Ngày 16/4, trên trang Facebook cá nhân, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã thông báo ngừng hợp tác với Công ty sách Nhã Nam sau hơn 9 năm đồng hành.
Tác giả Đặng Hoàng Giang cũng cho biết, "Trong quá trình hợp tác, tôi tin tưởng và yên tâm với chất lượng của các khâu sản xuất và phát hành của Nhã Nam, cũng như hài lòng với khía cạnh tài chính của sự hợp tác. Tôi rất cám ơn những cá nhân đã hay đang làm việc ở Nhã Nam đã góp tay tạo nên kết quả này".
TS Giang cũng khẳng định đây là quyết định được xem xét và suy nghĩ kỹ và không nói rõ lý do cụ thể vì "để đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý" và hoàn toàn không tới từ một bất đồng liên quan tới tài chính hay tới chất lượng của việc sản xuất và phát hành sách.
"Tôi thấy mình có trách nhiệm phải thông báo điều này tới bạn đọc, người có thể sẽ ngỡ ngàng khi thấy sách của tôi với logo Nhã Nam và thiết kế bìa quen thuộc thời gian tới sẽ không ở trên kệ sách nữa. Một lúc nào đó, chúng sẽ xuất hiện lại với logo khác mà lúc này tôi còn chưa biết đó là NXB nào", Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ.
Ngay bên dưới bài đăng của TS Giang, fanpage Nhã Nam có tick xanh cũng đã để lại bình luận xác nhận sự việc: "Nhã Nam xác nhận việc dừng hợp tác với tác giả Đặng Hoàng Giang từ ngày 15/4/2024. Trong khi có những quan điểm khác với anh Đặng Hoàng Giang về một số tình huống, chúng tôi tôn trọng quyết định này. Cảm ơn anh vì sự hợp tác và chúc anh thành công trong những dự án tiếp theo".
Được biết, trong 9 năm hợp tác, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và Nhã Nam đã cho ra đời 5 đầu sách vô cùng ăn khách. Những cuốn sách và bài viết của ông có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như Thiện, ác và smartphone, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời, Đại dương đen - những câu chuyện trong thế giới trầm cảm.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại ĐH Công nghệ Ilmenau (Đức) và tiến sĩ kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna (Áo).
Ông hiện là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, nghiên cứu và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân.