Tàu MV Brave Commander chở 30 tấn lúa mì của Ukraine cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022, trong hành trình cung cấp sản phẩm nông nghiệp này cho nước láng giềng Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là ngày thứ 2, các tàu chở ngũ cốc xuất phát từ các cảng của Ukraine sau khi Nga thông báo ngừng tham gia thỏa thuận trên hôm 29/10.
Theo JCC, kế hoạch di chuyển của các tàu trên đã được các đại diện của Liên hợp quốc (LHQ), Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine nhất trí tại trụ ở của JCC ở thành phố Istanbul và đại diện của Nga cũng đã được thông báo về việc này. Hiện Điều phối viên LHQ về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ông Amir Abdulla đang tiếp tục thảo luận với các bên trong JCC nhằm nối lại sự tham gia đầy đủ vào hoạt động của trung tâm này. Trước đó, trong ngày 31/10, 12 tàu đã khởi hành từ các cảng của Ukraine trong khi có 2 tàu khác cập bến.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7, dưới sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine, cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế. Từ khi thỏa thuận được triển khai, hơn 9 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu. Dự kiến, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vào ngày 19/11 tới nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, ngày 29/10, Nga thông báo đình chỉ tham gia sáng kiến trên do nước này không thể "đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự" sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu điều kiện tiến hành thảo luận việc nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh, được thiết lập theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông Lavrov nhấn mạnh "sự cần thiết phải có các đảm bảo của Ukraine rằng hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine liên quan đến nỗ lực vận chuyển ngũ cốc không bị sử dụng cho các hành động chống Nga. Chỉ trong trường hợp này, những cuộc thảo luận về nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh được thiết lập theo Sáng kiến Biển Đen mới có thể thực hiện được”.