Tiếp quản VinMart và VinMart+ từ tay tỷ phú Vượng, phải chăng tỷ phú Quang đang viết lại giấc mơ bán lẻ dang dở 18 năm trước của mình?

PV |

Chuỗi Masan Mart thành lập năm 2001 với 25 cửa hàng mở từ 6h sáng đến 22 giờ đêm tuy nhiên nhanh chóng thất bại trong vòng chưa đến 2 năm sau khi ra đời và chưa kịp để lại dấu ấn gì.

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên Masan bước chân vào thị trường bán lẻ. Vào khoảng năm 2001, Masan đã từng tiến hành khai trương 25 cửa hàng tiện nghi Masan Mart tại TP.HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng. Chuỗi Masan Mart này nhanh chóng thất bại trong vòng chưa đến 2 năm sau khi ra đời và chưa kịp để lại dấu ấn gì.

Các cửa hàng Masan Mart nằm rải rác trên các quận nội thành, là mô hình bán lẻ mới, bày bán nhiều loại hàng hóa, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Đây là hệ thống cửa hàng được quản lý và điều hành qua mạng với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tử Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Masan tại thời điểm đó thừa nhận, chi phí hoạt động của chuỗi cửa hàng này rất lớn trong khi doanh số đạt được không như mong muốn. Nguyên nhân do người tiêu dùng chưa thực sự có nhu cầu sử dụng cửa hàng tiện nghi và sự cạnh tranh rất mạnh của các cửa hàng tạp hóa lấy công làm lời.

Tháng 8/2002, Masan đã phải ngưng hoạt động 20 cửa hàng và năm 2003 dừng nốt số còn lại. Các cửa hàng này sẽ được chuyển sang tập trung kinh doanh các mặt hàng nước tương, mỳ gói, tương ớt hiệu Chinsu của công ty.

Sau thất bại đó, giai đoạn những năm 2010s, Masan tập trung toàn lực vào các thế mạnh khác bao gồm hàng tiêu dùng nhanh (nước chấm, tương ớt, cà phê, nước tăng lực,…); thức ăn chăn nuôi và khoáng sản.

Công ty gặt hái được nhiều thành công trong mảng tiêu dùng nhanh và các sản phẩm nước chấm, tương ớt của Masan dần trở nên quen thuộc trên bàn ăn của người Việt.

Theo công bố của Tập đoàn trong báo cáo thường niên năm 2017, Masan Consumer chiếm 66% thị phần nước mắm, 67% thị phần nước tương và 71% thị phần tương ớt.

Các sản phẩm cao cấp trong ngành hàng gia vị chiếm khoảng 10% tổng doanh thu ngành hàng. Các sản phẩm cao cấp trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi - chủ yếu là mì ăn liền - chiếm khoảng 40% tổng doanh thu ngành hàng.

Tiếp quản VinMart và VinMart+ từ tay tỷ phú Vượng, phải chăng tỷ phú Quang đang viết lại giấc mơ bán lẻ dang dở 18 năm trước của mình? - Ảnh 1.

Chiến lược tiếp theo của Masan.

Báo cáo thường niên năm 2018, Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cũng khẳng định việc quay trở lại với mảng bán lẻ như là chiến lược tiếp theo doanh nghiệp này:

"Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng: triển khai cửa hàng một điểm đến “a one-stop shop” - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ.

Do đó, chúng ta sẽ triển khai hệ thống bán hàng trực tuyền hay là xây dựng cửa hàng? Để có thể có được hệ sinh thái có quy mô và có được lợi nhuận thì chúng ta phải kết hợp cả hai.

Chúng ta sẽ hợp tác với 300.000 cửa hàng truyền thống để thử nghiệm ý tưởng hệ sinh thái này. Việc này giúp chúng ta không phải đầu tư nhiều để xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ và đôi bên cùng chia sẻ lợi ích (winwin).

Mấu chốt là ta phải lựa chọn những danh mục sản phẩm phù hợp để sử dụng hàng ngày, áp dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng, và quan trọng nhất là người tiêu dùng có thêm được khoản tiết kiệm khi mua hàng tại hệ thống của chúng ta."

Việc tiếp quản VinMart và VinMart+ từ Vingroup có thể sẽ trở thành chương mới trên chặng đường phát triển của Masan Group, và có lẽ cũng góp phần viết lại giấc mơ bán lẻ dang dở của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại