Năm giám đốc cùng bắt tay mua bán hóa đơn trái phép
Theo nguồn tin của Tiền Phong, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình mới đưa vụ án hình sự mua bán trái phép hóa đơn có giá trị hơn 462 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn. Đây là vụ án liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng chục tỷ đồng của công ty Nam Phương Ninh Bình sau khi xuất khẩu dăm gỗ mà các cơ quan chức năng đang điều tra.
Theo đó, 7 đối tượng bị đưa ra xét xử về tội mua bán trái phép hóa đơn gồm: Nguyễn Đức Hậu (SN 1978, Giám đốc công ty Linh Nhung, có trụ sở phường Tân Thành, TP Ninh Bình) và 4 giám đốc doanh nghiệp khác tại Nam Định và 2 cá nhân là môi giới và nhân viên kế toán thuế.
Công ty Nam Phương mua dăm gỗ của người dân các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ để xuất khẩu. Ảnh Long Vân
Theo bản án, năm 2012, Hậu thành lập công ty Linh Nhung để kinh doanh dăm gỗ và vận tải hàng hóa. Đến tháng 4/2015, Hậu cùng một người khác góp vốn thành lập công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình (gọi tắt là công ty Nam Phương), chuyên sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc. Hậu lấy tên vợ là B.T.K.N đứng tên giám đốc, trên thực tế, mọi hoạt động của công ty Nam Phương đều do Hậu điều hành.
Do công ty Nam Phương thu mua gỗ, dăm gỗ của các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân bán ra không có hóa đơn GTGT, trong khi đối tác yêu cầu phải có, nên Hậu đã sử dụng công ty Linh Nhung làm doanh nghiệp trung gian xuất khống hóa đơn GTGT đầu vào cho công Nam Phương. Bản án xác định, công ty Linh Nhung đã xuất khống 91 hóa đơn, trị giá hàng hóa trước thuế ghi trong hóa đơn lên đến hơn 462 tỷ đồng cho công ty Nam Phương.
Để hợp thức hóa hóa đơn đầu vào cho công ty Nam Phương, Hậu chỉ đạo nhân viên mua 182 hóa đơn của 31 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp của 4 giám đốc tại Nam Định cùng bị đưa ra xét xử nêu trên.
Bản án xác định, các bị cáo đưa ra xét xử thu lợi bất chính hơn 1,3 tỷ đồng (mỗi hóa đơn, các cá nhân tham gia bán thu về 0,1- 0,5% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn hoặc 2-4 triệu đồng/hóa đơn). Từ đó, tòa quyết định tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính đó; trong đó bị cáo Hậu bị truy thu hơn 534 triệu đồng.
Ngoài ra, tòa tuyên phạt 7 bị cáo 1,49 tỷ đồng; trong đó bị cáo Hậu bị phạt 500 triệu đồng. Tổng số tiền phạt, tịch thu trong vụ án này là gần 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, tòa không tuyên bị cáo nào phải chịu hình phạt tù trong vụ án này.
Tiếp tục điều tra dấu hiệu trốn thuế
Một trong những nội dung đáng chú ý liên quan vụ án nêu trên là có việc trục lợi, trốn thuế từ việc hoàn thuế GTGT của công ty Nam Phương hay không.
Bản án nêu trên xác định, từ năm 2016 đến năm 2020, công ty Nam Phương mua gần 365 nghìn tấn dăm gỗ, giá trị chưa tính thuế gần 937 tỷ đồng để xuất khẩu. Hiện công ty Nam Phương đã được hoàn thuế GTGT xuất khẩu hơn 75 tỷ đồng (trước đó, cơ quan chức năng ước lượng khoảng gần 100 tỷ đồng, dựa trên giá trị gỗ dăm xuất khẩu của công ty Nam Phương).
Bản án cũng xác định, công ty Nam Phương đã sử dụng 91 hóa đơn GTGT “khống” của công ty Linh Nhung để xuất trình, kê khai với cơ quan Thuế, Hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu dăm gỗ keo cho các đối tác (các hóa đơn này đều không có hàng hóa, dịch vụ thực tế kèm theo).
Để làm rõ dấu hiệu trốn thuế, Công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định trưng cầu giám định thiệt hại về thuế. “Tuy nhiên, thời hạn điều tra đã hết nhưng giám định viên thuộc Tổng cục Thuế chưa có kết luận. Vì thế, Công an tỉnh Ninh Bình đã tách tài liệu để tiếp tục điều tra xác minh làm rõ hành vi trốn thuế của Hậu và B.T.K.N trong việc sử dụng 91 hóa đơn khống của công ty Nam Phương kê khai, hoàn thuế GTGT” – bản án nêu.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nhật Trường, Chánh văn phòng Cục Thuế Ninh Bình thông tin, Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình đã có báo cáo Tổng cục Thuế về việc này. Hiện nay, cơ quan công an đã thu giữ hồ sơ để điều tra xác minh đối với các nội dung hoàn thuế của công ty Nam Phương.