Tiến sĩ… đếm trâu và tiến sĩ làm chủ tịch phường

Hiệu Minh |

Hồi ấy ông Viện trưởng quyết đưa một nhóm các nhà khoa học trẻ tốt nghiệp bằng đỏ ở Liên Xô về Hà Tây để thiết kế cái máy đếm trâu ra đồng…

Bằng cao vút, việc thấp tè

Tuần trước đến một văn phòng ở khu gần Vạn Phúc, trong ngõ đang làm đường, tôi dắt xe máy vào thì một bác trông rõ là phương phi ra quát, "anh đi đâu?".

"Dạ, tôi đến làm việc". "Hôm nay đang đổ bê tông ngõ, không được đi lại". "Tôi ở xa đến công tác, làm sao biết được". "Phường thông báo cho văn phòng rồi, lát nữa anh dắt xe ra mà hỏng đường phải đền", giọng ông hống hách và dọa nạt.

Hỏi ra mới biết ông là cán bộ phường đứng ra phụ trách việc đổ bê tông ngõ, chẳng biết ông có bằng tiến sĩ hay không.

Ngày xưa chúng ta tự hào ra ngõ gặp anh hùng, nay thì lại chả thấy tự hào khi vào ngõ gặp tiến sĩ. Hơn chục năm trước có kế hoạch đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, thì đương nhiên càng về sau sẽ càng gặp nhiều tiến sĩ ở mọi lúc mọi nơi.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, vừa cho biết, tinh giản biên chế khá phức tạp vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Tuy nhiên, bài toán phức tạp vừa nêu lại có thể giải bằng một cách khác. Để quản lý phường mà dùng tới bằng tiến sĩ, nghĩa là overqualified – quá thừa trình độ. Trong công tác tuyển dụng kỵ nhất là chọn những ông bà bằng cấp cao vút nhưng làm một việc thấp tè.

Tiến sĩ bị loại từ vòng gửi xe

Nhớ hơn chục năm trước tôi có người quen nghe tin bên văn phòng quốc tế tuyển trợ lý IT chuyên sửa chữa vặt máy tính, cài phần mềm, diệt virus. Anh gửi hồ sơ nhờ tôi xem hộ.

Liếc qua thấy đề là giám đốc trung tâm IT, tiến sĩ chuyên ngành CNTT, tôi bảo anh, sợ họ không tuyển đâu. Anh hỏi tại sao.

Tôi bảo anh có vẻ là ứng viên overqualified. Ngần ngừ một thoáng nhưng anh không muốn bỏ phần tiến sĩ trong hồ sơ – thứ "cao sang" mà anh mất mấy năm tại chức mới có được.

Y như rằng, bên tuyển dụng thông báo anh không qua được vòng gửi xe. Hỏi tại sao, bên đó trả lời như tôi đã nói với anh, overqualified.

Anh hỏi tôi tại sao vậy. Tôi giải thích, người ta đưa ra công việc cụ thể thì cần một người có trình độ và kinh nghiệm đúng cho công việc đó.

Tuyển người một cách thông minh thì không thể một ông quen làm bảo vệ cơ quan hoặc lái xe – sự nể nang có thể giết chết kỷ luật, gây hại lớn. Tương tự như thế, tuyển thủ kho nhất định không thể là tiến sĩ.

Tiến sĩ giấy và Tiến sĩ thật lãng phí chất xám

Người làm công việc quá với trình độ của mình thì là kiễng chân. Ở trạng thái này anh ta luôn đối mặt với khó khăn vì không thể với tới. Họ hay xu nịnh cấp trên, hống hách với cấp dưới, để khỏa lấp sự yếu kém trong công việc.

Còn người overqualified càng không nên làm việc dưới sức mình vì đó là lãng phí chất xám, tự làm cùn mình đi. Đưa một tiến sĩ làm chủ tịch phường thì phải trả lương ở chế độ học vị tương đương.

Tiến sĩ về phường thì luôn nghĩ mình phải lương cao hơn, suốt ngày ngồi đòi tăng lương thay vì giúp dân giải quyết sự vụ.

Ngay cả có chuyên ngành quản lý thì tiến sĩ cũng khó mà thấu hiểu phường làm gì, rất dễ làm công việc trên mây trên gió.

Tiến sĩ… đếm trâu và tiến sĩ làm chủ tịch phường - Ảnh 1.

Quản lý phường là xem dân sinh sống ra sao, quản lý an ninh, trật tự - việc không liên quan nhiều đến khoa học mà do kinh nghiệm, tố chất thực tiễn, kỹ năng ứng xử.

Là tiến sĩ thực thụ về phường chắc chắn anh ta sẽ chán vì người yêu khoa học không ai về cái nhà ủy ban ngồi, ngày ngày tiếp dân, nghe chuyện vợ chồng cãi nhau vì ngoại tình hay tranh tài sản.

Thật không may, nếu ông cấp trên của tiến sĩ chủ tịch phường lại không có bằng cấp tương tự thì sự thể ra sao? Đó là sự coi thường cấp trên có sẵn trong đầu vì kém mình cái bằng "sang chảnh".

Dân overqualified thường ít ngồi im một chỗ vì chức "nho nhỏ", vị trí này chỉ nhằm để anh ta lấy đà nhảy việc. Đó là sự không bền vững trong tuyển dụng.

Bên phương Tây khi tuyển dụng cho một vị trí nào đó họ đặt số năm kinh nghiệm lên hàng đầu. Ví dụ yêu cầu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đó thì ít hơn không được, nhiều quá cũng chưa hẳn đã hay.

Nếu cần cho công việc báo cáo, nghiên cứu số liệu, tổng hợp… thì có thể yêu cầu cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ trong ngạch đó.

Bằng cấp, học hàm, học vị chỉ có giá trị trong hệ thống khoa học, chả ai xưng tụng tụng kiểu: GS. TS luật. Tổng thống Obama.

Sự sáng suốt của ông chủ tịch xã không bằng cấp

Không biết lấy tiến sĩ về quản lý phường là tin vui hay buồn vì nước mình hệ thống cán bộ từ trung ương đến địa phương đều có bằng cấp.

Tuy nhiên, nếu chủ tịch phường mà có bằng luật trung cấp thì có khi lại tốt hơn là bằng tiến sĩ quản lý kinh tế vĩ mô, vì ở địa phương đâu cần vĩ mô.

Nhớ mấy chục năm về trước viện cũ của tôi có ngạch điều khiển học. Vị đứng đầu rất tâm huyết với ngành này, và muốn đưa đất nước đi lên qua điểu khiển.

Thấy lãnh đạo nói, khoa học phải gắn liền với thực tế, nên ông quyết đưa một nhóm các nhà khoa học trẻ tốt nghiệp bằng đỏ ở Liên Xô về một địa phương ở Hà Tây để thiết kế cái máy đếm trâu ra đồng và về chuồng có khớp không.

Trong một cuộc họp của hợp tác xã, ông chủ nhiệm nói rất khúc triết về 3 công việc cần ưu tiên: Đó là việc đắp cái đập qua ngòi để trâu ra đồng, việc đưa sinh đẻ có kế hoạch vào xóm và việc có các anh khoa học trung ương về làm điều khiển trâu.

Ông chủ tịch xã không bằng cấp đã sắp xếp đúng: Việc đếm trâu dù là có GS. TS đếm thì vẫn không thể quan trọng bằng việc đưa trâu ra đồng làm và việc sinh đẻ có kế hoạch. Chuyện trên nghe như tiếu lâm nhưng lại có thật.

Ngày xưa có tiến sĩ dùng để đếm trâu đâu có khác gì nhiều tiến sĩ giấy, tiến sĩ hão thời nay.

Nếu cán bộ phường có bằng cấp cao vút cũng chỉ dùng để hò hét vào những việc như đổ bê tông ngõ, thì những tiến sĩ ấy chỉ tốn cơm gạo của chính mình và trở thành gánh nặng cho bộ máy mà thôi. .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại