Ông Hải bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu HPX liên tục bị bán tháo và giảm sàn. Cổ phiếu HPX từ mức trên 26.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 10/2022 xuống còn 4.080 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Đây cũng là thị giá thấp lịch sử của cổ phiếu HPX.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ông Đỗ Quý Hải đã bị bán ra 25,65% vốn điều lệ để giảm sở hữu từ 40,04% về còn 14,39% vốn điều lệ. Trong đó, chủ yếu là bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu.
Chưa kể, trong năm 2022, vợ và em trai ông Đỗ Quý Hải cũng giảm mạnh tỷ lệ sở hữu ở Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Cụ thể, bà Chu Thị Lương (vợ ông Đỗ Quý Hải) cũng giảm sở hữu từ 3,75% về còn 2,05% vốn điều lệ; ông Đỗ Quý Đường (em trai ông Đỗ Quý Hải) giảm sở hữu từ 1% về còn 0,17% vốn điều lệ; ông Đỗ Quý thành - Phó Tổng giám đốc HPX bán ra toàn bộ 2,93% vốn điều lệ để giảm sở hữu về 0 vốn điều lệ.
Hồi cuối tháng 11/2022, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu HPX tăng 90 đồng lên 4.080 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, hàng loạt lãnh đạo và cổ đông lớn của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng liên tục bị Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, Công ty Chứng Khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu DIG khi thị giá lao dốc.
Trong đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp - bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp (con trai của ông Nguyễn Thiện Tuấn) bị bán giải chấp khoảng 2 triệu cổ phiếu, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp (con gái của ông Nguyễn Thiện Tuấn) bị bán giải chấp khoảng 4 triệu cổ phiếu. Một cổ đông lớn của DIC Corp là Công ty CP Đầu tư Phát triển Thiên Tân bị bán giải chấp hơn 4,2 triệu cổ phiếu.
Ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) - vừa bị bán ra 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ.
Lý do là ông Hưng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu LDG, diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục bị bán tháo và giảm mạnh. Trong đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng đã bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG của ông Hưng.
Hàng loạt lãnh đạo và cổ đông lớn của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup đã bị Mirae Asset bán giải chấp 900.000 cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) từ ngày 9-11/1. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Egroup đã giảm xuống còn 35,8 triệu cổ phiếu, tương đương 43% vốn điều lệ của Apax Holdings.
Trước đó, từ ngày 16/12/2022 đến 6/1/2023, Egroup đã bị 2 công ty chứng khoán là Mirae Asset và BVSC bán giải chấp tổng cộng gần 14 triệu cổ phiếu IBC. Cũng trong khoảng thời gian từ ngày 16-29/12/2022, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Apax Holdings đã bị BVSC bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm xuống còn 6,17% vốn điều lệ.
Mới đây, Egroup đăng ký bán 6 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings, tương đương 7,22% vốn điều lệ do nhu cầu cơ cấu tài chính . Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 23/3 đến 21/4 theo phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh. Nếu bán hết số cổ phiếu trên, sở hữu của Egroup tại Apax Holdings sẽ giảm còn 34,81% vốn điều lệ.
Bán giải chấp cổ phiếu (Force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).
Hành động này thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu bị giảm xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư lại chưa nộp thêm tiền bù vào.
Thông thường trước khi bán giải chấp cổ phiếu, công ty chứng khoán sẽ thông báo để khách hàng biết trước. Nếu nộp thêm tiền, tài khoản ký quỹ sẽ trở lại ngưỡng an toàn, nhà đầu tư không bị bán giải chấp.