Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19.
Đây là chủ đề hội nghị do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 26-5, tại TP Hà Nội.
Giải pháp cần làm ngay
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ.
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các ngành ở Việt Nam, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh cải cách TTHC là một trong những giải pháp cần làm ngay để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, nhất là DN nhỏ và vừa, bứt phá sau dịch bệnh, góp phần vào sự phục hồi của cả nền kinh tế.
Theo TS Cấn Văn Lực, cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, khuyến khích đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài.
"Chú trọng giảm chi phí giám sát của nhà nước cũng như chi phí tuân thủ của DN, người dân và tăng khả năng quản lý hành chính công để hỗ trợ tối đa cho DN" - vị chuyên gia nói và kiến nghị Chính phủ, bộ ngành và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam, đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị phù hợp với từng đối tượng chủ thể kinh doanh.
Theo ông Hùng, hiện Việt Nam có hơn 600.000 DN nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số DN cả nước. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hoạt động cho thấy DN vẫn bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại, như khó khăn về vốn, thị trường, quản lý và quản trị DN.
Trước thực trạng các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh rất khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Kim Hùng đề xuất ban hành thí điểm cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi. Đồng thời, thực hiện thí điểm có sự kiểm soát của nhà nước và không hình sự hóa mọi hoạt động trong quá trình thí điểm.
Đẩy mạnh thủ tục trực tuyến
Về cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mong muốn các bộ - ngành, địa phương sớm xây dựng và xác lập tiêu chuẩn hàng "chế biến" đối với sản phẩm thủy sản, thay vì bị áp đặt là hàng "sơ chế" khi tính thuế thu nhập DN đối với đa số hàng thủy sản xuất khẩu; cải thiện công tác kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu thủy sản theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đơn giản hóa thủ tục để tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN.
Đặc biệt, đại diện VASEP kỳ vọng những chính sách hỗ trợ để DN sau đại dịch thu hút nguồn lao động sẽ được các bộ - ngành thực hiện đầy đủ, trong đó có gói hỗ trợ an sinh cho người lao động, các gói cho vay để DN trả lương cho người lao động. Bởi theo ông Nam, thiếu lao động đang là mối lo ngại đối với cộng đồng DN trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ thủy sản.
Hỗ trợ để hộ kinh doanh lên DN cũng là một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam "hiến kế" tại hội nghị. Theo ông Hùng, hiện có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó rất nhiều hộ đạt mức doanh thu lớn và mong muốn trở thành DN để đóng góp cho đất nước.
Do đó, ông đề xuất xây dựng bộ luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, có tính thúc đẩy họ chuyển đổi thành DN. Với những giải pháp cụ thể như miễn giảm thuế thu nhập DN tối thiểu 1 năm cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, 3 năm tiếp theo giảm thuế thu nhập DN theo phần trăm. Đồng thời, triển khai số hóa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) nhìn nhận DN nước ngoài đang gặp vấn đề khi đội ngũ chuyên gia chưa thể nhập cảnh Việt Nam để làm việc. Chính vì vậy, AmCham Việt Nam mong Chính phủ xem xét hướng dẫn các bộ - ngành giải quyết hỗ trợ dịch vụ visa cần thiết để các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng năng lượng và y tế không bị gián đoạn trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu khiến việc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi để hợp tác đầu tư trở nên khó khăn, đại diện AmCham Việt Nam kiến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các ứng dụng trực tuyến.
"Chúng tôi hy vọng các cơ quan sẽ áp dụng cách tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài nhằm thực sự thu hút làn sóng đầu tư tiếp theo cho Việt Nam" - đại diện AmCham Việt Nam nêu quan điểm.
Ngoài ra, những lĩnh vực như thuế, hải quan cũng được AmCham Việt Nam mong muốn cải cách theo hướng đơn giản hóa để phù hợp với tình hình dịch bệnh; có các quy định cụ thể hơn về vấn đề chữ ký điện tử để các DN triển khai.
VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ tạo điều kiện và hỗ trợ DN thủy sản phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới sau dịch Covid-19. “Thúc đẩy EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) có hiệu lực sớm nhất có thể, để DN tranh thủ tăng cường tiêu thụ thủy sản ở thị trường EU” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.