Sự thật ê chề ngàn năm khó gột sạch về "vua của các vua" giàu bậc nhất trong lịch sử

Hùng Xuân |

Trong lịch sử cổ kim, Mahmud - một tiểu vương Hồi giáo là người được mệnh danh vua của các vị vua, vua lớn nhất mọi thời đại, hay vị vua giàu có bậc nhất lịch sử.

Nhưng đằng sau những mĩ từ được tung hô vang dội khắp thời Trung cổ về Mahmud là những sự thật thảm khốc của các chuộc xâm chiếm thuộc địa.

Vùng đất màu mỡ và bất ổn

Ấn Độ là một quốc gia có diện tích lớn thứ bảy, dân số đông thứ hai thế giới. Nơi đây từng được biết đến trong lịch sử với nền văn minh sông Ấn, cái nôi của Ấn Độ giáo, Phật Giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Trong quá khứ, nơi đây là một mảnh đất trù phú, giàu có bậc nhất khu vực châu Á và thế giới. Tuy nhiên, chính sực nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản đã đẩy vùng đất này đi hết từ bi kịch này tới những bi kịch khác. 

Trong dòng chảy lịch sử đó, không thể không kể đến trang sử đẫm máu bậc nhất thế giới, khi người Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ.

Từng có nhận định khi cho rằng người Ấn Độ đã quá tập trung cho các cuộc hùng biện và nội chiến. Người Ấn lơ là với việc phòng vệ biên cương và kinh đô, bảo vệ của cải và tự do.

Trong lúc đó, các đế chế hùng cường như Scythe, Hung Nô, A Phú Hãn, Thổ không một phút giây ngơi nghỉ, luôn rình rập ở xung quanh, chỉ cần tinh thần quốc gia của Ấn Độ giảm xuống là sẵn sàng động binh.

Trong bốn trăm năm (600-1000), Ấn Độ đã vô hình chung trở thành mồi nhử các cường quốc khát thuộc địa xung quanh, và sau cùng cuộc xâm lăng xảy ra. Lịch sử Ấn Độ giai đoạn này bước sang trang mới của máu và nước mắt.

Tiểu vương độc ác bậc nhất thời Trung cổ: Giết hơn 50.000 người chỉ trong một trận càn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa đội quân Hồi giáo thời Trung đại.

Năm 997, một thủ lĩnh người Thổ là Mahmud lên làm vua của tiểu quốc Ghazni, ở miền Đông A Phú Hãn (ngày nay là Afghnistan) cho rằng đất nước mình cai trị quá trẻ trung mà lại rất nghèo, còn Ấn Độ ở bên kia biên giới thì đã già cỗi mà lại giàu có quá cỡ. Lòng tham của vị tiểu vương nổi lên.

Viện cớ thiêng liêng để diệt thói sùng bái ngẫu tượng ở Ấn Độ (Hồi giáo không thờ thần nào khác ngoài Thánh Allah - tượng Thượng đế của họ), Mahmud đã dẫn đầu một đạo quân thiện chiến (lịch sử gọi là đạo quân "cướp bóc") vượt biên giới sang Ấn Độ.

Một bên là ham muốn tiền tài cùng lực lượng quân đội mạnh, bên kia là một đất nước giàu có nhưng kém về sức mạnh quân sự cũng như chiến trận, đã dẫn tới bi kịch cho Ấn Độ.

Mahmud nhanh chóng đánh tan đạo quân Ấn ở Bhimnager (một thành phố của Ấn Độ ngày nay), tàn phá các thành thị, đền chùa và chở về nước không biết bao nhiêu của cải của người Ấn đã tích lũy trong mấy thế kỷ. 

Trở về cố quốc, để phô trương chiến công và sức mạnh kèm theo sự giàu có của mình, Nahmud bày biện của cải cướp được cho các sứ thần ngoại quốc chiêm ngưỡng.

Theo ghi chép của các sử gia Trung cổ, những đồ này bao gồm: đồ tế nhuyễn, các viên ngọc trai, hồng ngọc lấp lánh như nước hòa với rượu rồi đông lại, các viên ngọc bích y như trái sim, và những viên kim cương lớn bằng trái lựu...

Tội ác chất chồng để vơ vét của cải

Từ đó trở đi, quen mùi giàu sang và máu tươi, mỗi mùa đông ông ta lại dẫn đại quân xuống Ấn Độ, vơ vét cho đầy kho tàng và cho quân lính thả cửa giết chóc, cướp bóc, qua mùa xuân lại trở về kinh đô. Nhờ vậy mà Ghazni càng ngày càng giàu có hơn.

Trong một trận càn ở Mathura (trên bờ sông Jumna) Nahmud đã phát hiện một ngôi đền cổ, ông ta cho lấy hết các tượng nạm vàng, ngọc, vàng bạc và lấy luôn cả đồ thờ cúng. Mặc dù biết rằng đây là một kiến trúc vĩ đại song ông ta vẫn nhẫn tâm sai lính quét thạch du (dầu hỏa ở trong mỏ chưa lọc) lên, đốt cho cháy rụi mới thôi.

Tiểu vương độc ác bậc nhất thời Trung cổ: Giết hơn 50.000 người chỉ trong một trận càn - Ảnh 3.

Tranh minh họa tiểu vương Mahmud và đạo quân Hồi giáo

Sáu năm sau, ông ta tiếp tục cướp phá một thành phố trù phú khác ở Bắc Ấn (thành Smanath), và tại đây, Mahmud đã nhẫn tâm ra lệnh cho quân lính giết sạch 50 ngàn dân rồi chở hết của cải về Ghazni.

Có lẽ từ những điều này, theo sử sách ông được mệnh danh là một người giàu nhất trong lịch sử nhân loại, song đồng thời tên tuổi Mahmud cũng gắn với sự độc ác bậc nhất nhân loại. 

Cũng có những lần, do chiến trận bắt được nhiều dân thường, Mahmud đã giữ lại mạng sống cho họ song cũng biến họ thành "công cụ biết nói, công cụ biết kêu" (cách chỉ nô lệ).

Mặc dù Mahmud đã gây ra không ít đau thương và nhấn chìm nhiều vùng đất bình yên, trù phú của Ấn Độ trong lửa và máu, nhưng, khi qua đời sau 1/3 thế kỷ, ông vẫn được nhiều sử gia Hồi giáo đánh giá và coi là ông vua lớn nhất của thời đại và thế giới, với những mỹ từ nêu trên.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại