Báo động đỏ về ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm nước là một trong những vấn đề cấp thiết ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, các tổ chức môi trường quốc tế và trong nước tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nước ta. Cụ thể, khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém.
WHO cũng từng cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, khi đưa ra thông tin có tới 44% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và chất lượng nước kém, thiếu vệ sinh.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, có hơn 2.000 con sông đang bị ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn cả là bất chấp những con số báo động đỏ này, vẫn có tới 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch.
Chỉ có 3% tổng lượng nước trên thế giới là nước ngọt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam có khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nước sinh hoạt chưa qua xử lý hoặc kiểm nghiệm, trong đó 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Hậu quả là mỗi năm có 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy cấp, 200.000 người mắc bệnh ung thư và 9.000 người tử vong liên quan đến nguồn nước ô nhiễm và điều kiện sinh hoạt.
Trên thế giới, 1/6 nguồn nước ngọt trên thế giới được sử dụng trong các ngành công nghiệp hoặc sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 3% tổng lượng nước trên thế giới là nước ngọt. Hơn nữa, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đang đe dọa nguồn nước ngọt của thế giới. Trong khi đó, nguồn nước dưới đất và các lớp nước ngầm đang cạn kiệt nhanh chóng, cùng với các đợt hạn hán kéo dài. Điều này càng làm trầm trọng tình trạng thiếu nước và đe dọa sản xuất thực phẩm và sản xuất công nghiệp quan trọng.
Theo các chuyên gia, nếu các ngành công nghiệp tái sử dụng nước thải trước tiên sẽ giúp giới hạn sự cạnh tranh của ngành công nghiệp trong việc sử dụng nguồn cung cấp nước công cộng. Thứ hai, bảo đảm quyền truy cập vào nguồn nước công nghiệp và sự phát triển trong tương lai. Thứ ba, chuyển đổi chất thải có hại thành các sản phẩm có giá trị.
Hệ thống siêu lọc nước áp dụng công nghệ ZwitterCo đã giúp tái sử dụng lại 95% lượng nước từ nguồn nước thải. Ảnh: Báo QĐND
Với những lý do cấp thiết trên, dự án mang tên “Hóa xanh nguồn nước thải” được ra đời. Đây là dự án sử dụng công nghệ lọc nước ZwitterCo, được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia kỹ thuật, hóa học Hoa Kỳ phối hợp với Công ty TNHH XNK Nông sản Công nghệ.
Sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, hệ thống siêu lọc nước áp dụng công nghệ ZwitterCo đã giúp tái sử dụng lại 95% lượng nước từ nguồn nước thải trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thủy sản, y tế…, trở thành nước sạch. Loại nước này có thể dùng để uống và sử dụng trong sinh hoạt. Điều này giúp tái tạo mô hình sinh thái nước tuần hoàn và an toàn.
“Hóa xanh nguồn nước thải” để phát triển kinh tế xanh
Hệ thống lọc nước sử dụng công nghệ ZwitterCo có khả năng xử lý các hợp chất hữu cơ như chất béo, dầu và protein.
Trên thực tế, các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tái sử dụng nước thải. Bởi vì các sản phẩm hữu cơ phụ trong nước thải có giá trị cao và khó tách rời. Hiểu được điều này, công nghệ ZwitterCo đã sử dụng cuốn màng có khả năng xử lý các hợp chất hữu cơ như chất béo, dầu và protein. Trong đó, các lỗ tương hóa Zwitterionic giúp hấp thụ nước và đẩy lùi các chất hữu cơ nhằm ngăn chặn sự bám dính.
“Cuốn màng của chúng tôi tái sinh sau khi được làm sạch, thậm chí sau khi lọc các chất lỏng làm hỏng các cuốn màng tiêu chuẩn chỉ trong vài ngày. Với cuốn màng chống bám dính, chúng tôi có thể thu hồi nước sạch và sản phẩm phụ có giá trị từ các luồng khó xử lý”, ông Đỗ Hoàn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH XNK Nông sản Công nghệ, chia sẻ.
Trên thực tế, ngày 27/8/2023, dự án “Hóa xanh nguồn nước thải” đã được ứng dụng thực tế tại nhà máy nước thải của Công ty TNHH Tôn Pomina và nhận được kết quả thành công ngoài mong đợi dưới sự chứng kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực nước sạch. Đây là bước khẳng định cho dự án thực tế và mức độ hiệu quả.
Ông Đỗ Hoàn Mỹ cho biết thêm: “Trong gần 20 năm qua, tôi cũng đã khởi nghiệp bằng nhiều dự án. Nhưng gần đây, tôi muốn tìm kiếm một công nghệ, dự án mang những đặc tính có thể phục vụ cho cộng đồng một cách tốt nhất. ZwitterCo là công nghệ mà chúng tôi thấy phù hợp với thị trường Việt Nam với đặc tính phát triển bền vững, chi phí thấp và độ bền lâu dài”.
Đại diện của Công ty TNHH XNK Nông sản Công nghệ nhấn mạnh, trong phạm vi các khu công nghiệp, công nghệ ZwitterCo phù hợp để lọc nước thải và sử dụng tuần hoàn được tất cả các loại nước mà không thải ra môi trường.
Ngoài ra, dự án “Hóa xanh nguồn nước thải” đang tiếp tục triển khai xử lý nước tại nhà máy Công ty CP Camimex, một trong những công ty xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới
Dự án cũng thiết kế các hệ thống lọc linh động, phù hợp cho các trại nuôi tôm tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2023. Thực hiện lọc và cung cấp nước sạch giúp đảm bảo việc nuôi tôm của các khu vực này luôn trong tình trạng tốt nhất, đồng thời giúp giảm thiểu bệnh lây nhiễm cho tôm, tăng năng suất, tránh việc thải nước nuôi tôm ra môi trường.
Ông Đỗ Hoàn Mỹ cho biết, với những bước thành công ban đầu cùng với sự đánh giá cao từ các chuyên gia cấp bộ, sự tin tưởng của các đối tác trong và ngoài nước, dự án “Hóa xanh nguồn nước thải” hướng đến mục tiêu năm 2028 sẽ phục vụ xử lý 70% các nguồn nước thải của Việt Nam. Dự án mong muốn góp phần xây dựng một Việt Nam hóa xanh nước thải, tạo bước chuyển cho kinh tế và dân sinh.
Từ giữa năm 2024, dự án “Hóa xanh nguồn nước thải” sẽ bắt đầu triển khai rộng rãi thêm ở các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện và trang trại nông nghiệp. Với công nghệ ZwitterCo, nguồn nước thải sẽ được giải quyết triệt để và tái sử dụng hiệu quả.
Trong thời gian tới, dự án mong muốn được hợp tác với Sở, Ban Ngành liên quan, các đối tác muốn áp dụng công nghệ tại các địa phương, để thực hiện đồng loạt và liên tục. Thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu, những người làm dự án hy vọng mô hình lọc và xử lý nước thải bằng công nghệ ZwitterCo sẽ nhanh chóng được nhân rộng, góp phần bảo vệ nguồn nước nói riêng và môi trường Việt Nam nói chung.
Ảnh: NVCC
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng Giải thưởng, đêm Gala trao giải đã diễn ra vào tối 11/12 vừa qua tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org