Theo Uỷ ban Nobel, ông Gurnah được trao giải nhờ vào "đặc điểm kiên định và tinh thần nhân ái đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân cũng như số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa".
Ông Gurnah lớn lên trên đảo Zanzibar ở Tanzania nhưng đến Anh tị nạn vào những năm 1960. Ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết cũng như một số truyện ngắn.
Ông Gurnah là giáo sư tại Trường ĐH Kent (Anh). Cuốn tiểu thuyết “Paradise” (tạm dịch “Thiên đường”) của ông đã lọt vào danh sách bình chọn giải thưởng văn học Booker năm 1994. Giải Nobel Văn học trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,14 triệu USD).
Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah. Ảnh: Twitter
Giải thưởng Nobel Văn học vinh danh những người đoạt giải trong các lĩnh vực thơ ca, tiểu thuyết và sáng tác.
Trong suốt 120 năm qua, giải thưởng Nobel Văn học thường được trao cho các tác giả phương Tây nhưng năm nay, một số phương tiện truyền thông dự đoán nó có thể được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho một tác giả đến từ châu Á hoặc châu Phi theo cam kết làm cho giải thưởng danh giá này trở nên đa dạng hơn.
Trong số 117 người đoạt giải Nobel Văn học kể từ khi giải thưởng đầu tiên được trao năm 1901, 95 người (hơn 80%) là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng Pháp đã 15 lần giành giải Nobel Văn học, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngoài ra, 101 tác giả giành chiến thắng là đàn ông và chỉ có 16 phụ nữ.
Viện Hàn lâm Thụy Điển từng khẳng định những người đoạt giải được chọn dựa trên thành tích văn chương, không tính đến quốc tịch. Nhưng sau vụ bê bối #MeToo, viện này phải hoãn trao giải thưởng năm 2018 trong 1 năm và tuyên bố sẽ điều chỉnh các tiêu chí theo hướng đa dạng hơn về địa lý và giới tính.
Người đứng đầu Ủy ban Nobel Anders Olsson thừa nhận vào năm 2019: “Trước đây, chúng tôi có quan điểm thiên về châu Âu hơn khi nói tới văn chương nhưng bây giờ, chúng tôi đang nhìn ra toàn thế giới”.
Hai trong số 16 phụ nữ nhận được giải Nobel Văn học là tiểu thuyết gia người Ba Lan Olga Tokarczuk (giành giải thưởng bị trì hoãn năm 2018) và nhà thơ Mỹ Louise Gluck (năm 2020).