(Nguồn: dailystar.co.uk)
Tiểu hành tinh kỳ lạ Kleopatra được coi là một trong những thiên thể với hình dáng bất thường nhất trong Hệ Mặt Trời. Thiên thể này được nhà thiên văn học người Áo Johann Palisa phát hiện lần đầu tiên vào năm 1880.
Kleopatra được đặt theo tên của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, dài khoảng 270km và rộng 93km. Nó còn sở hữu biệt danh “tiểu hành tinh xương chó” vì có hình dáng hai thùy được nối với nhau bằng một cái “cổ” dày.
Kleopatra nằm giữa Sao Hỏa, Sao Mộc và có hai mặt trăng quay quanh. Hai mặt trăng này được đặt tên là AlexHelios và CleoSelene - tên con của Nữ hoàng Cleopatra.
Cả hai mặt trăng được cho là tàn tích của vật chất tích tụ lại, sau một vụ va chạm cực kỳ dữ dội giữa hai tiểu hành tinh.
Tại thời điểm gần nhất, Kleopatra cách Trái Đất hơn 200 triệu km và quay quanh Mặt trời với tốc độ đáng kinh ngạc.
Thiên thể này đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thiên văn học trong hơn một thế kỷ qua.
Mới đây nhất, những hình ảnh sắc nét và chi tiết về tiểu hành tinh Kleopatra đã được các nhóm thiên văn học chụp lại bằng kính viễn vọng VLT ở sa mạc Atacama, Chile.
Tiến sỹ Franck Marchis, nhà thiên văn học thuộc Viện SETI ở Mountain View, California, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Kleopatra thực sự là một thiên thể độc nhất vô nhị trong Hệ Mặt Trời.Khoa học đạt được rất nhiều tiến bộ nhờ vào việc nghiên cứu những thiên thể kỳ lạ. Tôi nghĩ Kleopatra là một trong số đó và hiểu được tiểu hành tinh phức tạp này có thể giúp chúng ta tìm hiểu thêm về Hệ Mặt Trời ”./.