Tiến sĩ Việt Kiều về nước tái khởi nghiệp ở tuổi 60 biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL thành nguồn tài nguyên mới

Ngọc Điệp |

Ở tuổi 68, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP RYNAN Technologies Vietnam, tiếp tục tìm kiếm những giải pháp giúp người nông dân đỡ vất vả.

STARTUP ĐẦU TIÊN THU 300 TRIỆU USD VỚI 2 BẢN QUYỀN SÁNG CHẾ

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ sinh ra ở làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ông tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Bách khoa TP. HCM năm 1978 sau đó di cư sang Canada năm 1979, nhận bằng cử nhân Hoá học phân tích tại Đại học Concordia, Canada (1986), bằng tiến sĩ Khoa học năng lượng và vật liệu tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu về năng lượng, vật liệu và viễn thông Canada (1990). TS. Nguyễn Thanh Mỹ vừa nhận bằng Tiến sĩ Luật danh dự của Đại học Concordia (Canada) hồi đầu tháng 6/2024.

Tiến sĩ Việt Kiều về nước tái khởi nghiệp ở tuổi 60 biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL thành nguồn tài nguyên mới- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ vừa nhận bằng Tiến sĩ Luật danh dự của Đại học Concordia (Canada) (Ảnh: Mylan Group)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ là nhà phát minh và đồng phát minh trên 400 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác. Ông cũng đồng tác giả 72 bài báo cáo về hóa học vật liệu trên các tạp chí khoa học ở Hoa Kỳ, Anh, Đức và Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cũng là diển giả của nhiều hội nghị về khoa học, khởi nghiệp và nông nghiệp thông minh trong và ngoài nước.

Trước khi khởi nghiệp kinh doanh riêng, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ từng là Quản lý Kỹ thuật tại Công ty Kodak Polychrome Graphics ở Carlstad, New Jersey; Nhà nghiên cứu khoa học ở IBM Almaden Research Center tại San Jose, California, Hoa Kỳ, và là cộng tác nghiên cứu tại INRS-Energy, Materials and Telecommunication.

Trong thời gian làm việc tại Kodak Polychrome Graphics, ông nhận ra một điều là khi tạo hình trên bản kẽm, chi phí tiền phim là 65%, trong khi chỉ sử dụng có 35% tiền bản kẽm. Với suy nghĩ nếu có thể chế tạo một bản kẽm mà không cần sử dụng phim hoặc là có thể tạo hình trực tiếp trên bản in ốp sét mà không cần sử dụng phim để có thể tiết kiệm tiền, môi trường, thời gian, Tiến sĩ đã sử dụng laser để làm ra những bản in offset CTP cho công ty Polychrome Graphics và 2 năm sau bắt đầu bán ra thị trường.

Nhận thấy tiềm năng của những bản in ốp sét sử dụng công nghệ CTP, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã thành lập công ty riêng tại Canada vào năm 1997. Sau 1 năm nghiên cứu và phát triển những vật liệu mới, sản xuất bản in ốp sét CTP dễ hơn. Ông đã đăng ký bản quyền về vật liệu mới và bản quyền về ứng dụng vật liệu đó trong sản xuất bản in ốp sét CTP, hai bản quyền đó, sau này ông đã chuyển giao công nghệ cho rất nhiều tập đoàn, như là Huaquang Lucky ở Trung Quốc, Ipasage ở Spain,... Doanh thu mang về cho Công ty trong 20 năm là gần 300 triệu USD.

BIẾN XÂM NHẬP MẶN THÀNH NGUỒN TÀI NGUYÊN MỚI

Sau hơn 25 năm sinh sống và làm việc tại Bắc Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trở về quê hương Trà Vinh năm 2004 để thành lập Mylan Group, tập trung làm về ngành in và sản xuất chất dẻo hấp thu tia hồng ngoại để cung cấp cho những công ty thuê các bản quyền của mình. Đây cũng là công ty công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết Mylan Group đã xuất khẩu cho 76 quốc gia trên thế giới và Công ty cũng là OEM cho một số công ty in ấn hàng đầu thế giới như Hitachi, Domino (là công ty con của Brother Industries), Cytronics, Ale và một số công ty khác về ngành in lớn trên thế giới.

Bên cạnh việc điều hành Mylan Group, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ còn là cựu Trưởng Khoa Hóa học Ứng dụng (KHHUD) của trường Đại học Trà Vinh (TVU) từ năm 2007-2017, ông đã đưa vào giảng dạy các phương pháp mới và hiện đại để kích thích sự sáng tạo của sinh viên.

Cuối năm 2015, khi đã gần 60 tuổi, ông Mỹ công bố nghỉ hưu tại Mylan Group.

Từ gợi ý của người con trai cả về việc đầu tư vào nông nghiệp thông minh trong khi nhận thấy cây cối ở quê nhà (cù lao Long Trị) dần chuyển sang màu nâu do nước sông nhiễm mặn, đầu năm 2016, ông Mỹ thành lập RYNAN Technologies Vietnam. Công ty chuyên về nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các thiết bị liên quan đến quan trắc chất lượng nước, như: phao quan trắc nước, bơm thông minh, cảm ứng đo mực nước… Mục đích để xây dựng mạng lưới để có thể theo dõi và upload lên internet và bà con nông dân có thể download những ứng dụng này dễ dàng. Họ có thể xem lúc nào nước mặn và lúc nào nước ngọt.

"Ở đồng bằng sông Cửu Long bây giờ thì xâm nhập mặn được coi như là một nguồn tài nguyên mới. Chỗ nào mặn thì bà con nông dân nuôi tôm, tôm thẻ chân trắng có giá trị cao hơn nhiều so với lúa. Còn lúc nào có nước ngọt thì họ trồng lúa hoặc cây ăn trái. Hiện nay, công ty có mạng lưới khoảng 100 trạm ở nhiều tỉnh, bà con nông dân có thể download app để xem thông tin. Một số đài phát thanh cũng như truyền hình ở một số tỉnh cũng dựa vào những dữ liệu mạng lưới của bên tôi làm để thông báo cho bà con ở vùng đồng bằng sông Cửu Long biết lúc nào nước mặn, lúc nào nước ngọt để có thể khai thác, sử dụng cho hiệu quả." - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ

Dự án tiếp theo của RYNAN là xây dựng hệ thống giám sát côn trùng thông minh theo chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Trạm giám sát côn trùng thông minh do RYNAN phát triển ứng dụng AI để tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch vô hại và tự động đưa ra các cảnh báo, dự báo sâu rầy. Hiện tại, công ty có gần 140 trạm giám sát côn trùng thông minh được lắp đặt tại các tỉnh ĐBSCL, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh,… đồng thời đã lắp đặt 52 trạm tại Nhật Bản và 1 trạm tại Thái Lan và đang tiếp tục triển khai thêm tại các điểm khác ở Nhật Bản và Thái Lan.

photo-1720601500531

Bản đồ giám sát côn trùng (Ảnh: Mylan Group)

Ngoài ra, ông Mỹ cùng các kỹ sư đã nghiên cứu phương án nuôi tôm theo công nghệ TOMGOXY, giúp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên như đất, nước, năng lượng, đồng thời giảm thiểu khí nhà kính thông qua trồng cây đước.

Bên cạnh những thành quả này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cũng ấp ủ hoài vọng về một số dự án AI cho ngành nông nghiệp như xây dựng bản đồ côn trùng cho thế giới để tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tham gia xây dựng công cụ đo đạc khí metan trên ruộng kết hợp dữ liệu vệ tinh…

QUỸ NGUYỄN THANH MỸ

CTCP Mỹ Lan (Mylan Group) hiện nay do bà Bùi Thị Nhàn, vợ ông Nguyễn Thanh Mỹ làm Tổng giám đốc. Theo đăng ký doanh nghiệp trước ngày 18/5/2016, Mylan Group có vốn điều lệ khoảng 320 tỷ đồng. Trong đó, 3 cổ đông sáng lập bao gồm ông Nguyễn Thanh Mỹ nắm 51% vốn, bà Bùi Thị Nhàn nắm 2% và Brian Nguyen nắm 12%.

CTCP RYNAN Technologies Vietnam, hiện có vốn điều lệ 40 tỷ, ông Mỹ và bà Nhàn mỗi người chỉ góp 1 cổ phần (10.000 đồng) và ông Hồng Quốc Cường góp 400 triệu, tương ứng 1% vốn. Hồi mới thành lập, RYNAN có vốn điều lệ 100 tỷ, ông Mỹ góp 9%, ông Hồng Quốc Cường góp 1% và bà Nhàn góp 90%.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã sáng lập Quỹ Nguyễn Thanh Mỹ từ năm 2006. Quỹ đã tài trợ hơn 62,5 tỷ đồng cho Chương trình Sinh viên vừa học vừa làm (Co-Operative Education, viết tắt là CO-OP), học bổng cho sinh viên tại TVU và những trường đại học khác, xây dựng nhà tình thương, xây cầu nông thôn, trang bị phòng vi tính cho một số trường tiểu học, phòng và điều trị viêm gan B cho nhân viên và gia đình cùng với những chương trình xã hội khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại