Trò chuyện với bác sĩ Thanh Tuyền.
Bác sĩ Thanh Tuyền chia sẻ lần mổ tử thi diễn viên Lê Công Tuấn Anh.
Nhà báo Quỳnh Loan: Nghe đến ngành pháp y, nhiều người tránh xa nhưng bác đã chọn và gắn bó đến nay 46 năm. Bác hẳn đã đấu tranh tư tưởng nhiều lắm?
BS Nguyễn Thanh Tuyền: Sở dĩ ngành pháp y ít người thích cũng vì có duyên cớ của nó.
Đây là một trong những chuyên khoa ngành y, hỗ trợ đắc lực cho luật pháp để xử công bằng, khoa học.
Trong lĩnh vực pháp y có nhiều mảng như khám người sống, khám người chết, cận lâm sàng nhưng tất cả đều dính tới pháp luật.
Riêng tôi làm trong ngành pháp y nhưng chuyên mổ tử thi. Khi bắt đầu học chuyên khoa tôi đã tiếp xúc với xác chết và đến nay đã hơn 40 năm gắn bó với công việc này.
Bác bị người thân kịch liệt phản đối, thậm chí bạn bè gọi là đồ tể, các cô gái nghe đến nghề mổ xác không đến gần. Bác thấy tủi thân, chạnh lòng với nghề không?
Họ gọi "ông đồ tể" tôi buồn, đến khi bạn bè không ủng hộ buồn tăng thêm nhưng lúc đó tôi nghĩ phải giảm tự ái cá nhân để vươn lên. Phải yêu nghề không được buồn mà bỏ lơ và tôi tìm được cái hay trong ngành mổ tử thi.
Lần đầu tiên, đặt dao mổ tử thi giám định, chắc bác vẫn chưa quên?
Tôi cám ơn lần mổ đầu tiên - một cô bé 6 tháng tuổi, cháu nằm như ngủ, rất đẹp. Tôi luôn tự hỏi sao cô bé này mất, cháu mất vì cái gì. Và câu nói của thầy giáo: Làm nghề này phải nói giúp những người không nói được.
Tôi thấy trách nhiệm quá lớn để giúp những em bé không bao giờ lặp lại những câu chuyện buồn tương tự. Cũng chính cháu nhỏ ấy thôi thúc tôi phải học và không bỏ nghề.
Ca mổ tử thi diễn viên Lê Công Tuấn Anh phải chăng là kỷ niệm đáng nhớ với bác vì lúc đó Lê Công được nhiều người hâm mộ?
Mổ Lê Công Tuấn Anh tôi rất thương, tiếc cho tài năng trẻ đang lên. Tôi nhớ khi mổ trong bệnh viện 115, bên ngoài người dân đứng đông chờ xem kết luận như thế nào. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, tôi kết luận Lê Công Tuấn Anh tự tử.
Điều tiếc nhất cho Lê Công Tuấn Anh là chỉ có một mình, nếu có người thân bên cạnh tâm sự, chia sẻ những nỗi đau, có thể câu chuyện buồn không xảy ra.
Đài hóa thân nơi diễn ra đám tang của Lê Công Tuấn Anh khi mới khánh thành người ta ưu tiên tôi trồng cây si.
Khi Lê Công Tuấn Anh chết, cây si tôi trồng đã lớn, vì khán giả hâm mộ diễn viên đến quá đông không còn chỗ nên leo lên cây tôi trồng và tẽ ra làm đôi, giờ thành cây si hai ngọn.
Bác có chịu áp lực trong nghề không?
Áp lực nhiều vì phong tục người Việt Nam chết để lại xác dù người chết có phạm tội người ta cũng muốn toàn vẹn thân thể.
Nhiều người không tán thành việc mổ nên áp lực chứ bạn. Còn chuyện chửi bới là bình thường, đe dọa cũng bình thường.
Một bản giám định kết quả có thể thay đổi số phận một con người, chuyện dùng tiền mua chuộc cũng như trả thù, bác có từng đối diện?
Cái đó không hiếm vì trong khám tử thi tỉ lệ từ 10-11% là ở tù, từ 11% xuống là không ở tù.
Tôi từng gặp trường hợp một phụ nữ rất giỏi phá thai nhưng một lần làm ở nhà không may để chết người.
Đúng ra phá thai chảy máu dẫn đến tử vong. Tôi đã nói chuyện với chị ấy từ chiều tới 2h đêm và được đề nghị: "Chú sửa lại kết luận do kỹ thuật, không phải do tôi''.
Chỉ chữa một hai chữ là tôi có thể được 1, 2 chục cây vàng.
Nhưng tôi nói mình còn trẻ, nghèo thật nhưng chị lớn tuổi phải chấp nhận lỗi do mình làm đừng kéo người khác cùng mắc lỗi. Sau đó trao đổi không được tôi gọi công an vào cuộc.
Có lần tôi trực đêm ở Nguyễn Tri Phương, nhân viên trực phát hiện phòng ngủ có vẽ hình đề chữ "Thằng Tuyền" rồi mũi tên chỉ ra ngôi mộ. Ý là tôi phải coi chừng.
Nhưng tôi nói đùa trong cái rủi có cái may, 3 cái có 2 cái may 1 cái rủi, đánh hay bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết...
Đã khi nào bác bị tai nạn nghề nghiệp và có ca nào bó tay chưa?
Bốn mươi mấy năm tôi chưa bó tay ca nào, đều làm tốt. Tất nhiên còn sai sót như mình làm thiếu về kĩ thuật, nhớ bài không hết.
Ví dụ một trường hợp bị đạn bắn không có lỗ ra, bắn qua người tới cột sống, tôi tìm hoài không thấy buộc lòng nửa đêm phải đi ngủ.
Trong giấc ngủ tôi thấy mình học bài không kỹ, lẽ ra kỹ thuật lúc đó phải lấy dao gọt nhưng lại lấy tay rút lấp lỗ đạn, rõ ràng mình sai. Cho nên học gì cũng phải vững, nắm chắc không lơ là, phải thận trọng nhớ kỹ bài học.
Ảnh: Đinh Quang Tuấn