Tiêu cực ở V-League: Một mất mười ngờ!

GIA HUY |

Thanh Hóa sau trận thua ngược Than Quảng Ninh 3-4 đã đánh mất lợi thế trong cuộc đua vô địch V-League. Trước những nghi ngờ về sai lầm cá nhân, họ đòi mời cơ quan điều tra vào cuộc.

Ngày 23-10, lãnh đạo đội Thanh Hóa có cuộc họp mổ xẻ trận thua đau của đội nhà trên sân khách Than Quảng Ninh. 

Chủ tịch CLB Doãn Văn Phương cho biết sai lầm để xảy ra hai bàn thua đầu của Thanh Hóa do chủ quan về chuyên môn nhưng vẫn mời cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ những nghi vấn từ những lời đồn thổi có bán độ nhằm rộng đường dư luận.

Ở bàn thua phút cuối hiệp 1, thủ môn Thanh Thắng có pha chuyền bóng như đặt vào chân cho tiền đạo Dyachenko ghi bàn gỡ hòa. 

Đầu hiệp 2, đến lượt trung vệ Bakel phạm lỗi trong vòng cấm giúp Than Quảng Ninh nâng cách biệt trên chấm phạt đền 11 m. Tuy nhiên, gần như mọi nghi vấn bán độ chỉ dồn vào mỗi tình huống của cầu thủ nội là thủ môn Thanh Thắng, dù anh đã gửi lời xin lỗi và nói rằng đấy là một tai nạn.

Cầu thủ Thanh Hóa có bán độ hay không bán độ vẫn nằm trong nghi án khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Thế nhưng mỗi lần làng bóng có chuyện thì rất nhiều người nghĩ ngay đến tiêu cực, do nỗi ám ảnh của quá khứ và không chỉ ở cấp CLB.

Tiêu cực ở V-League: Một mất mười ngờ! - Ảnh 1.

Tiêu cực ở V-League: Một mất mười ngờ! - Ảnh 2.

Thủ môn Thanh Thắng sau bàn biếu không cho đối phương (trái)… và thẫn thờ khi kết thúc trận đấu. Ảnh: VNN

Cách đây vài năm, không ai nghĩ cầu thủ Ninh Bình và Đồng Nai bán độ cho đến khi công an bắt nhiều cầu thủ nhúng chàm sau một quá trình dài theo dõi gắt gao. Điều này cho thấy cuộc chơi của bóng đá Việt Nam ở một số thời điểm và hoàn cảnh có tiêu cực với nhiều mức độ lẫn biến tướng của nó nhưng không phải là tất cả.

Còn có những nghi vấn khác cũng rất đáng lo cho sân chơi V-League chưa tạo ra sự an tâm đối với người trong cuộc. Như thầy ngoại Petrovic mỉa mai sâu cay các nhà làm giải: “Hãy công bố đội nào giành ngôi vô địch, để các đội còn lại cạnh tranh vị trí thứ hai, thứ ba cho quyết liệt”.

HLV của Thanh Hóa nhấn mạnh hơn đến công tác trọng tài với nỗi nghi ngờ có vấn đề trong hai trận gần nhất hòa Hà Nội 3-3 và thua ngược Than Quảng Ninh 3-4 đều bị phạt đền. 

Ngược lại, có những tình huống theo ông Thanh Hóa sẽ được hưởng phạt đền nhưng trọng tài lơ đi. Theo luật, đội bóng không thể khiếu nại các tình huống phạt đền hay không phạt đền và điều này khiến ông Petrovic ức chế vì cho rằng bị thua oan.

Lạ lùng là những dấu hiệu nghi ngờ oan sai hoặc thiếu trung thực trên sân cỏ đều có lợi cho một vài đội bóng thuộc quyền kiểm soát của một ông bầu trong cuộc đua đến ngôi vô địch.

Từ chuyện bán tín bán nghi cầu thủ bán độ, hay việc CLB không phục ban tổ chức giải và lực lượng cầm cân nảy mực sân cỏ cho thấy V-League còn tồn tại quá nhiều vấn đề, bởi sự ngờ vực với cảm giác bị đối xử bất công.

Chờ phán quyết của VPF về bán độ

Sau sự cố của Thanh Hóa, Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc nói sẽ họp để đưa ra nhận định và người ta chợt nhớ đến phương án phòng, chống bán độ của VPF từ Sportradar, một công ty chuyên về phân tích dữ liệu thể thao.

Còn nhớ đội tuyển Việt Nam sau trận bán kết lượt về thua Malaysia 2-4 bị loại khỏi cuộc chơi AFF Cup 2014, chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi ấy giận dữ nói thẳng sẽ mời an ninh điều tra bán độ.

Tuyên bố của ông chủ tịch VFF đến tai cả Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và ngay lập tức họ nhảy vào cuộc nhờ phương tiện của Sportradar. Kết luận cuối cùng của AFF là chẳng có cầu thủ nào bán độ, sau khi Sportradar không cho thấy biểu hiện bất thường nào trên sân cỏ lẫn trên các trang cá cược trực tuyến.

Hai mùa giải gần nhất, VPF đã thuê Sportradar giám sát các trận đấu V-League nhưng chưa bao giờ họ phát hiện ra tiêu cực. Cho nên từ vụ của Thanh Hóa, giới hâm mộ rất cần đến phán quyết đúng đắn của các nhà làm giải để giải tỏa nghi ngờ hoặc phanh phui đến cùng tiêu cực ở sân chơi của mình.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại