Tiết lộ mốc thời gian quan trọng với siêu dự án giao thông gần 86.000 tỉ 'khủng' nhất miền Bắc

Thái Hà |

Ngày 26/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có buổi thị sát, kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 gần 86 ngàn tỉ đồng.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Nguyễn Chí Cường cho biết: Đối với Dự án thành phần 1.1, toàn Thành phố đã phê duyệt và thu hồi đất 763,86/791,21ha, đạt 96,54%. 

Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất ở. Đặc biệt, huyện Sóc Sơn và Thường Tín đã hoàn thành phê duyệt phương án đất ở. 

Ban Quản lý dự án đã nhận bàn giao 714,15/763,86ha, đạt 93,49% so với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng. Số ngôi mộ di chuyển được đạt 7.899/9.263 ngôi, bằng 85,27%. Các quận, huyện đã xây dựng 13 khu tái định cư, với tổng diện tích 32,5ha. Đang thi công xây dựng 12/13 khu.

Tiết lộ mốc thời gian quan trọng với siêu dự án giao thông gần 86.000 tỉ 'khủng' nhất miền Bắc- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ triển khai Dự án trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: UBND TP Hà Nội

Đặc biệt, tại Dự án thành phần 2.1, trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 32 mũi thi công, gồm 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu. 

Hiện, các nhà thầu thi công đã tập kết vật liệu về công trường và thi công được hơn 340.000m3 cát đắp, 50.000m3 đất đắp bao và vẫn đang tiếp tục vận chuyển tập kết vật liệu về công trường đáp ứng thi công theo đúng tiến độ dự án. Về tình hình giải ngân, thanh toán, đã giải ngân 7.456,98 tỷ đồng/9.281,759 tỷ, đạt 80,34%

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo 7 quận, huyện có dự án đi qua đã báo cáo rõ tình hình giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc; cam kết tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đại diện các nhà thầu thi công cũng khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành các gói thầu trước tiến độ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác GPMB bàn giao cho Ban QLDA; đẩy nhanh công tác khảo sát, lập thẩm định phê duyệt phương án di chuyển mộ đảm bảo kịp thời chi trả tiền và di chuyển mộ của các hộ dân vào mùa khô cũng như thời điểm cuối năm Âm lịch. Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh công tác di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tiến độ chung của Dự án.

Tiết lộ mốc thời gian quan trọng với siêu dự án giao thông gần 86.000 tỉ 'khủng' nhất miền Bắc- Ảnh 2.

Ảnh: UBND TP Hà Nội

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị đặc biệt là 7 quận, huyện có dự án đi qua; hoan nghênh các quận, huyện đều cam kết phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng xong trước ngày 30/3/2024; đánh giá cao các nhà thầu cam kết thi công xuyên Tết, phấn đấu về đích trước thời hạn.

Đồng chí khẳng định: Đến thời điểm này, tình hình, kết quả thực hiện dự án theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đạt kết quả bước đầu tương đối tốt; nổi bật là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác thi công của các nhà thầu…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các quận, huyện tiếp tục tập trung cao độ để hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng cam kết, bảo đảm không ảnh hưởng đến mặt bằng thi công. 

Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện; đẩy nhanh các thủ tục, vận dụng các cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân. 

Các nhà thầu thi công khẩn trương tranh thủ thời gian, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành phần đường song hành chậm nhất vào Quý III/2025.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, lãnh đạo UBND Thành phố tăng cường đi cơ sở, trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, nhà thầu để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tranh thủ từng ngày để tăng tốc triển khai dự án. 

Đồng chí cũng đề nghị, UBND Thành phố chỉ đạo tiếp tục rà soát các mỏ phía Đông Hà Nội để cần thiết cung cấp hỗ trợ cả Bắc Ninh và Hưng Yên.

"Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định mang tính đặc thù, ưu tiên cho dự án, nhất là về khai thác mỏ vật liệu cát, đất phục vụ dự án; tuyệt đối không để xảy ra sai sót, vi phạm pháp luật, đúng công suất, đúng vị trí, đúng điểm đi, điểm đến ...", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chiều nay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Đoàn tiếp tục kiểm tra hiện trường thi công dự án đường Vành đai 4 tại quận Hà Đông và các huyện: Thanh Oai, Thường Tín.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km; trong đó 58 km đi qua địa bàn Hà Nội (Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức). Đoạn qua Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn qua Bắc Ninh khoảng 36,3km. Điểm đầu của dự án tại nối điểm cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hà Long. Đây sẽ là dự án kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư), vận hành độc lập với diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng hơn 13,86 km2.  Dự án tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án đầu tư công khu vực phía Bắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại