TikTok vừa bị Mỹ đánh đòn chí mạng: Nguy cơ phải dừng hoạt động vào 19/1, hơn 170 triệu nhà sáng tạo sắp mất kế sinh nhai

Vũ Anh |

Tương lai TikTok tại Mỹ không biết đi đâu về đâu!

TikTok đang tiến gần hơn với nguy cơ biến mất tại Mỹ, sau khi một hội đồng thẩm phán liên bang quyết định duy trì một luật mới có thể dẫn đến lệnh cấm ứng dụng video phổ biến do Trung Quốc sở hữu vào giữa tháng 1.

Ba thẩm phán tại Tòa phúc thẩm Mỹ, Quận Columbia đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của TikTok nhằm lật ngược kết quả. Quyết định có thể coi là đòn đánh chí mạng đối với ứng dụng tại một trong những thị trường lớn nhất. Hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok để giải trí và tìm hiểu thông tin, qua đó biến đây trở thành một hiện tượng văn hóa.

Việc ứng dụng sắp bị xóa sổ tại Mỹ gây ra mối lo ngại đặc biệt nghiêm trọng từ những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận hoặc có thu nhập phụ thuộc vào TikTok. Quyết định này cũng đặt ra những câu hỏi mới cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với ứng dụng này song chưa có con đường rõ ràng để giải cứu.

Luật được ký vào tháng 4, yêu cầu chủ sở hữu ByteDance phải bán ứng dụng cho một công ty không phải của Trung Quốc trước ngày 19 tháng 1, hoặc phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ. TikTok, vốn nằm trong tầm ngắm của các chính trị gia kể từ năm 2020, tuyên bố rằng việc bán mình là không thể. Công ty lập luận rằng luật này chỉ trích TikTok một cách không công bằng, đồng thời xâm phạm quyền Tu chính án thứ nhất của người dùng Mỹ.

Các thẩm phán không đồng tình với lập luận của TikTok. Họ cho biết luật này được xây dựng để giải quyết vấn đề kiểm soát một đối thủ nước ngoài, vậy nên không vi phạm Tu chính án thứ nhất.

“Chính phủ đã hành động để bảo vệ quyền tự do và hạn chế khả năng thu thập dữ liệu về người dân Mỹ”, các thẩm phán đã viết vào thứ Sáu.

Không rõ chính xác điều gì xảy ra tiếp theo đối với TikTok. Các chuyên gia dự đoán công ty sẽ kháng cáo, mặc dù không có gì đảm bảo rằng các thẩm phán sẽ tiếp nhận.

Cũng không rõ ông Trump sẽ hành động tiếp theo như thế nào. Một phát ngôn viên cho biết vào tháng 11 rằng “ông ấy sẽ thực hiện kế hoạch cứu ứng dụng”, nhưng không cung cấp nhiều thông tin chi tiết.

Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng, TikTok gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia theo ByteDance. Việc chính phủ Trung Quốc giám sát các công ty tư nhân sẽ cho phép họ sử dụng ứng dụng này để thu thập thông tin nhạy cảm về người Mỹ hoặc để phát tán tuyên truyền thông tin sai lệch, dù chưa có bằng chứng công khai cho thấy điều này đã xảy ra.

Anupam Chander, giáo sư luật và công nghệ tại Đại học Georgetown, một trong những chuyên gia kỳ vọng Tòa án Tối cao sẽ thụ lý vụ kiện và kéo dài tương lai của TikTok tại Mỹ, nói: “Tòa án Tối cao, không muốn thấy ứng dụng này ngừng hoạt động vào ngày 19 tháng 1, sẽ đóng băng luật, sau đó chuyển giao cho chính quyền ông Trump và Bộ Tư pháp để tìm ra phương án”.

Chánh án Sri Srinivasan trước đó thừa nhận mức độ phổ biến của ứng dụng và lưu ý rằng nếu không có thương vụ bán mình, nhiều người Mỹ có thể “mất quyền tiếp cận với một phương tiện mang tính cộng đồng, có thể tạo ra thu nhập.

Steven Mnuchin, cựu Bộ trưởng Tài chính trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết vào tháng 3 rằng ông “đang cố gắng tập hợp một nhóm để mua TikTok” vì ứng dụng nên thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Mỹ.

Vào tháng 5, tỷ phú Frank McCourt cũng bày tỏ sự quan tâm. Những người theo đuổi được đồn đoán khác bao gồm Bobby Kotick, cựu giám đốc điều hành công ty trò chơi điện tử Activision Blizzard.

Tuy nhiên, một thương vụ bán mình tiềm năng sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản lớn — về cả mặt tài chính, kỹ thuật và chính trị. TikTok có thể tốn hơn 200 tỷ USD và nhiều người mua tiềm năng có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền.

Trước đó, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cho biết thà đóng cửa ứng dụng còn hơn bán mình, trong trường hợp công ty đã sử dụng hết tất cả các lựa chọn pháp lý để chống lại đạo luật cấm nền tảng này khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.

Các nguồn tin thân cận với ByteDance cho biết thuật toán mà TikTok dựa vào để hoạt động được coi là cốt lõi cho toàn bộ hoạt động của ByteDance và điều này sẽ khiến việc bán ứng dụng cùng với thuật toán rất khó xảy ra. TikTok chỉ chiếm một phần nhỏ tổng doanh thu và lượng người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy công ty mẹ thà đóng cửa ứng dụng này tại Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn bán mình cho một người mua ở Mỹ.

Theo: The NY Times, WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại