TikTok đột ngột biến mất và những thay đổi trong cuộc sống của giới trẻ Hong Kong

Bảo Hà/Báo Tin tức |

Trong hơn 2 năm qua, giới trẻ Hong Kong (Trung Quốc) đã học cách “cai” và tiếp tục một cuộc sống vui vẻ mà không có TikTok.

Theo đài CNN, các nhà lập pháp Mỹ đang đau đầu trong việc thuyết phục 150 triệu người dùng tại đây về một lệnh cấm TikTok. Ứng dụng chia sẻ video dạng ngắn phổ biến này là trung tâm của một cuộc chiến đang diễn ra, với việc các nhà lập pháp kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn trong khi TikTok tự miêu tả bản thân là một nền tảng cộng đồng quan trọng, cung cấp các thông tin giáo dục, giải trí cho người dùng.

Tại Hong Kong, TikTok tuyên bố ngừng dịch vụ từ tháng 7/2020, một tuần sau khi Trung Quốc công bố Luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính này. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này của TikTok là ứng dụng muốn giữ khoảng cách với công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh trong bối cảnh chịu sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thời bấy giờ.

Sự biến mất đột ngột của TikTok đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều: thất vọng từ một số người dùng và người tạo nội dung cũng có mà sự nhẹ nhõm của những người khác khi cho rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu không mất hàng giờ đồng hồ ngồi lướt ứng dụng cũng có.

Những phản ứng khác nhau đối với sự ra đi của TikTok và cách người dùng chuyển hướng sang các nền tảng khác hoặc thậm chí là hòa nhập với các cộng đồng đời thực tại Hong Kong mang đến cho người Mỹ cái nhìn thoáng qua về tương lai không có TikTok.

Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi TikTok không còn là những người sáng tạo nội dung. Quyết định rời bỏ Hong Kong của TikTok đã khiến những những người như Shivani Dukhande, có khoảng 45.000 người theo dõi trên nền tảng, phải tạm dừng hoạt động.

Cô gái 25 tuổi này chứng kiến ​​​​tài khoản của mình nhận được bão "like" và "đăng ký theo dõi" vào đầu năm 2020 trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19. Cô thường xuyên đăng các nội dung về phong cách sống như video nấu ăn và chăm sóc sức khỏe.

Dukhande chia sẻ: "Có rất nhiều người sáng tạo mới nổi lên. Chúng tôi cộng tác với nhau, chúng tôi có một cuộc trò chuyện nhóm. Ở đó tất cả chúng tôi sẽ nói và chia sẻ ý tưởng, tạo ra một cộng đồng".

Vào thời điểm đó, các công ty bắt đầu liên hệ với Dukhande, trả tiền cho nội dung được tài trợ và cộng tác trong các chiến dịch quảng cáo. Các thương hiệu bắt đầu hợp tác với những người sáng tạo trong các "thử thách" đang thịnh hành nhằm thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi mới.

"Nếu TikTok vẫn còn, thì có lẽ tôi đã có thể kiếm đủ tiền để bỏ công việc văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nếu tôi có cơ hội phát triển, đó có thể là một con đường sự nghiệp tiềm năng", Dukhande ngậm ngùi.

Đây là một trong những lập luận chính mà TikTok đã đưa ra trong những tuần gần đây ở Mỹ. Vào tháng 3, khi Giám đốc điều hành của công ty chuẩn bị điều trần trước Quốc hội Mỹ, TikTok đã sản xuất một loạt tài liệu nêu bật các chủ doanh nghiệp nhỏ người Mỹ dựa vào nền tảng này để kiếm sống.

Trong báo cáo tháng 3, TikTok cho biết gần 5 triệu doanh nghiệp ở Mỹ sử dụng nền tảng này. TikTok cũng được dự kiến vượt mặt các đối thủ. Công ty nghiên cứu Omdia có trụ sở tại London đã dự đoán doanh thu quảng cáo của TikTok sẽ vượt doanh thu quảng cáo video cộng lại của Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram – và YouTube trước năm 2027.

Kết quả này một phần là do mọi người đang dành nhiều thời gian hơn cho TikTok. Theo công ty phân tích dữ liệu SensorTower, trong quý 2 năm 2022, người dùng TikTok trên toàn cầu đã dành trung bình 95 phút mỗi ngày cho ứng dụng này, gần gấp đôi thời gian người dùng dành cho Facebook và Instagram.

TikTok đột ngột biến mất và những thay đổi trong cuộc sống của giới trẻ Hong Kong - Ảnh 1.

Đối với một số người, sự ra đi của TikTok là một sự thay đổi đáng hoan nghênh. Ảnh minh họa: SCMP

Tại Hong Kong, không có TikTok, các nền tảng khác đã nhảy vào để lấp đầy khoảng trống. Reels, sản phẩm video dạng ngắn của Instagram, với các tính năng tương tự như TikTok, đang phát triển nhanh chóng. Dukhande đã tận dụng cơ hội tham gia để lấy lại lượng người đăng ký theo dõi. Cô ấy đã phải xây dựng lại lượng khán giả của mình từ đầu và hiện có 12.500 người theo dõi trên Instagram.

Giới trẻ phản ứng ra sao?

Đối với một số người, sự ra đi của TikTok là một sự thay đổi đáng hoan nghênh.

Poppy Anderson (16 tuổi) sử dụng TikTok kể từ khi ứng dụng này ra mắt vào năm 2018. Giống như nhiều thiếu niên khác, cô bé dành hàng giờ đồng hồ ngồi lướt TikTok.

"Rất dễ dàng để tìm thấy chính xác những gì bạn thích trên đó, bởi vì trang chạy theo thuật toán khiến bạn ở trên đó một khoảng thời gian dài. Nó rất thú vị, nhưng bạn không thực sự nhận được bất cứ điều gì từ việc này cả", Poppy cho biết.

Cô bé mô tả TikTok thường là một môi trường độc hại, nơi sinh ra suy nghĩ hạn hẹp, tâm lý bầy đàn, hành vi bắt nạt như chỉ trích cơ thể của phụ nữ. Poppy tiết lộ ngay cả những người cô ấy biết ngoài đời thực cũng bắt đầu hành động khác đi sau khi tham gia ứng dụng và điều này ảnh hưởng đến tình bạn ngoài đời thực rất nhiều.

Trong khi đó, Martin Poon (15 tuổi) bày tỏ cũng chán TikTok nhưng rất khó bỏ.

"Mọi người đều đang sử dụng nó, vì vậy cháu có cảm giác rằng cháu phải sử dụng nó, cháu phải biết chuyện gì đang xảy ra như bạn đồng trang lứa và điều đó khiến cháu căng thẳng", Martin chia sẻ.

Thông tin sai lệch và kỳ thị phụ nữ tràn lan trên TikTok, với những tài khoản như tài khoản của Andrew Tate – người đã bị giam giữ ở Romania với cáo buộc buôn người và hiếp dâm - đang trở nên nổi tiếng trong giới nam sinh tại trường của Martin.

"Những tài khoản này có tác động lớn như thế nào đến giới trẻ và nó ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của chúng cháu cũng như cách nó ảnh hưởng đến hành vi của chúng cháu", Martin chỉ ra mặc dù cậu bé nói thêm thông tin sai lệch là một vấn đề lớn đối với tất cả các nền tảng truyền thông không chỉ TikTok.

Các chuyên gia từ lâu đã lo lắng về tác động của TikTok đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Một nghiên cứu cho rằng ứng dụng này có thể hiển thị nội dung độc hại liên quan đến tự tử và rối loạn ăn uống đối với thanh thiếu niên trong vòng vài phút sau khi họ tạo tài khoản.

Trước áp lực ngày càng tăng, TikTok gần đây đã công bố giới hạn thời gian sử dụng thiết bị hàng ngày là một giờ cho người dùng dưới 18 tuổi, mặc dù người dùng sẽ có thể tắt cài đặt mặc định này.

Đối với Poon và người bạn Ava Chan (15 tuổi), sự biến mất của TikTok đã khơi dậy những khởi đầu mới.

Khi ứng dụng ngừng hoạt động vào năm 2020, các em đang tham gia các lớp học trực tuyến, không gặp mặt thầy cô bạn bè do đại dịch. Vào thời điểm đó, Instagram Reels và YouTube Shorts vẫn chưa có mặt tại Hong Kong.

Chan cho biết: "Chúng em phải tìm cách sử dụng thời gian của mình ngoài việc sử dụng TikTok. Đối với chúng em, điều này giúp khám phá niềm đam mê nhiều hơn".

Hai em đã thành lập một câu lạc bộ ở trường để truyền bá giáo dục và nhận thức về hội chứng đa dạng thần kinh, cũng như tham gia vào các hoạt động tình nguyện với những người bị đa dạng thần kinh. Cả hai đều nói rằng điều này giúp cho các em ý thức về mục đích của cuộc sống và khi thời gian trôi qua, các em nhận thấy những lợi ích khác.

Bạn bè của các em, những người trước đây dành thời gian quay phim và xem TikTok cùng nhau, bắt đầu có nhiều cuộc trò chuyện trực tiếp hơn. Các em bắt đầu tập thể dục ngoài trời nhiều hơn, sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện.

Tất nhiên, là thanh thiếu niên, các em không hoàn toàn rời bỏ mạng xã hội. Các em vẫn có những nền tảng khác để hoạt động. "Rất nhiều người, họ đã quên mất đã từng dùng TikTok. Mọi người chuyển sang các nền tảng khác nhau hoặc tiếp tục sống mà không cần mạng xã hội", Poppy cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại