang Mỹ.
Tìm kho vàng dưới đáy biển
Năm 1992, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Mỹ và cảnh sát quốc gia Colombia bắt đầu tiến hành chiến dịch săn lùng trùm ma túy Pablo Escobar. Sau gần 2 năm tìm kiếm liên tục, chiến dịch săn lùng Escobar kết thúc vào ngày 2-12-1993.
Với công nghệ sóng vô tuyến 3 điểm, đơn vị trinh sát điện tử Colombia đã phát hiện ra Escobar đang ẩn náu trong một khu dân cư. Escobar và đám vệ sĩ chống trả nhưng bị lực lượng cảnh sát bắn liên tiếp vào chân, thân và tai.
Cái chết của y hiện vẫn còn nhiều bí ẩn, trong đó có nguồn tin cho rằng Escobar tự sát. Sau khi Pablo Escobar chết, đường dây Medellin bị xóa sổ và băng nhóm Cali tiếp quản “mảnh đất màu mỡ” này.
Lúc còn sống, “hoàng đế ma túy” Pablo Escobar đã đút túi rủng rẻng 75 triệu đôla mỗi ngày, mua vô số bất động sản khổng lồ, máy bay và cả những hóa thạch khủng long vô giá làm quà tặng cho con trai.
Những khoản tiền và vàng không dùng để chi tiêu thì Escobar lại cho thuộc hạ chôn giấu ở nhiều nơi. Khi Pablo bị tiêu diệt, hành trình săn lùng khối tài sản của Pablo bắt đầu.
Chủ nhân ngôi nhà mua lại từ Pablo Escobar năm 2014 đang thuê người phá tung để tìm kiếm tiền vàng. |
Chính phủ Mỹ và Colombia đã thành lập nhiều đơn vị đặc nhiệm, như vào năm 2009, Mỹ đã thành lập đội quân săn lùng kho báu Pablo, gồm các cựu binh SAS, những người từng phục vụ ở các chiến trường Iraq và Afghanistan, do ông Steve Murphy, một trong các đặc vụ chống ma túy sừng sỏ của Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA) đứng đầu và nhóm khác gồm hai cựu điệp viên CIA Doug Laux và Ben Smith.
“Không phải hoang đường, Pablo và thuộc hạ thân tín đã cất giấu khối tài sản khổng lồ trong các hang động, sau đó, Pablo lại ra tay giết họ để bịt đầu mối. Đây chính là lý do không ai biết những kho tiền này đang ở đâu”, ông Steve Murphy cho hay.
Cùng với chính phủ Colombia và Mỹ, nhiều người mua lại nhà, tài sản của anh em nhà Pablo Escobar bán lại cũng tham gia trong cuộc chiến này.
Ví dụ, ông Christian de Berdouare, chủ nhân tòa biệt thự trước đây thuộc quyền sở hữu của Pablo ở Miami, Florrida, đã mua căn nhà năm 2014 với giá 10 triệu USD.
Không chỉ “vui thú điền viên”, Christian de Berdouare mới đây tiết lộ đã mua vài thiết bị đặc biệt nhằm tìm kiếm tiền vàng trong tư dinh của mình.
Theo bản tin của hãng tin Foxnews công bố hôm 24-1 vừa qua, không chỉ tìm kiếm trên đất liền, hai cựu điệp viên CIA, Doug Laux và Ben Smith hiện đang tìm kiếm những chiếc tàu ngầm chở ma túy đắm do Pablo sử dụng mà người ta nghi nó là nơi đang chứa tiền vàng nằm ở ngoài khơi vùng biển Caribe thuộc Colombia.
“Chúng tôi dựa trên các thông tin tình báo thời đó cho biết, do phải đối mặt với Hải quân hoặc Cảnh sát biển nên các đoàn tàu chở ma túy của Pablo đã nằm lại dưới đáy đại dương.
Cũng có thể, không phải là ma túy mà là tiền vàng, bởi đại dương là nơi cất giấu an toàn nhất” - Ben Smith tiết lộ.
Mới đây khi trả lời phỏng vấn báo chí, Doug Laux, người đã quay bộ phim mang tên “Finding Escobars Millions” (Săn lùng kho báo của Pablor) vừa được phát trên kênh Discovery khẳng định, bằng chứng về kho báu của Pablo là có thật, đó là những thùng nhựa đầy ắp tiền mặt, vàng, súng đạn.
Đây mới là một phần nổi trong số hàng tỷ USD mà Pablo đã từng cất giấu. Tuy nhiên, thực hiện công việc này cũng đầy mạo hiểm và rủi ro.
Nhóm của Doug Laux và Ben Smith đã sử dụng công nghệ hiện đại như máy bay không người lái để tìm kiếm những dấu vết nhỏ nhất trên mặt đất, và cả các loại máy quét hiện đại để dò vật dụng cất giấu dưới lòng đất.
Ngoài ra, họ còn sử dụng nghiệp vụ, liên lạc những người từng là đồng nghiệp thân cận của Pablo để tìm ra manh mối.
“Tìm kiếm kho báu của Pablo thực sự là công việc mạo hiểm nhưng cuốn hút.
Hiểm họa rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào giống như tìm kiếm kho báu của những người xưa, nó luôn đi kèm những lời nguyền bí ẩn đầy chết chóc” - Doug Laux nói trước báo giới.