Tiểu thương cho biết UBND quận 5 và Ban quản lý chợ đã nhiều lần hứa sửa chữa chợ vì xuống cấp nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện. Đến nay, đang vào mùa mưa nên nước thường xuyên chảy vào các sạp ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các hộ.
Các tiểu thương cũng yêu cầu UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn, vì hợp đồng này là vô hiệu do chợ truyền thống thì không được thu tiền thuê quầy sạp.
Yêu cầu thứ hai là UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương, vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng góp từ trước để xây dựng chợ.
Yêu cầu thứ ba là UBND quận 5 gửi số tiền 217 tỉ đồng do tiểu thương chợ An Đông đóng góp để sửa chữa chợ từ năm 2013 vào ngân hàng do đại diện tiểu thương và ban quản lý chợ cùng làm chủ tài khoản để giám sát việc thu chi.
Số tiền này lãnh đạo thành phố cũng đã công nhận là tiền của tiểu thương đóng góp và dùng toàn bộ số tiền này vào mục đích nâng cấp sửa chữa chợ.
Rất đông tiểu thương tập trung phía trước chợ
Gần 9 giờ ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, có mặt để giải quyết những bức xúc của tiểu thương.
Các kiến nghị của tiểu thương, ông Huy trả lời ngắn gọn là đồng ý số tiền đóng góp của tiểu thương 217 tỉ đồng sẽ do đại diện tiểu thương và ban quản lý chợ cùng đứng chủ tài khoản để giám sát. Số tiền này chỉ sử dụng để sửa chữa và nâng cấp chợ.
Chủ tịch UBND Quận 5 (người cầm micro) đối thoại với các tiểu thương. Ảnh: Nguyễn Hải
Đối với kiến nghị bãi bỏ hợp đồng cho thuê quầy sạp có thời hạn, ông Huy nói là ghi nhận lại và xin ý kiến của thành phố.
Yêu cầu về việc công nhận quyền sở hữu quầy sạp, trước đây tiểu thương ký với Công ty Việt Hoa 20 năm thì nay chuyển sang ký tiếp với Ban quản lý Trung tâm thương mại – Dịch vụ An Đông. Còn các vấn đề khác ông Huy ghi nhận để có hướng giải quyết sau.