Tiết học khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt của cô giáo ngoài 80 tuổi

Ngân Hà |

Bài giảng về đạo hiếu qua lời dạy của cô giáo già đã chạm đến trái tim của mỗi người con khi lắng nghe.

Tiết học khiến người nghe rơi nước mắt của cô giáo 82 tuổi 

Mới đây, trên mạng xã hội, đoạn clip ghi lại tiết học do một cô giáo già đã ngoài 80 tuổi đứng lớp bất ngờ gây "sốt" với gần 5 triệu lượt xem cùng 150 nghìn lượt thích và chia sẻ.

Cụ thể, đoạn clip kéo dài gần 10 phút, ghi lại tiết học mà cô giáo giảng dạy về đạo hiếu, về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái.

Được biết, tiết học diễn ra tại lớp 10A (Trường THCS-THPT Đức Trí, thành phố Hồ Chí Minh) cách đây khá lâu và đến mùa lễ Vu Lan, đoạn clip lại gây được nhiều sự chú ý.

Bằng giọng nói hào sảng, thuyết phục, cô giáo mở đầu bài dạy: "Hôm nay, cô xin phép giáo viên chủ nhiệm để dạy cho các con hai tiết về đức dục. Bài dạy của cô gồm ba phần: Hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô và thân ái với bạn bè".

Bài học về lòng hiếu thảo lay động hàng triệu trái tim

Tiếp đó, cô giáo vào đề ngay bằng một câu hỏi mà đa số học sinh đều nhanh chóng tìm ra được câu trả lời, đó là: "Tại sao phải hiếu thảo với cha mẹ?"

Sau đó, khi nói về những công ơn lớn lao của cha mẹ, cô giáo đưa ra 9 chữ: Sinh (sinh thành) – Cúc (nâng niu) – Phủ (vỗ về) – Súc (bú mớm) – Trưởng (nuôi lớn) – Dục (dạy dỗ) – Cố (trông nom) – Phục (chăm sóc)  – Phúc (bảo vệ).

- Các con, có ai nói cho cô biết công lớn nhất, công đầu tiên của cha mẹ là gì?

- Là sinh thành thưa cô

- Đúng rồi, chúng ta không phải tự nhiên sinh ra. Từ khi mới là giọt máu trong bụng mẹ, các con đã làm cho bố mẹ phải khổ, nhưng các con không biết đâu, vì các người không bao giờ nói những khó khăn cho các con nghe.

Bởi người ta nói: "Chim trời ai dễ đếm lông – Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày". Nhưng hôm nay, cô sẽ "vạch trần" hết cho các con nghe những nhọc nhằn của cha mẹ.

Tiết học khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt của cô giáo ngoài 80 tuổi - Ảnh 2.

Bài giảng về đạo hiếu của cô giáo ngoài 80 khiến người nghe không thể rời mắt.

Lúc mẹ con mang thai, cha con phải lo kinh tế, phải động viên, chăm sóc mẹ. Còn mẹ con thì mệt mỏi, xanh xao, vàng vọt vì ăn được bao nhiêu để nuôi bào thai hết.

Thậm chí mẹ ăn vào thì nôn ra, đêm ngủ thì trằn trọc canh trường, không ngon giấc. Khi người mẹ khó ở thì người cha làm mọi việc thay cho mẹ… Khi con lớn dần trong bụng thì người mẹ khệ nệ, nóng nực, đi lại khó khăn…

Đến đây, cả lớp ai cũng chăm chút lắng nghe không rời và ai cũng nhận thức được rằng những điều trên là hoàn toàn có thật, không sai một tí nào.

Cô giáo lại tiếp tục học hỏi sinh: "Bây giờ cô hỏi các con: Các con đeo ba lô trên vai một ngày có khó chịu không?", cả lớp đồng thanh: "Dạ có"

- Thế mẹ của chúng ta mang chúng ta trong bụng bao nhiêu ngày?

- Dạ, chín tháng 10 ngày

- Từng ấy ngày khó chịu và mệt nhọc rồi đến lúc sinh chúng ta ra còn phải đau đớn tột cùng. Người ta ví mỗi lần sinh con là một lần "vượt cạn" – Đàn ông vượt sông, vượt biển còn có bạn, có bè, còn phụ nữ "vượt cạn" chỉ có một mình.

Thậm chí, mẹ các con còn phải chịu hiểm nguy về tính mạng, nên người xưa mới có câu: "Có chửa là cửa mả", thế nên là "Nặng nề chín tháng cưu mang, công sinh bằng vượt biển sang xứ người".

Chỉ đến khi các con oe oe tiếng khóc chào đời, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Từ một sinh linh nhỏ bé, bây giờ các con đã lớn bằng này rồi đây.

Tiết học khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt của cô giáo ngoài 80 tuổi - Ảnh 3.

Đôi mắt tinh anh, dáng đi nhanh nhẹn, cùng giọng giảng bài sang sảng của cô khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết cô giáo đã ngoài 80 tuổi.

Bà lại hỏi tiếp: "Kể từ khi sinh ta ra, nuôi ta lớn lên cha mẹ ta hao tổn tinh thần, tốn kém vật chất, đau đớn về thể xác, không ai kể xiết. Bây giờ, 1kg gạo, 1kg thịt giá bao nhiêu các con có biết không?".

Cả lớp lặng thinh. Giọng bà giáo sang sảng: "Phải mất rất nhiều gạo và thịt thì các con mới lớn được như hôm nay.

"Chim trời ai dễ đếm lông - Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày". Các con có nhớ cái tuổi lên ba, lên năm cha làm ngựa cho con cưỡi, tập cho con đi những bước chập chững đầu tiên...

Có bao giờ các con nghĩ đến việc không còn cha còn mẹ không? Cha mẹ không sống đời với ta đâu. Các con có cha mẹ bằng xương, bằng thịt bên cạnh là hạnh phúc lắm rồi. Cha mẹ qua đời thì ta cô đơn lắm, mất cha, mất mẹ là mất cả cuộc đời".

Rồi bà kết luận: "Kẻ nào không yêu cha mẹ sẽ không yêu được bất kỳ ai " khiến bất kì ai cũng phải lặng người thấm thía.

Bài học "đi cùng năm tháng" về đạo hiếu của cô giáo già tâm huyết

Mặc dù tiết học được diễn ra từ cách đây khá lâu nhưng khi được chia sẻ trên mạng xã hội, nó vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.

Có lẽ bởi ai trong chúng ta cũng đều làm con cái, rồi lại trở thành cha, thành mẹ của những đứng con, cứ như thế...nên bài học về đạo hiếu, về tình thân gia đình bao giờ cũng có sức thu hút đặc biệt.

Theo tìm hiểu, được biết cô giáo già đứng lớp ở tiết học gây xúc động này là cô Đàm Lê Đức, năm nay đã ngoài 85 tuổi.

Sau khi nghỉ hưu ở khoa Toán thống kê, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, cô vẫn miệt mài trên bục giảng, chỉ khác là cô không dạy về toán mà dạy về đạo đức ở hai trường: cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS - THPT Đức Trí , thành phố Hồ Chí Minh.

Tiết học khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt của cô giáo ngoài 80 tuổi - Ảnh 4.

Cô Đức được nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng bởi những bài học làm người gần gũi, sâu sắc của cô.

Theo cô thì với đối tượng học sinh phổ thông, ngoài dạy chữ, phải dạy làm người. Tùy theo từng cấp mà nội dung sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu cô dạy các chuyên đề về sự hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái vời bè bạn; văn hóa ứng xử trong nhà trường và xã hội. 

Những bài giảng của cô không quá cầu kỳ, không mang tính giáo huấn, khuyên răn mà là những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống.

Trong các bài học về đức dục và trí dục, cô Đức tâm đắc nhất về đạo làm con, xuất phát từ tình yêu thương của cô với cha mẹ, bởi nỗi nhọc nhằn của cha mẹ để nuôi các anh chị em trong gia đình được ăn học và trưởng thành đã hằn sâu trong tâm trí từ ngày thơ ấu.

Do đó, vị giáo già luôn dạy học trò rằng, cha mẹ là người thầy đầu tiên, trọn đời và toàn diện của mỗi người.

Nhiều người đã để lại bình luận bày tỏ cảm xúc của mình sau khi xem lại đoạn phim về bài học thấm thía mà cô Đức giảng dạy.

Tiết học khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt của cô giáo ngoài 80 tuổi - Ảnh 5.

Cha mẹ không chỉ là ân nhân, mà hiện hữu như là lẽ sống và hạnh phúc của con cái (Ảnh minh họa)

Qua bài giảng đầy xúc động này, ta thấy được công ơn cha mẹ thật vô cùng to lớn, nhưng cha mẹ nuôi con không bao giờ kể, không hề mong con đáp trả.

Niềm vui và hạnh phúc của con cái cũng chính là niềm vui hạnh phúc của cha mẹ trong bất cứ thời đại xã hội nào.

Do đó, cách tốt nhất để báo hiếu cha mẹ là trở thành một người tốt, có ích cho xã hội, giống như lời dạy thấm thía của cô giáo già Đàm Lê Đức: "Khi bạn chào đời, bạn khóc, còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho đến khi qua đời, mọi người khóc, còn bạn, bạn cười"

"Tiếng khóc" của mọi người là khóc vì sự mất mát, thương tiếc, của nỗi xót xa, ngậm ngùi. Còn nụ cười của "ngày ra đi" thanh thản, mãn nguyện khi ta đã sống trọn vẹn một đời người với tất cả những hoạch định, những ước mơ trọn vẹn và niềm hạnh phúc tràn đầy nhất…

Tất cả những điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn thật sự là một người sống tốt, tốt với gia đình, tốt với mọi người và hữụ ích với xã hội. Đó cũng chính là một cách báo hiếu thiết thực nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại