Các chuyên gia Đức xác nhận khối đá mà người đàn ông đào được trong vườn nhà chính là thiên thạch đã lớn nhất tìm thấy ở đất nước này từ trước đến nay.
Khối đá không gian nặng hơn 30,2 kg nằm trong khu vườn nhà dân ở thị trấn Blaubeuren miền Nam đất nước suốt 30 năm qua. Năm 2015, chủ nhà suýt vứt khối đá đi cùng những thứ rác khác trong khu vườn nhưng đổi ý.
Theo Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) chủ nhà đào được khối thiên thạch trong vườn vào năm 1989 và xác nhận nó có chứa sắt nhưng không biết đó là thiên thạch quý.
Tảng đá bị bỏ lại trong vườn nhiều thập kỷ cho đến khi các chuyên gia tìm đến và phân tích phát hiện nguồn gốc từ ngoài Trái Đất.
Các nhà khoa học đặt tên đá không gian là Blaubeuren theo địa điểm nơi nó được tìm thấy và hiện tiếp tục nghiên cứu để xác định thời điểm khối thiên thạch rơi xuống Trái Đất.
Mảnh vỡ nhỏ của tiểu hành tinh hay sao chổi được gọi là thiên thạch. Khi nó đi vào bầu khí quyển của Trái Đất, sẽ trở thành quả cầu lửa hoặc ngôi sao băng. Những mảnh đá rơi xuống đất, có giá trị đối với người sưu tầm và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Những vụ việc liên quan đến thiên thạch vẫn luôn thu hút sự chú ý của người dân khắp thế giới và giới khoa học. Có rất nhiều vụ việc vẫn chưa có lời đáp dù hàng thập kỷ đã trôi qua.
Nhiều năm qua, các nhà khoa học tìm kiếm bằng chứng sớm nhất về việc thiên thạch rơi xuống Trái đất trúng người và gây thiệt mạng. Trên tạp chí Khoa học Khí tượng và Hành tinh, các chuyên gia từng giải thích về việc phát hiện bằng chứng về vụ việc xảy ra ở Iraq vào cuối thế kỷ 19.
Hay vụ việc diễn ra vào năm 2007, chỉ vài giờ sau khi một thiên thạch lao xuống gần ngôi làng hẻo lánh Carancas ở Peru, hàng trăm người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lạ. Các nhân chứng kể lại rằng họ đã nhìn thấy một vật thể bốc lửa băng qua bầu trời, sáng rõ đến độ cư dân ở cách đó 20 km vẫn quan sát được.
Vào năm 2017, một thiên thạch đã gây chú ý khi nó xuất hiện trên bầu trời Michigan. Quả cầu lửa rực sáng khiến các thợ săn thiên thạch tranh nhau tìm mảnh vỡ của khối đá vũ trụ quý hiếm.