Tìm đâu nơi an toàn cho trẻ!

Gia Khang |

Đã có ít nhất 3 bé gái bị 1 nam nhân viên ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM xâm hại.

Lời thú nhận của chính nghi phạm đã gây rúng động dư luận và gieo rắc nỗi bất an.

Từ một cơ sở xã hội chuyên chăm lo cho trẻ bất hạnh bỗng chốc trở thành nơi gây ám ảnh cả thể chất lẫn tinh thần các em. Đau đớn hơn, vụ việc chỉ được phát hiện khi có cháu đã hoảng loạn, trầm cảm và nhiều cháu chỉ dám thổ lộ khi được gặng hỏi.

Các cháu bơ vơ, thiếu sự chăm sóc, bảo bọc nên khi bị xâm hại cũng không có nơi nhờ cậy để tìm cơ hội thoát khỏi sự bức hại. Vụ việc đã cho thấy lỗ hổng quản lý chết người từ các cơ sở như thế này, và dư luận đang lo sợ số nạn nhân có thể nhiều hơn.

Nỗi đau này thêm một lần làm đậm hơn bức tranh xám ngắt của tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Tuần trước, TAND quận Tân Bình (TP HCM) xét xử gã xe ôm dâm ô với bé gái khi chở cháu đi học về.

Trước đó, tháng 8-2019, hai cháu gái bị xâm hại ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Một gã đàn ông khác dâm ô bé gái mới học lớp 4 ở Vĩnh Long...

Thương tâm hơn là khi các cháu còn bị cưỡng hiếp. Điểm qua báo chí trong mấy tháng gần đây sẽ dễ dàng có thông tin hàng chục vụ hiếp dâm các bé gái.

Dù bản án đối với những kẻ tội phạm có nặng mức nào thì hậu quả đối với các cháu không thể vãn hồi, nỗi đau đớn thể xác và tinh thần sẽ theo suốt cuộc đời và luôn ngăn cách các nạn nhân với những mối quan hệ xã hội.

Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội công bố: từ năm 2018 đến hết quý I/2019 đã có 3.499 vụ xâm hại trẻ em và 60% số này là xâm hại tình dục.

Những số liệu nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng do gia đình e ngại nên không tố giác.

Điều lo sợ nhất là trẻ em thiếu thông tin, thiếu kỹ năng nên cũng thiếu luôn cơ hội thoát khỏi yêu râu xanh. Nạn nhân thường cam chịu, bị sang chấn tâm lý và khó phát hiện.

Đối với loại tội phạm này rất khó ngăn chặn nên pháp luật đề cao phương án phòng ngừa. Mức xử án thật nặng đối với thủ phạm cũng nhằm mục đích đó.

Tại nhiều bang của Mỹ, dâm ô trẻ em bị tù đến 15 năm, buộc đeo thiết bị giám sát GPS. Tại Nhật Bản, hành vi này tùy mức độ tù lên đến 13 năm và công tố viên được phép truy tố cho dù nạn nhân không tố cáo. Tại Ấn Độ, thủ phạm có thể bị tử hình.

Xử lý nghiêm những kẻ xâm hại trẻ em là một trong những cách răn đe hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm. Thế nhưng thời gian qua, các phiên tòa xử hành vi xâm hại trẻ em vẫn luôn khiến dư luận day dứt.

Vụ án Nguyễn Khắc Thủy ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua nhiều cấp xử, đến khi Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM vào cuộc mới định tội ông ta 3 năm tù. Vụ án Nguyễn Hữu Linh qua 3 phiên xử, tòa tuyên 18 tháng tù và bị cáo này vẫn yêu cầu hủy bản án.

Không kịp thời ngăn chặn những kẻ biến thái thì bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân, cũng không loại trừ con, cháu, người thân của chúng ta!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại