Tàu lặn Titan của công ty thám hiểm đại dương OceanGate Expeditions. Ảnh: AP
Chiếc tàu lặn chở 5 người trong chuyến thám hiểm xác con tàu huyền thoại Titanic dưới đáy Bắc Đại Tây Dương vẫn mất tích bất chấp hoạt động tìm kiếm quy mô lớn của chính quyền Mỹ và Canada.
Tàu lặn Titan đang trên đường đến khu vưc xác tàu nổi tiếng, ở ngoài khơi bờ biển St John's, Newfoundland, Canada thì mất liên lạc với tàu hỗ trợ, để lại lượng oxy còn đủ trong 3-4 ngày. Theo thời gian, lượng oxy đang cạn dần, được ước tính chỉ còn đủ trong 40 tiếng.
Tàu lặn đã mất tích như thế nào?
Tàu lặn Titan đang trong hành trình kéo dài 8 ngày do công ty thám hiểm OceanGate Expeditions thực hiện. Chuyến đi bắt đầu từ Newfoundland, những người tham gia bắt đầu di chuyển 6740km đến địa điểm xác tàu, cách bờ biển Cape Cod, Massachusetts (Mỹ) khoảng 1.450 km.
Chiếc tàu lặn bắt đầu đi xuống khu vực xác Titanic, dự kiến kéo dài trong hai tiếng, vào sáng Chủ nhật 18/6. Nó mất liên lạc với "tàu mẹ" Polar Prince sau 1 tiếng 45 phút.
Hoạt động tìm kiếm đã bắt đầu ngay trong ngày hôm đó.
Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với chiếc tàu lặn, tại sao nó mất liên lạc và nó ở vị trí gần Titanic đến mức nào khi mất tích.
Tàu lặn Titan trong ảnh do OceanGate Expeditions công bố từ tháng 6/2021.
Ai đang ở trên tàu?
Năm người trên tàu bao gồm một phi công và bốn “chuyên gia sứ mạng” - Chuẩn Đô đốc John Mauger của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, cho biết.
Giám đốc điều hành và người sáng lập OceanGate, Stockton Rush, cũng nằm trong số những người trên tàu, theo một nguồn tin am hiểu về chuyến đi.
Một doanh nhân người Anh làm việc tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, là Hamish Harding, có mặt trên tàu lặn. Harding là một trong những người đầu tiên thám hiểm rãnh Challenger Deep ở Thái Bình Dương - điểm sâu nhất được biết đến trên Trái đất.
Hôm 17/6, ông đã viết về chuyến thám hiểm xác tàu Titanic: “Cuối cùng, tôi tự hào thông báo rằng tôi đã tham gia Sứ mệnh RMS TITANIC của Đoàn thám hiểm OceanGate với tư cách là chuyên gia sứ mệnh trên tàu lặn đi xuống chỗ Titanic.”
Ông Harding cũng đăng trên trang mang xã hội vào cùng ngày nói rằng thợ lặn Paul-Henri Nargeolet sẽ tham gia hành trình vào 18/6 với mình. Theo Tập đoàn E/M, nơi Nargeolet là giám đốc nghiên cứu dưới nước, Nargeolet đã từng dẫn đầu một số cuộc thám hiểm tới tàu Titanic và giám sát việc trục vớt nhiều hiện vật từ xác tàu.
Tàu mẹ Polar Prince, hỗ trợ cho tàu lặn Titan. Ảnh: CNN
Một doanh nhân người Pakistan, Shahzada Dawood, và con trai ông là Sulaiman Dawood, cũng có mặt trên tàu - theo một tuyên bố được gia đình đưa ra ngày 20/6. Shahzada Dawood là người được ủy thác của Viện SETI, một tổ chức nghiên cứu ở California. Ông cũng là phó chủ tịch của Dawood Hercules Corporation.
Trang web của OceanGate cho biết các chuyến thám hiểm của họ, có giá lên tới 250.000 USD, thường bao gồm một thuyền trưởng, một chuyên gia và ba hành khách trả tiền.
Tàu lặn còn đủ ôxy trong bao lâu?
Các quan chức của Lực lượng bảo vệ bờ biển ước tính vào ngày 19/6 (giờ Bờ Đông Mỹ) rằng chiếc tàu lặn có “khoảng từ 70 đến 96 giờ” oxy – có khả năng sẽ cho lực lượng cứu hộ thời gian đến ngày 23/6 để xác định vị trí và giải cứu con tàu.
Lúc 13h chiều ngày 20/6 (giờ Bờ Đông Mỹ), các quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết tàu lặn còn khoảng 40 giờ oxy.
Độ sâu của khu vực nơi tàu mất tích có thể là một thách thức. Cuộc giải cứu dưới nước sâu nhất từ trước đến nay là với Roger Chapman và Roger Mallinson, những người đã được giải cứu khỏi tàu lặn Song Ngư III ở độ sâu 480 mét vào năm 1973. Họ bị mắc kẹt trong 76 giờ trước khi được kéo lên mặt nước.
Xác tàu Titanic nằm sâu hơn nhiều, nằm ở độ sâu trên 3.900 mét dưới mực nước biển.
Các yếu tố khác làm phức tạp quá trình tìm kiếm bao gồm vị trí xa xôi, điều kiện thời tiết địa phương và những thông tin chưa biết như trạng thái của tàu lặn và liệu nó có thiết bị còn hoạt động được như máy dò âm thanh hay không.
Theo các nhà khí tượng học của CNN, khu vực này đang có biển động cao tới 2 mét và điều kiện sương mù. Mặc dù không phải là điều bất thường tại đây, nhưng điều này có thể gây ra sự chậm trễ cho các bên tìm kiếm do khó sử dụng thiết bị trên không khi mây xà xuống thấp.
Thiết kế và hoạt động của tàu lặn Titan
Theo OceanGate, Titan là một tàu lặn nặng hơn 10 tấn làm bằng sợi carbon và titan.
Có thiết kế an toàn, tàu lặn này sử dụng “hệ thống theo dõi sức khỏe thân tàu (RTM) theo thời gian thực độc quyền” để phân tích áp lực lên tàu và tính toàn vẹn của cấu trúc. Bất kỳ vấn đề nào được phát hiện sẽ kích hoạt một “cảnh báo sớm” cho thuyền trưởng, để có “đủ thời gian quay trở lại mặt nước một cách an toàn”.
Ảnh tàu lặn Titan từ trang facebook của Hamish Harding.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, không giống như tàu ngầm, tàu lặn có nguồn dự trữ năng lượng hạn chế nên nó cần một tàu mẹ có thể phóng và thu hồi về.
Khi phóng viên David Pogue của CBS thực hiện chuyến đi trên tàu Titan xuống xác tàu Titanic vào năm ngoái, theo lời mời của OceanGate, ông cho biết cửa sập đã được bịt kín từ bên ngoài bằng 17 chốt – không còn lối thoát nào khác.
Không có GPS dưới nước, tàu lặn chỉ được hướng dẫn bằng tin nhắn văn bản từ tàu nổi. Trong chuyến đi của phóng viên Pogue, thông tin liên lạc bị hỏng trong khi lặn và chiếc tàu lặn đã mất tích trong hơn hai giờ..
Thuyền trưởng sử dụng một bộ điều khiển trò chơi điện tử để điều khiển tàu ngầm, nhưng nếu có trục trặc thì một hệ thống dây thép có thể điều khiển các chân vịt - theo ông Aaron Newman, người từng thực hiện chuyến đi trên tàu Titan vào năm 2021.
Bộ đẩy được cung cấp bởi một hệ thống điện bên ngoài. Ông Newman nói thêm rằng một hệ thống bên trong sẽ cung cấp năng lượng cho hệ thống điều khiển lái, thông tin liên lạc và máy sưởi.
Tàu lặn sử dụng vật dằn để chìm được dưới nước. Newman cho biết để thoát khỏi vật dằn này, những người đi sẽ lắc con tàu. Nếu động tác đó không "đánh bật" được vật dằn ra, họ có một máy bơm khí nén để đẩy quả tạ dằn tàu bật ra ngoài.
Và nếu vẫn thất bại, các đường dây bảo vệ vật dằn được thiết kế để đứt sau 24 giờ để tự động đưa tàu ngầm lên mặt nước, theo ông Newman.
Thomas Shugart, cựu thuyền trưởng tàu ngầm của Hải quân Mỹ và là nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, nói với CNN rằng, không phải là điềm lành khi các bên tìm kiếm vẫn chưa nhận được tin tức gì về chiếc tàu lặn mất tích.
“Nếu họ gặp một vấn đề tương đối nhỏ buộc phải nổi lên bất ngờ, đèn hiệu định vị đã được phát hiện ngay bây giờ. Nếu thay vào đó, họ bị mắc kẹt dưới đáy biển vì một lý do nào đó, tôi vẫn chưa nghe nói về khả năng cứu hộ nào có thể đưa họ trở lại kịp thời", ông Shugart nói.
Tàu Titan chuẩn bị trước chuyến lặn ngày 18/6/2023. Ảnh: AP
Làm thế nào tàu lặn có thể được giải cứu?
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã thông báo hôm 19/6 rằng cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục trong đêm. Họ bắt đầu rà quét bề mặt đại dương ngay khi chiếc tàu lặn được thông báo mất tích.
Thuyền, máy bay và thiết bị radar đã được triển khai để quét trên mặt nước trong trường hợp tàu lặn nổi lên. Phao sonar và thiết bị sonar trong các tàu thương mại tại chỗ cũng được sử dụng để phát hiện âm thanh dưới nước.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ hiện đang phối hợp tìm kiếm với Hải quân Mỹ, Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada và quân đội Canada. Cánh cứu hộ số 106 của Lực lượng Vệ binh quốc gia đương không Mỹ đã bay rà soát khu vực này. Hoạt động tìm kiếm trên bề mặt và dưới lòng biển của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Canada vẫn tiếp tục.
OceanGate cho biết họ đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và các công ty thám hiểm biển sâu. Một người đồng sở hữu cho biết tàu mẹ Polar Prince cũng đang hỗ trợ tìm kiếm.
Nhưng việc tìm ra chiếc tàu lặn chỉ là bước đầu tiên; giải cứu nó có thể là một thách thức hoàn toàn khác.
Tùy thuộc vào vị trí và độ sâu của tàu lặn, có thể có một số lựa chọn hạn chế đối với tàu cứu hộ. Chẳng hạn, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ thường hoạt động ở độ sâu 250 mét hoặc thấp hơn - nghĩa là chúng không thể lặn xuống đáy đại dương, nơi áp lực nước tác động lên thân tàu ngầm có thể khiến nó phát nổ.
Hải quân Mỹ có các tàu lặn cứu hộ chuyên dụng, nhưng ngay cả những tàu lặn này cũng chỉ có thể thực hiện các cuộc giải cứu ở độ sâu lên tới 600 mét, theo Bộ chỉ huy Cứu hộ Dưới nước của Hải quân.
Trong cuộc giải cứu năm 1973, các nhà chức trách đã sử dụng các tàu lặn khác và một tàu trục vớt do Hải quân phát triển, hoạt động từ xa để gắn các dây vào Song Ngư III – sau đó được sử dụng để kéo nó trở lại mặt nước. Không rõ liệu các phương pháp này có tác dụng với tàu lặn Titan hay không.