Đấy mới chỉ là một phần trong vô số các câu chuyện thú vị về Marcus Rashford trong một năm 2020 đầy biến động vì Covid-19. Đại dịch này không chỉ lấy đi sức khỏe, sinh mạng của một bộ phận nhân loại mà còn để lại nhiều di chứng vô cùng nguy hại cho mọi lĩnh vực xã hội.
Man United có thể vẫn chưa thể tìm lại được thời hoàng kim, không giành nổi bất cứ danh hiệu nào trong năm dương lịch đầy biến cố vừa qua nhưng chắc chắn vô cùng tự hào với Marcus Rashford - người đã làm rạng danh màu áo "Quỷ đỏ" không chỉ trên sân cỏ.
Marcus Rashford và bằng khen của Cảnh sát trưởng vùng Greater Manchester
Đâu là lý do để một cầu thủ bóng đá lại được người đứng đầu ngành cảnh sát thành phố tặng bằng khen đặc biệt? Vì sao một thanh niên mới 23 tuổi đã được Nữ hoàng Anh sắc phong Thành viên đế chế (MBE), được Đại học Manchester trao bằng Tiến sĩ danh dự và hãng tin uy tín BBC bình chọn, trao danh hiệu "Nhân cách thể thao" của năm?
Nhận tước hiệu Hoàng gia
Khoảng thời gian nước Anh và toàn bộ châu Âu đau đầu chống trả đại dịch Covid-19, trong khi nhiều ngôi sao sân cỏ xem giãn cách xã hội là dịp để tiệc tùng say sưa thả cửa, tụ tập ăn chơi vi phạm quy định giãn cách hoặc khoe khoang vô lối về sự giàu có trên mạng xã hội, Marcus Rashford lại nghĩ khác.
Chứng kiến cảnh trẻ em ở nhiều nơi thiếu ăn trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, Marcus Rashford đã viết một câu chuyện trên tài khoản Instagram cá nhân - có đến 8,4 triệu người theo dõi để kêu gọi quyên góp 100.000 bảng cho tổ chức từ thiện FareShare nhằm cung cấp 400.000 bữa sáng miễn phí cho trẻ em một số trường học, trung tâm cộng đồng.
Kêu gọi chiến dịch thiện nguyên vì trẻ em nghèo
Trong ký ức của Rashford, quá khứ khốn khó luôn là vết hằn khó phai mờ. Rất nhiều năm, cậu bé đã lớn lên bằng những bữa sáng miễn phí, ăn trưa nhẹ ở trường và nhịn luôn đến tối muộn, chờ mẹ đi làm về mới được thêm bữa nữa dù đang tuổi ăn tuổi lớn. Rashford bàng hoàng nhận ra rằng thời nào cũng có nhiều trẻ em kém may mắn và nếu đại dịch Covid-19 xảy ra từ 10 - 15 năm trước, có lẽ cuộc sống của anh sẽ càng tệ hại hơn.
"Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, nếu có cách nào đó để giúp đỡ mọi người, nhất là trẻ em, hãy bắt tay ngay vào làm" - Rashford chia sẻ.
Marcus Rashford tham gia đóng gói, vận chuyển thực phẩm
Lời kêu gọi của chàng trai thuộc Top 5 cầu thủ đắt giá nhất thế giới lúc bấy giờ được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ. Hai đại gia ngành bán lẻ Co-op và Tesco tặng nhiều loại thực phẩm thiết yếu trị giá hàng triệu bảng; Sainsbury và Asda gửi hàng triệu bảng để hỗ trợ vận chuyển, phân phối trong khi nhiều cá nhân quyên góp được 767.505 bảng tiền mặt…
Khoản thu trên 20 triệu bảng được công bố, đủ để quỹ FareShare "nuôi" gần 3 triệu trẻ em trên khắp nước Anh trong vòng một tuần lễ!
Trẻ em nghèo nước Anh ấm lòng mùa dịch Covid-19
Không chỉ đứng ra vận động và xây dựng chiến dịch thiện nguyện có tác động lớn đến xã hội, Rashford còn gửi lời thỉnh nguyện đến Thủ tướng Anh, đề nghị chính phủ duy trì chế độ bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh suốt khoảng thời gian dịch bệnh.
Thừa thắng xông lên, Rashford kiên trì đề xuất lần hai và chính phủ của ông Boris Johnson đã thông qua gói hỗ trợ mới để gia hạn chương trình bữa ăn trưa đến khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Đề nghị táo bạo nhưng thiết thực của Rashford ước tính làm tiêu tốn khoản ngân sách quốc gia lên đến 400 triệu bảng!
Thủ tướng Boris Johnson hai lần lắng nghe đề xuất của Rashford
Hai phen làm "náo loạn" chính trường, Rashford được chính Thủ tướng Boris Johnson cảm thông và chia sẻ sâu sắc. Ông tự mình đề cử cầu thủ của Man United vào danh sách đề nghị Nữ hoàng Anh phong tặng các tước hiệu hoàng gia. Trong khi đó, nghị sĩ Rob Halfon gọi Rashford là "người hùng của thời đại" và là một trong những chính khách hàng đầu ủng hộ tích cực chiến dịch của anh.
Rashford là nhân vật thứ 3 của M.U nhận bằng tiến sĩ danh dự của Man University
Nói về quyết định trao bằng tiến sĩ danh dự cho Rashford, Giáo sư Dame Nancy Rothwell - Hiệu trưởng Đại học Manchester - nhấn mạnh: "Marcus là một chàng trai tài năng phi thường và tính cách tuyệt vời, có khả năng làm được những điều hữu ích không chỉ trong lĩnh vực bóng đá. Chiến dịch thiện nguyện nổi tiếng của anh giúp ích cho vô số trẻ em của TP Manchester và của cả đất nước. Với ý thức trách nhiệm xã hội là điều cốt lõi và tự hào về nghĩa vụ công dân, trường đại học của chúng tôi vui mừng được trao bằng tiến sĩ danh dự cho Marcus, người trẻ nhất từ trước đến nay".
Nhiều người hâm mộ khó tính vẫn luôn chỉ ra rằng, Marcus Rashford là một trong những trung phong "vô duyên" nhất mỗi khi đối mặt với thủ môn và khung thành. Tỉ lệ hỏng ăn của Rashford vẫn ở mức rất cao, như ở trận hòa 3-3 với Everton mới đây, với 20 lần dứt điểm vẫn không ghi được bàn nào.
Rashford ghi bàn và kiến tạo trong chiến thắng 9-0 trước Southampton
Tuy vậy, các fan Man United không quên, ở tuổi 23 và 101 ngày, Marcus Rashford là cầu thủ trẻ thứ tư cán mốc 250 lần ra sân cho đội bóng - chỉ sau Norman Whiteside, George Best và Ryan Giggs; cầu thủ trẻ thứ ba của Man United ghi được 50 bàn thắng ở Ngoại hạng Anh, sau Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo. Anh cũng chính thức vượt qua huyền thoại Eric Cantona với 83 pha lập công trong màu áo "Quỷ đỏ", áp sát Top 21 cầu thủ từng ghi 100 bàn thắng cho đội bóng thành Manchester.
Đứng đầu danh sách các cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất thế giới
Không phải là chân sút thuộc dạng "sát thủ" nhưng với việc đã ghi được 16 bàn tại mọi đấu trường (so với 22 bàn mùa trước) cùng với 9 đường chuyền thành bàn mùa này, Marcus Rashford chơi bóng ngày càng đa dạng hơn, hiệu quả hơn nhờ sức cống hiến bền bỉ. Trên tất cả, đừng quên Rashford mới 23 tuổi và anh còn rất nhiều thời gian để chinh phục các cột mốc vĩ đại ở Man United để trở thành một huyền thoại cả trong lẫn ngoài sân cỏ.