CTCP Ti Ki - đơn vị vận hành trang thương mại điện tử Tiki - đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Ngày thực hiện phát hành là 16/3/2021, trái phiếu đáo hạn sau 2 năm. Lãi suất coupon 13%/năm là mức cận trên của đa số các đợt phát hành hiện nay. Trái phiếu được trả lãi định kỳ một tháng 1 lần.
Phần lớn lượng trái phiếu được mua bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước (924 tỷ đồng). Nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài mua phần còn lại (76 tỷ đồng).
Trong bản công bố thông tin, Tiki cho biết việc phát hành trái phiếu được sử dụng để: (i) Tăng quy mô vốn hoạt động của công ty bao gồm tài trợ nghiên cứu phát triển, chi phí quản lý vận hành doanh nghiệp, chi phí lương nhân viên, trả tiền cho nhà cung cấp, mua sắm thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh; (ii) Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của công ty gồm đầu tư vào công ty con, đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi, hệ thống lưu trữ - vận chuyển hàng hóa, tài trợ quảng bá tiếp thị.
Trái phiếu được đảm bảo bằng 2.156.465 cổ phần Tiki. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 26/2/2021, giá trị một cổ phần Tiki là 665.245 đồng.
Kể từ ngày ban hành chứng thư thẩm định giá trên đến ngày phát hành trái phiếu, CTCP Tiki đã phát hành thêm 2.156.465 cổ phần, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành của Tiki lên 22.987.633 cổ phiếu. Do đó, giá cổ phần được điều chỉnh tương ứng là 602.838,5 đồng.
Theo đó, giá trị tài sản đảm bảo được xác định là 1.300 tỷ đồng. Định giá CTCP Tiki ở mức 13.858 tỷ đồng (tương đương hơn 600 triệu USD).
Cũng xin lưu ý rằng, Tiki đã phát hành nhiều loại cổ phần khác nhau, bao gồm cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại… Nên các ước tính dựa trên việc nhân số lượng cổ phiếu với mức định giá chỉ mang tính tương đối.
Tính đến hết tháng 3/2021, ông Trần Ngọc Thái Sơn (sáng lập kiêm CEO) đang sở hữu 20,1% cổ phần Tiki, tương ứng khối tài sản tạm tính 121 triệu USD.
CTCP VNG, một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam sở hữu 20,2% cổ phần. Các cổ đông nước ngoài gồm JD.Com sở hữu 18,2%; Ubiquitous Traders 9,9%; Success Elite Holdings 4,5%; Finup Asia Investment I 3,7%...
Các cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ 49,4% cổ phần Tiki.
Tính đến hết năm 2019, Tiki đã lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng. Cạnh tranh ngành thương mại điện tử vẫn rất khốc liệt với sự đầu tư mạnh mẽ của hai ông lớn hàng đầu như Shopee và Lazada từ nền tảng công nghệ, hạ tầng logistics, khuyến mãi mua hàng và truyền thông… Tiki lúc này đang cần thêm nhiều nguồn lực nếu không muốn bị bỏ rơi ngày càng xa, thậm chí là cạn dòng tiền hoạt động.
Hồi tháng 5/2021, Dealstreetasia đưa tin Tiki đang huy động từ 150 – 200 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất và sẽ hoàn thành sau vài tháng.
Trước đó hồi tháng 6/2020, Tiki huy động được 130 triệu USD từ quỹ đầu tư Northstar Group.
Cũng hồi giữa năm 2020, ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki chia sẻ mong muốn Nhà nước nới lỏng điều kiện lên sàn chứng khoán đối với các công ty công nghệ bán lẻ. Hiện tại, để IPO lên sàn, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần chứng minh được lợi nhuận trong vòng 3 năm gần nhất. Do đó, đây chính là rào cản lớn với các startup công nghệ vẫn đang trong giai đoạn "đốt tiền".
Khi tiền đốt hết mà mô hình kinh doanh chưa sinh lãi và khó khăn trong việc huy động vốn mới, các doanh nghiệp chắc chắn lâm vào tình trạng khó khăn.
Vào tháng 3/2021, Tiki có đợt huy động vốn mới khi tăng vốn từ 208,3 tỷ lên 229,9 tỷ đồng. Bên tham gia là các nhà đầu tư nội.