Tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa đã khai sinh 'dòng nhạc Gò Công'

Nguyên Anh |

Địa danh Gò Công ở Tiền Giang những năm 1980 đã bỗng dưng nổi danh khắp cả đất nước, xuất phát từ một băng nhạc trữ tình do nhạc sĩ Quốc Dũng biên tập, phối khí và sản xuất dựa trên các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Phương.

Có lẽ chính nhạc sĩ Quốc Dũng cũng không ngờ băng nhạc Gò Công mà anh đã sản xuất lại thổi vào đời sống âm nhạc thời kỳ đổi mới một hiệu ứng “có một không hai”.

Nghề tay trái

Theo nhạc sĩ Quốc Dũng kể thì nhạc sĩ quê gốc ở Nghệ An nhưng sinh ở Thái Lan rồi hồi hương trở về Việt Nam. Năm 10 tuổi, anh vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn và năm 16 tuổi tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Anh còn theo học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.

Quốc Dũng là một người hội tụ mọi tài hoa của người sáng tác: Anh có thể chơi nhiều nhạc cụ ở trình độ đỉnh cao, thu âm. Giọng hát của anh truyền cảm và hát bè rất hay. Quốc Dũng sáng tác đa dạng các đề tài, từ trữ tình đến thời sự. Anh có thể tự viết lời cho ca khúc của mình và có tài phổ thơ. Các tác phẩm nổi tiếng của anh là Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly, Hoang vắng...

Tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa đã khai sinh dòng nhạc Gò Công - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Quốc Dũng được đánh giá là một tài năng âm nhạc hiếm có

Một biệt tài của Quốc Dũng và cũng chính là nghề “mưu sinh” của anh là thu âm, phối khí. Theo anh kể thì trước năm 1975, anh đã mày mò các loại máy móc để thu âm và công việc tiếp tục sau khi đất nước hòa bình thống nhất. Những tác phẩm do anh phối khí, chơi nhạc, thu âm đều có nét nhạc đẹp, lãng mạn. Nhạc sĩ cũng đã thu âm hàng nghìn ca khúc cho các nhạc sĩ, ca sĩ trong nước và hải ngoại.

Theo nhà báo, nhạc sĩ Thanh Bình: “Là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn mở phòng thu tư nhân (năm anh mới 18 tuổi), Quốc Dũng cho thấy niềm đam mê khám phá từng nốt nhạc, cũng như những cách chuyển hành hợp âm tiềm ẩn trong những đường nét của giai điệu. 

Thời đó, việc mở phòng thu của anh chỉ chuyên dùng thu âm các chương trình phát thanh của Sài Gòn. Về sau, khi đời sống ca nhạc bắt đầu phát triển, các ca sĩ đã tìm đến các phòng thu để ghi âm. Hầu hết tên tuổi lớn của làng ca nhạc Sài Gòn trước 1975 đều đã ghé đến studio nhỏ gọn nằm ngay cạnh phòng khách nhà anh”.

Cái duyên Gò Công

Sau năm 1975, dòng nhạc trữ tình gắn với điệu Bolero hầu như không được biểu diễn và bị gắn mác “nhạc vàng đồi trụy”. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều tác phẩm ca ngợi quê hương, ca ngợi tình yêu trong sáng được viết trên nền nhạc Bolero với giai điệu trữ tình đậm đà các nét nhạc dân gian.

Một người bạn của nhạc sĩ Quốc Dũng là nhạc sĩ Hoàng Phương, sau năm 1975 sống ở Gò Công, (Tiền Giang). Nhạc sĩ Hoàng Phương vừa làm thơ, viết nhạc và phổ nhạc nhiều bài thơ rất hay. Anh tìm cách đưa các sáng tác mới mang âm hưởng Bolero về TPHCM để nhờ Quốc Dũng phối khí, thu âm.

Anh Vũ Cường, một người bạn thân của nhạc sĩ Hoàng Phương viết lại rằng: “Băng nhạc Gò Công” ra đời năm 1985. Ngày ấy, có ba người chơi thân, gặp anh hàng ngày là anh Hai Sĩ bên Văn hóa thông tin, anh Ron bên Ủy ban và tôi nên chúng tôi luôn là những người đầu tiên được anh “khoe” một đôi bài mới đem từ TPHCM về do nhạc sĩ Quốc Dũng soạn hòa âm phối khí, ca sĩ Bảo Yến, Nhã Phương trình bày. 

Thế là anh em lại rủ nhau đến nhà Năm Thiên ở “bến xe ngựa” cũ - nay là đường Lý Tự Trọng - để nhờ cái máy cassette hai băng của anh phát ra cho mọi người cùng thưởng thức. Thời này, cuộc sống còn khó khăn nên ít người có dàn máy hát rời. Người nào sắm được máy cassette hai băng bên phát bên thu đã là sang lắm”.

Tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa đã khai sinh dòng nhạc Gò Công - Ảnh 2.

Quốc Dũng và Bảo Yến mặn nồng trong tình yêu. Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ.

“Băng nhạc Gò Công” được phối khí thu âm xong, tác giả đi “chào hàng” ở một số công ty phát hành nhưng đều bị từ chối. Nhạc sĩ Hoàng Phương bèn nhờ bạn bè phát băng nhạc này lên loa phóng thanh trước giờ chiếu phim tại rạp phim của địa phương. Thật không ngờ, người người kéo tới rạp, không phải để xem phim mà chỉ để nghe nhạc Gò Công.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Cường: “Vào thời điểm ấy, Băng nhạc Gò Công đã tạo nên một hiện tượng âm nhạc gây xôn xao dư luận nhiều nhất trong cả nước. Bắt đầu xuất hiện một số bài viết của giới phê bình lên tiếng khen chê trên vài tờ báo và có một số cuộc tranh luận trong cũng như ngoài giới văn nghệ về giá trị nghệ thuật của băng nhạc".

"Mặc cho dư luận săm soi, lời ra tiếng vào, các bài hát của nhạc sĩ Hoàng Phương vẫn vang lên đến tận các ngõ xóm, từ quán cóc đến nhà hàng; từ trên xe hơi đến xe cà rem, kẹo kéo… đi đến đâu cũng nghe: “Đi qua cầu Cả Thu. Nhìn dòng sông bối rối. Rung rinh chùm hoa sứ. Bỗng nhớ em cuối trời...”, “Dưới nắng hồng, tôi đi giữa Gò Công. Đất như cao, trời như thấp lại…” . Là người dân Gò Công, mấy ai lại không vui, không xúc động khi nghe có người nhắc nhớ đến tên quê hương mình, hát nhạc quê hương mình!” (Vũ Cường).

Băng gốc bị mất trộm

Ca sĩ Bảo Yến kể lại rằng: “Anh Hoàng Phương ở Gò Công đem lên 15 bài phổ nhạc nhờ anh Quốc Dũng hòa âm. Không hiểu vì lý do gì mà anh Phương nói, phối hết những bài này cho Yến hát, vì lúc ấy Yến mới chớm chứ cũng chưa thực sự nổi tiếng. 

Sau khi băng Gò Công hoàn tất, giao cho anh Hoàng Phương một băng gốc, còn một cuốn băng gốc anh Quốc Dũng để trên bàn thờ Phật, cất ở đó, không biết ai đó đã lấy nó và đem ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, thế là cuốn băng được in ra chớp nhoáng và lan rộng từ Sài Gòn ra các tỉnh”.

Những năm 1980, băng nhạc Gò Công đã phổ biến khắp nơi dù chưa được chính thức xuất bản. Người ta truyền cho nhau nghe, sao chép từ miền ngược tới miền xuôi.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét: “Giai điệu và lời hát ngọt ngào của ca sĩ Bảo Yến, cùng cách phối khí của nhạc sĩ Quốc Dũng đã khiến loạt bài hát Gò Công như Chiều hạ vàng, Mẹ Gò Công, Thương một người ở xa, Chuyện tình hoa muống biển … như dòng nước mát rót vào đời sống”.

Ca khúc "Thương một người ở xa" của Hoàng Phương do Bảo Yến trình bày trên nền nhạc Quốc Dũng thu âm bằng đàn Organ dành cho trẻ em.

Các tác phẩm của Băng nhạc Gò Công đã được đưa lên trình diễn trên sân khấu và đài truyền hình cùng lúc với thời điểm Đổi mới và chủ trương “cởi trói” cho văn học nghệ thuật vào năm 1986.

Ngày nay, khi nghe lại Băng nhạc Gò Công, người ta sẽ thấy nhiều bài chỉ được thu âm dựa trên một nhạc cụ là đàn Organ dành cho trẻ em. Một trong những nguyên nhân được lý giải là nhạc sĩ Quốc Dũng dường như cũng xem việc thu âm Băng nhạc Gò Công như là một thử nghiệm mạo hiểm và anh cũng biết việc in ấn băng nhạc mang hơi hướm “nhạc vàng kiểu mới” vào thời điểm những năm 1980 là không hề dễ dàng.

Còn mãi với thời gian

Những ca khúc thủa ban đầu của dòng nhạc trữ tình quê hương, ngoài sáng tác của Hoàng Phương còn có các tác phẩm của Nguyễn Bá Nghiêm.

Theo ca sĩ Bảo tiết lộ với báo chí thì “Nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm – anh ở Vũng Tàu, xuống đặt chị 6 bài, trong đó có Chiều hạ vàng . Anh Dũng (Nhạc sĩ Quốc Dũng) hòa âm phối khí để chị hát 6 bài. Chị trộn thêm mấy bài của anh Hoàng Phương vô, để chị làm nên một cái băng Gò Công thứ nhất. 

Nhưng một năm sau chị nghe tin anh Bá Nghiêm bị tai nạn trên đường từ Vũng Tàu về thành phố cho nên chị buồn. Vì anh dành hết tất cả tình cảm và tâm tư, anh viết trong một chiều hạ nắng vàng đó với tình yêu của mình mà cuối cùng anh chết trên đường. Trong khi chị được nổi tiếng mà anh không được thưởng thức bản nhạc của mình nổi tiếng”.

Ca sĩ Bảo Yến thừa nhận: “Băng nhạc Gò Công đó đã biến tôi từ một ca sĩ vô danh tiểu tốt thành ngôi sao nổi tiếng. Khán giả bất ngờ khi lâu lắm mới được nghe băng nhạc Bolero trữ tình hay đến thế nên thích, tên tuổi tôi nổi như cồn. Từ đó, tôi đi show tỉnh nhiều quá trời. Trước đó, tôi chỉ hát ở thành phố, thu nhập cũng có nhưng không nhiều như đi tỉnh. 

Nếu không có anh Quốc Dũng, tôi chỉ nổi tiếng được phần nào thôi, nhờ anh ấy mà tôi được chắp cánh nổi đình đám”.Ca khúc "Phút ban đầu" của Nguyễn Bá Nghiêm do Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng trình bày.

Những ca khúc âm nhạc trữ tình của Hoàng Phương và Nguyễn Bá Nghiêm vẫn được các ca sĩ trẻ hiện nay trình diễn, cho thấy sức sống của dòng nhạc trữ tình quê hương.

Nhà báo, nhạc sĩ Thanh Bình nhận xét: “Về phương diện hòa âm phối khí, nếu Bảo Chấn được xem như một phù thủy đa năng, Võ Thiện Thanh nổi tiếng với dòng electronic thì Quốc Dũng được xem như người có công làm đẹp cho dòng nhạc quê hương”.

Vĩnh biệt một người anh

Vì công việc viết báo, tôi may mắn gặp anh Quốc Dũng khi anh vẫn còn rất phong độ. Tôi được xem anh đàn, hát và nói chuyện về âm nhạc.

Tôi vẫn nhớ những buổi sáng hai anh em cà phê ở phố Hồ Xuân Hương. Anh tặng tôi tập sách nhạc được in ấn rất công phu và trò chuyện về bối cảnh viết từng ca khúc. Nhưng rồi anh cứ bị tai nạn giao thông liên tục, mà nguyên nhân theo anh nói là “vừa đi vừa nghĩ về ca khúc đang viết dở dang nên bị xe đụng!”.

Với tôi, nhạc sĩ Quốc Dũng là người rất đặc biệt. Anh nói: “Anh không thích hội hè, không thích lên truyền hình, không thích là người nổi tiếng. Anh cũng chẳng cần danh hiệu hay tiền bạc. Với anh, chỉ tình yêu với âm nhạc cũng là quá đủ rồi. Anh cũng có một người vợ hiền và hiểu anh – chị Bảo Yến, anh cũng mừng vì các con theo nghiệp mình – Bảo Châu và Khải Ca”.

Tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa đã khai sinh dòng nhạc Gò Công - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Quốc Dũng, ca sĩ Bảo Yến và hai con Khải Ca (trái) và Bảo Châu trên sân khấu.

Sự đặc biệt của Quốc Dũng thể hiện ở chỗ anh phối khí, sản xuất băng nhạc Gò Công đưa tên tuổi của các nhạc sĩ như Hoàng Phương, Nguyễn Bá Nghiêm, hay tên tuổi vợ là Bảo Yến ra với công chúng. Người ta dành một khái niệm “dòng nhạc Gò Công” để tôn vinh các sản phẩm anh sản xuất, gọi Hoàng Phương là “Ông hoàng nhạc Gò Công”. Song, giữa vinh quang của dòng nhạc Gò Công, hầu như suốt cuộc đời mình, Quốc Dũng không viết nhạc Bolero. Anh không “ăn theo” các trào lưu, dù chính anh tham gia vào việc tạo ra trào lưu ấy.

Hôm qua, nghệ sĩ Piano Quốc Đạt báo tôi biết nhạc sĩ Quốc Dũng vừa qua đời. Một cảm giác thật trống vắng đến trong tôi.

Tôi vẫn nhớ mãi lời nhạc sĩ Quốc Dũng nói với tôi: “Điều mình viết ra phải chính là điều mình yêu thích nhất và là những gì cuộc sống làm cho mình rung động nhất”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại