Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi lợn của toàn Thành phố. Dịch xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội từ cuối tháng 2/2019 tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
Đến giữa tháng 10/2019, dịch đã xảy ra trên 32.000 hộ chăn nuôi (chiếm khoảng 40% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi toàn Thành phố), ở gần 450 xã, phường, thị trấn tại 24 quận, huyện, thị xã.
Đến nay, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy đã lên trên 530.000 nghìn con (chiếm 28,6% tổng đàn lợn), với khối lượng trên 36.600 tấn. Dẫn con số thống kê, ông Đăng cho biết, nếu từ ngày 1/4/2019, tổng đàn lợn của Hà Nội 1,87 triệu con, nhưng đến 1/7/2019, tổng đàn lợn chỉ khoảng 1,23 triệu con.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, Thủ đô hiện có khoảng 7,6 triệu người, cùng hơn 2 triệu khách thường xuyên có mặt. Nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm toàn Thành phố khoảng 320.000 tấn/năm, khoảng 900 tấn/ngày. Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi của Thành phố chỉ đáp ứng khoảng 60%, còn lại phải lấy từ các tỉnh và nhập khẩu.
Về thịt lợn, ông Đăng cho biết, Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ khoảng 650-700 tấn thịt lợn/ngày, tương đương khoảng 270.250-280.500 tấn/năm.
Do dịch tả lợn châu Phi, nên sản lượng thịt năm nay ước đạt chỉ 200.000-220.000 tấn/năm, đạt khoảng 60-65% nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội. Do vậy, người dân thành phố sẽ thiếu hụt 90-100 nghìn tấn thịt lợn.
Theo ông Đăng, hiện Thành phố đã tập trung triên khai các giải pháp ứng phó với dịch bệnh, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Cùng đó, hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi, phát triển đàn bò, gia cầm, thủy sản để bù lượng thịt lợn thiếu hụt.
Hiện tổng đàn bò của Hà Nội đã trên 134.400 con, tăng 3,7%, đàn trâu 24.000 con giảm 2,02%, và đàn gi cầm hiện khoảng 31 triệu con, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, do dịch tả lợn châu Phi, nên số lượng lợn tiêu hủy cả nước đến nay đã hơn 5,6 triệu con, với trọng lượng 325 nghìn tần, chiếm 8,3% khối lượng thịt cả nước.
Ông Cường cho biết, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ tiêu thụ thịt lợn đang bị khủng hoảng, mất cân đối cung-cầu thịt lợn nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi. Thậm chí có vùng ở Trung Quốc giá lợn hơi đã trên 150.000 đồng/kg lợn hơi.
Hiện giá lợn ở trong nước trung bình khoảng 60.000 đồng/kg. Do mức chênh lệch lớn, nên những ngày gần đây, một số lượng lợn hơi của Việt Nam xuất qua biên giới với Trung Quốc, gây tâm lý “kích” giá lợn trong nước tăng lên.
Ngoài ra, một số đơn vị, hộ gia đình “găm hàng”, giữ đàn lợn để tăng trọng lợn cao hơn, thậm có hộ nuôi tới 150-180 kg/con mới bán, trong khi trong lượng xuất chuồng trung bình chỉ 100 kg/con, nên tạo sự khan hiếm giả tạo.
Liên quan đến xuất khẩu tiểu ngạch, Bộ trưởng Cường cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã có văn bản, yêu cầu hệ thống thu ý cửa khẩu, Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, và các địa phương tăng kiểm soát xuất, nhập lợn tiểu ngạch.
Các lực lượng cần kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản lợn ra, vào Việt Nam.