Tiểu hành tinh khổng lồ 2024 ON, có kích thước bằng một tòa nhà chọc trời, sẽ bay gần Trái đất vào thứ Ba tuần tới (17/9), cách hành tinh của chúng ta khoảng 2,6 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng.
Khi tiếp cận gần nhất, tiểu hành tinh sẽ cách Trái đất khoảng 0,62 triệu dặm (1 triệu km). Theo tiêu chuẩn vũ trụ, đây là một khoảng cách cực kỳ hẹp nhưng vẫn đủ xa để con người trên Trái đất không phải lo lắng về ảnh hưởng từ tảng đá vũ trụ đang lướt qua.
NASA coi bất kỳ vật thể vũ trụ nào ở trong phạm vi 120 triệu dặm (193 triệu km) tính từ Trái đất là "vật thể gần Trái đất" và phân loại bất kỳ vật thể lớn nào trong phạm vi 4,65 triệu dặm (7,5 triệu km) tính từ hành tinh của chúng ta là "có khả năng gây nguy hiểm".
NASA đã theo dõi vị trí và quỹ đạo của khoảng 28.000 tiểu hành tinh bằng hệ thống cảnh báo về tác động của tiểu hành tinh trên Trái đất (ATLAS), gồm 4 kính viễn vọng thực hiện quét toàn bộ bầu trời đêm sau mỗi 24 giờ.
NASA đã ước tính quỹ đạo của tất cả các vật thể gần Trái đất này cho đến cuối thế kỷ 21. Theo các nhà khoa học NASA, Trái đất sẽ không phải đối mặt với bất kỳ mối nguy hiểm nào từ một vụ va chạm tiểu hành tinh đe dọa đến sự tồn vong của con người trong ít nhất 100 năm tới.
Trong trường hợp tiểu hành tinh 2024 ON rơi xuống Trái đất, nó sẽ không gây ra hậu quả thảm khốc như tiểu hành tinh dài 12 km từng tiêu diệt loài khủng long sau khi va vào Trái đất cách đây 66 triệu năm. Nhưng điều này không có nghĩa là tác động của nó sẽ không lan rộng. Ví dụ, vụ nổ năm 2013 do một thiên thạch rộng 18 m trên bầu trời Chelyabinsk, Nga đã tạo ra một vụ nổ tương đương với khoảng 400 - 500 kiloton thuốc nổ TNT, hoặc gấp 26 - 33 lần năng lượng giải phóng từ quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima (Nhật Bản), làm bị thương khoảng 1.500 người.