Tiết lộ bất ngờ đằng sau những ly trà sữa Mixue có giá chỉ 25.000 đồng: Tại sao rẻ “không đối thủ”?

Anh Vũ |

Ở Trung Quốc, hiếm có loại trà sữa nào có đơn giá dưới 10 nhân dân tệ (khoảng 35.000 VNĐ), nhưng giá trà/trà sữa trân châu của Mixue lại chỉ có giá dao động từ 6 đến 8 nhân dân tệ, tương đương từ 21.000 - 28.000 VNĐ. Mức giá này chưa bằng một nửa so với mức 15 nhân dân tệ của chuỗi đối thủ Good Me.

Thương hiệu Mixue có tên đầy đủ là Mixue Bingcheng, được thành lập từ năm 1997 bởi Zhang Hongchao. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm về kem tươi và đồ uống từ trà.

Mixue thành lập công ty vào năm 2008, đến năm 2010 đổi tên thành Công ty TNHH Quản lý doanh nghiệp Lưỡng Ngạn Trịnh Châu. Trụ sở chính của công ty đặt tại Trịnh Châu, thành phố thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Vài năm sau, Mixue thành lập các công ty con chuyên trách hoạt động sản xuất nguyên liệu, hậu cần, kho bãi và quản lý đầu tư.

Tiết lộ bất ngờ đằng sau những ly trà sữa Mixue có giá chỉ 25.000 đồng: Tại sao rẻ “không đối thủ”?  - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa. Ảnh: Mixue

Ở Trung Quốc, với mức giá từ 6 đến 8 nhân dân tệ, tương đương khoảng 21.000 - 28.000 VNĐ. Còn tại Việt Nam, sản phẩm Mixue cũng có mức giá nằm ở phân khúc bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/cốc, chỉ bằng một nửa so với khoảng giá từ 50.000 đồng đến 65.000 đồng/cốc của các thương hiệu cà phê - trà sữa khác.

Để lý giải cho mức giá vô cùng dễ chịu này, trước hết hãy thử tìm hiểu về mô hình hoạt động của Mixue.

Bản cáo bạch hồi tháng 9 năm nay của Mixue đã hé lộ, doanh thu của công ty chủ yếu đến từ hoạt động nhượng quyền, lên tới 96% doanh thu.

Theo mô hình bán hàng nhượng quyền, công ty sẽ bán nguyên liệu, vật liệu đóng gói, thiết bị, công cụ, phương tiện và các hàng hóa khác cho các cửa hàng nhượng quyền, đồng thời thu phí nhượng quyền, phí quản lý, phí đào tạo,... từ các cửa hàng này.

Tiết lộ bất ngờ đằng sau những ly trà sữa Mixue có giá chỉ 25.000 đồng: Tại sao rẻ “không đối thủ”?  - Ảnh 2.

Một cửa hàng nhượng quyền Mixue ở Việt Nam. Ảnh: Mixue

Số liệu chỉ ra, 72% thu nhập của Mixue đến từ việc bán nguyên liệu (cho các cửa hàng nhượng quyền) thay vì bán trà sữa pha chế. Điều này không có gì khó hiểu khi trong số 21.629 cửa hàng trà sữa của Mixue có tới 99.8% là cửa hàng nhượng quyền.

Theo con đường nhượng quyền, thực chất Mixue đang kinh doanh với mô hình B2B (Business to Business) thay vì B2C (Business to Customer). Khách hàng chính của Mixue, thực ra là đối tác nhượng quyền chứ không phải những cô nàng chăm chỉ hút trà sữa hàng ngày.

Mixue nên được biết tới nhiều hơn là nhà cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng trà sữa thay vì là nhà cung cấp trà sữa pha sẵn. Đây chính là chìa khóa quan trọng cho câu chuyện ly trà sữa chỉ 6-8 nhân dân tệ hay 25.000 VNĐ mà mọi người thắc mắc.

Tiết lộ bất ngờ đằng sau những ly trà sữa Mixue có giá chỉ 25.000 đồng: Tại sao rẻ “không đối thủ”?  - Ảnh 3.

Mixue Bingcheng được thành lập bởi Zhang Hongchao vào năm 1997. Ảnh: Caixin.

Quay trở lại vấn đề chính, tại sao Mixue có thể cho ra sản phẩm với mức giá khiến đối thủ ngán ngẩm như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên, Mixue tự sản xuất nguyên liệu chính để giảm giá thành trà sữa. Theo bản cáo bạch, có 3 nhóm nguyên liệu cần thiết để pha trà sữa, bao gồm: đồ uống đặc, bao gồm bột sữa lắc, bột trà sữa và bột thực vật,...; si-rô nước giải khát có hương vị, bao gồm nước giải khát có hương vị đối tác có hương vị sucrose, nước trái cây; mứt; các thành phần tươi như trái cây và trà.

Công ty đã xây dựng cơ sở sản xuất thực phẩm của riêng mình và liên tục mở rộng danh mục nguyên liệu tự sản xuất.

Không những vậy, công ty chọn đặt các nhà máy sản xuất và chế biến ở một số khu vực sản xuất nguyên liệu đầu nguồn quan trọng. Nguyên liệu sản xuất cần thiết được mua trực tiếp tại địa phương, điều này không chỉ giảm tổn thất vận chuyển nguyên liệu mà còn giảm chi phí thu mua, tăng tốc độ cung ứng, giúp đảm bảo chất lượng cũng như hạ giá thành sản xuất.

Tiết lộ bất ngờ đằng sau những ly trà sữa Mixue có giá chỉ 25.000 đồng: Tại sao rẻ “không đối thủ”?  - Ảnh 4.

Hình ảnh nhà máy trích từ bản cáo bạch Mixue

Thứ hai, không chỉ có lợi thế về mặt sản xuất, Mixue còn có lợi thế về mặt kho bãi, hậu cần. Công ty đã thành lập cơ sở kho bãi và hậu cần tại 22 tỉnh bao gồm Hà Nam, Tứ Xuyên, Tân Cương, Giang Tô, Quảng Đông và Liêu Ninh, đồng thời thiết lập mạng lưới hậu cần và vận tải cơ bản bao phủ toàn quốc thông qua các đối tác hậu cần của công ty.

Điều này, đương nhiên giúp quản lý các chi phí vận chuyển, lưu kho,.. một cách tối ưu nhất.

Tiết lộ bất ngờ đằng sau những ly trà sữa Mixue có giá chỉ 25.000 đồng: Tại sao rẻ “không đối thủ”?  - Ảnh 5.

Hình ảnh trích từ bản cáo bạch Mixue

Thứ ba, Mixue sở hữu "quyền lực" của "người mua lớn". Cần phải nhấn mạnh, số lượng cửa hàng tại Mixue đứng đầu trong ngành trà pha sẵn tại Trung Quốc, theo Tân Kinh Báo nhận định.

Bản cáo bạch của công ty chỉ ra, đến cuối tháng 3/2022, Mixue có tổng cộng 21.582 cửa hàng nhượng quyền và 37 cửa hàng trực tiếp điều hành trên lãnh thổ Trung Quốc (chỉ tính các cửa hàng trà sữa thương hiệu Mixue, không tính cửa hàng cà phê và kem).

Mạng lưới cửa hàng Mixue đã phủ khắp 31 tỉnh, khu tự trị, thành phố tại quốc gia đông dân nhất thế giới và sang cả các nước như Việt Nam, Indonesia, Singapore...

Với lượng tiêu thụ lớn, Mixue có trong tay hai lợi thế. Một là quyền đàm phán về giá với các nhà cung cấp ở "thượng nguồn". Mua nhiều - giá tốt, đó là quy luật bất biến trên thị trường xưa nay.

Bên cạnh đó, khi tự mở nhà máy sản xuất, việc có được sản lượng lớn sẽ tối ưu hóa chi phí cố định trên đơn vị sản phẩm, giúp hạ giá thành sản phẩm.

Một câu hỏi là bán ở mức giá thấp như vậy, Mixue có lãi không? Mời độc giả đón đọc phần 2: "Giải mã" doanh thu, lợi nhuận của Mixue.

(Còn nữa)

* Số liệu tài chính và dữ liệu trong bài được lấy từ Bản cáo bạch của Mixue đăng tải trên Cục quản lý chứng khoán Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại