“Tiêu cực kéo dài do kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thậm chí bị mua chuộc”

Kim Anh/VOV.VN |

Một số vụ việc tiêu cực để kéo dài, sau đó trở thành nghiêm trọng là do công tác kiểm tra, giám sát chưa làm thường xuyên, thậm chí, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát nể nang, né tránh, thậm chí bị mua chuộc”.

Còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh trong kiểm tra, giám sát

Trong một số kết luận gần đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng, đảng viên cho thấy, có nơi đã thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; sử dụng đất đai, quản lý nghiên cứu khoa học; thực hiện các dự án đầu tư công và mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao…

Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, nhìn lại những vụ án, vụ việc nổi cộm thời gian qua cho thấy, công tác này đang có sự buông lỏng ở một số tổ chức cơ sở đảng, khiến vi phạm nhỏ dần dần tích tụ thành vi phạm lớn, không được kịp thời ngăn chặn, xử lý dẫn đến nhiều cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý.

Một cán bộ trong ngành kiểm tra, giám sát của Đảng từng nói, theo nguyên tắc, mọi đảng viên phải sinh hoạt tại tổ chức Đảng cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ của người đảng viên, thực hiện phê bình và tự phê bình. Nhưng khi sự việc xảy ra, một dấu hỏi lớn là tổ chức Đảng ở đây đã thể hiện vai trò như thế nào? Tại sao đồng chí của mình vi phạm mà tổ chức Đảng không biết, hay biết nhưng không dám đấu tranh vì nể nang, né tránh, ngại va chạm? Vì thiếu dân chủ, thiếu sự đấu tranh khi thấy có dấu hiệu vi phạm nên tổ chức Đảng ở đó mất sức chiến đấu, thậm chí bị tê liệt.

Theo ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nhiều vụ việc bê bối thời gian qua được đưa ra ánh sáng, ngoài nguyên nhân công tác cán bộ có sai sót, lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực thì còn có nguyên nhân đó là tổ chức cơ sở Đảng buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình, còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh.

“Tiêu cực kéo dài do kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thậm chí bị mua chuộc” - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Cuông (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII). (ảnh: Tuổi Trẻ)

“Một số vụ việc tiêu cực để kéo dài, sau đó trở thành nghiêm trọng dẫn đến việc cán bộ không chỉ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng mà còn xử lý về pháp luật, chính là do công tác kiểm tra, giám sát chưa làm thường xuyên, kịp thời phát hiện các sai phạm. Ngược lại, cũng có những đoàn kiểm tra, giám sát phát hiện ra, nhưng do nể nang, né tránh, thậm chí bị mua chuộc cho nên không xử lý nghiêm” – ông Lê Văn Cuông cho biết.

Dẫn chứng vụ án tại tập đoàn kinh tế Vinashin, đại biểu Quốc hội khóa XII cho biết, có tới 11 cuộc thanh tra nhưng không phát hiện được các sai phạm, sau đó đã dẫn đến những thất thoát, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây, chất lượng của các đoàn thanh tra ra sao? Có sự bao che nào không? Khi xảy ra sai phạm như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

“Chất lượng của các đoàn thanh tra, kiểm tra ở đây có 2 mặt, mặt thứ nhất, có thể do năng lực yếu kém nên không phát hiện ra sai phạm; thứ hai, có khi phát hiện ra nhưng do nể nang, né tránh, bị mua chuộc nên kết quả thanh tra, kiểm tra không đúng với thực tế, sai phạm không được xử lý kịp thời”- ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Khuyết điểm, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng đã được người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra tại hội nghị giao ban ngành hồi tháng 10/2022. Theo ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự coi trọng, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; việc xác định đối tượng, nội dung, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát ở một số địa phương, đơn vị còn dàn trải, hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự đi vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm hoặc những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được kiểm tra, giám sát kịp thời; còn có cấp ủy chưa tiến hành kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

“Tiêu cực kéo dài do kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thậm chí bị mua chuộc” - Ảnh 2.

Ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải có năng lực, bản lĩnh, liêm chính

Có thể thấy, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy tổ chức Đảng, UBKT các cấp thời gian qua đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tế tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, rõ ràng, công tác kiểm tra, giám sát cần phải tiến hành một cách quyết liệt hơn, chủ động, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm hơn, đi vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm hoặc những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo ông Lê Văn Cuông, để công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng và trở thành nòng cốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cấp ủy phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ này, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát đối tượng là cấp ủy viên, các cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý, trước hết là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân sách, đầu tư công, công tác cán bộ.

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm sao “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, cần thường xuyên đánh giá chất lượng cán bộ, kịp thời đưa ra khỏi bộ máy những người không còn đủ năng lực, uy tín. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành thường xuyên, chủ động, toàn diện, khách quan, công khai, dân chủ; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề. Quyền lực trao cho cán bộ cần được kiểm soát bằng nhiều biện pháp, quyền lực càng cao càng được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.

Cũng theo đại biểu Quốc hội khóa XII, muốn nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát thì đội ngũ được giao nhiệm vụ là “thanh bảo kiếm của Đảng” phải thực sự là những người có năng lực, bản lĩnh, trong sạch, liêm chính.

“Đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực thường có nhiều mưu mô, che đậy bằng nhiều chiêu thức tinh vi, cho nên những người làm công tác kiểm tra, giám sát phải tinh thông nghiệp vụ thì mới phát hiện ra được. Bên cạnh đó phải có bản lĩnh, không để bị mua chuộc, thao túng. Khi đã phát hiện ra sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên thì cần phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, mọi đối tượng đều bình đẳng trước pháp luật, không thể “trên nhẹ, dưới nặng”, có như vậy mới đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm và làm gương cho người khác” – ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại