Chỉ cần được đi lại tự do cũng là một niềm mong ước xa vời
Nữ tiếp viên Lê Quyên (Quyên 34) không giấu được cảm xúc khi được trở lại bầu trời sau nhiều tháng phải nghỉ do dịch Covid-19.
Theo Lê Quyên, không một ai trong tất cả chúng ta biết trước rằng cơn bão Covid-19 sẽ ập tới và khiến cuộc sống của chúng ta chao đảo. Không thể hình dung nổi có lúc mà chỉ cần được đi lại tự do cũng là một niềm mong ước xa vời.
"Trước khi được trở lại với bầu trời trên những chuyến bay thường lệ như ngày hôm nay, tôi và các đồng nghiệp đã cùng trải qua những ngày tháng chưa từng có trong cuộc đời, thực hiện những chuyến bay mà trước đó chúng tôi không thể hình dung nổi để đưa đồng bào hồi hương".
Tiếp viên hàng không Lê Quyên chia sẻ kỷ niệm trên chuyến bay đưa công dân hồi hương. (Ảnh: NVCC)
Theo tiếp viên của Vietnam Airlines, trong những ngày tháng khắc nghiệt đó, bỏ lại phía sau là cha mẹ già yếu và những người thân trong gia đình đang phải cách ly hay giãn cách xã hội, cô và các đồng nghiệp đã xung phong có mặt trên các chuyến bay đưa đồng bào từ hồi hương từ Canada, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc…
"Mỗi chuyến bay đều mang lại cho tôi những trải nghiệm khó quên. Hành trình bay gần 50 giờ đồng hồ đón đồng bào hồi hương từ Canada là một trong những hành trình đặc biệt như thế. Trên chuyến bay có một em bé còn đỏ hỏn đã phải xa bố mẹ, theo bà ngoại về Việt Nam tránh dịch. Tôi không thể nào quên tiếng khóc xé lòng của em bé cũng như sự mệt mỏi lo lắng hằn rõ lên khuôn mặt người bà. Thương bà, thương em bé, chúng tôi đã thay phiên nhau chăm sóc dỗ dành em. Ánh mắt trong veo của em, đôi môi chúm chím lúc em ngủ ngoan và những lời cảm ơn không ngớt từ người bà chính là động lực để chúng tôi cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn này", Quyên xúc động kể lại.
Khi tiếp viên hàng không đi làm... bảo mẫu
Nữ tiếp viên chia sẻ, giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống khiến chúng ta dễ lãng quên đi những điều bình dị nhỏ nhoi, dễ bon chen, toan tính, dễ khiến ta hoài nghi và dễ khép lòng với thế giới bên ngoài. Nhưng giữa tâm dịch, cô nhận ra có những câu chuyện cổ tích ngay giữa đời thường, do chính những người thân, đồng nghiệp của mình tạo nên.
Câu chuyện mà Lê Quyên nhắc đến liên quan đến việc một đồng nghiệp của cô tại TP.HCM tên Nguyễn Thị Thu Hằng khi không thể đi bay vì dịch Covid-19 đã tình nguyện đăng kí làm mẹ của những em bé sơ sinh có bố mẹ là F0.
Chưa từng làm mẹ, dù chưa có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ sơ sinh, dù hiểm nguy bệnh dịch, Hằng vẫn dang rộng vòng tay ôm trọn các con vào lòng. Người mẹ trẻ tuy vụng về ấy nhưng đã dành tất cả tình thương, nâng niu các con mỗi ngày, chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho các con. Việc làm của Hằng như một liều vaccine tinh thần truyền đi những năng lượng tích cực cho những người xung quanh.
Hằng có thể chọn một cuộc sống an nhàn hơn, không phải thức khuya dậy sớm cho các con ăn đúng giờ, không phải kiểm tra bỉm và vỗ về những bé đang ọ ẹ cả đêm và càng không phải lo lắng các con từng chút một, nhưng bằng tất cả tấm lòng nhân ái và trái tim chân thành người tiếp viên ấy đã chọn để lại cho đời những đoá hoa tươi đẹp nhất.
Tiếp viên Nguyễn Thị Thu Hằng chăm sóc những em bé sơ sinh có bố mẹ là F0. (Ảnh: NVCC)
Mong ước những chuyến bay xanh
Khi được hỏi, nếu được thay đổi, bạn muốn các dịch vụ hàng không thay đổi như thế nào?, Quyên trả lời chân thành: "Tôi chỉ mong sẽ không còn vật liệu bằng nilon trên các chuyến bay, thay vào đó là những đồ dùng làm từ nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường".
"Thế giới luôn thay đổi, chúng ta của hiện tại sẽ là quá khứ của ngày mai. Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ trong quy trình, chỉ cần mỗi chúng ta ý thức hơn về sự tàn khốc của rác thải nhựa với môi trường, chỉ cần chúng ta hiểu được rằng sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường là đang giúp chính cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn", Quyên nói.
Ngoài kia, hàng nghìn tiếp viên hàng không như Lê Quyên đang rộn rã trước ngày cầu hàng không được nối lại, những chuyến bay lại sải cánh trên bầu trời và ngành hàng không lại tiếp tục tiến về phía trước.