Những ngày cuối năm vừa qua, tôi có vài buổi hẹn cà phê với chúng bạn. Giống như phần lớn những người trẻ khác, chúng tôi quây quần bên nhau để tâm sự, đôi khi là để than vãn và "chỉ mặt điểm tên" những điều cứ khiến mình nhọc lòng suốt cả một năm. Nói vậy là đủ hiểu, tiền nong là chủ đề không khi nào vắng mặt.
Có đứa thở dài thườn thượt, kêu "năm nay kiếm chác ít quá, chẳng đi chơi được chuyến nào". Có đứa than "tao đang nghèo kiết xác nhưng mà cũng chẳng trách ai được vì cái thói tiêu hoang". Tôi vốn cứ nghĩ những câu chuyện xoay quanh chủ đề tiền nong cũng chỉ đến thế là cùng, nhưng mà không.
"Kiếm cũng được, cũng có dư nhưng mà cứ nhắc đến tiền là chỉ thấy đắng hết cả lòng" - Một cậu bạn thân của tôi kể, rồi chốt một câu "vì tiền mà mất cả bạn đây này" .
Xung đột lợi ích - Cách tiền bạc thay chúng ta đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ
Bạn tôi kể ngay trước Tết Nguyên Đán năm 2023, bạn có cho một người bạn thân vay 20 triệu tiêu Tết. Chơi với nhau chục năm có lẻ, hơn ai hết, tôi hiểu cái tính thương người của bạn mình. Nó là kiểu người thấy anh em gặp khó khăn là lao vào giúp, ngay cả khi người ta còn chưa mở lời nhờ vả.
Chuyện Tết năm ngoái cũng không phải ngoại lệ.
"Chúng mày có nhớ đợt cắt giảm nhân sự ngay trước Tết năm ngoái không? Ừ đấy, bạn tao là một trong số đó. Nó còn có vợ con phải lo, tao thì có mỗi cái thân thôi, đàn ông con trai cũng chẳng tiêu gì nhiều ngoài tiền biếu Tết bố mẹ, nên tao cho nó vay 20 triệu, bảo bao giờ có thì trả.
Mãi đến tháng 10 vừa rồi, tao mới đánh tiếng hỏi nó có tiền trả chưa vì tao đang tính chuyện mua nhà ấy. Nó bảo cho nó 1 tuần để xoay, tao cũng ok. Nhưng sau đó nó mất hút hơn 10 ngày. Tao nhắn tin hỏi thì nó bơ gần 1 ngày trời rồi chốt câu xanh rờn "tôi chưa xoay được bạn ạ". Nghe đến chán!" - Bạn tôi kể và giải thích rằng bạn chán không phải vì sợ bị quỵt mất 20 triệu. Bạn chán vì không nghĩ người anh em của mình lại lươn khươn thế.
"Chưa xoay được thì cũng báo nhau 1 tiếng chứ sao lại để tao phải đi hỏi".
Câu nói của bạn giống như "một cú tát" vào cả đám còn lại trong buổi cà phê hôm ấy. Nghe xong đứa nào đứa nấy cũng phải tự kiểm điểm xem mình có từng trễ lịch trả nợ người bạn này hay không, vì chúng tôi vẫn đùa "mày như cái cây ATM của bọn tao vậy, cứ bí tiền, ới 1 câu là có". Nhưng còn ngồi cà phê được với nhau ngày cuối năm, câu trả lời cho băn khoăn bất chợt ấy cũng quá rõ ràng rồi.
"Thì cũng không đến mức cạch mặt nhau nhưng sau chuyện đó, tự nhiên thấy khó nói chuyện" - Bạn tôi tiếp tục trải lòng về khoản tiền 20 triệu làm sứt mẻ tình anh em.
Nghe xong câu chuyện "đắng lòng" của bạn, tôi mới nhận ra bản thân mình cũng từng ở trong hoàn cảnh tương tự. Thậm chí cái sự "đắng lòng" của tôi còn ở cấp độ cao hơn, vì đã chẳng kiếm chác được mấy mà vẫn "toang" với người yêu vì tiền.
Bạn bè vẫn bảo tôi là đứa "dại trai" vì cứ có bao nhiêu tiền là dành cho người yêu hết. Thậm chí, tôi còn từng đi vay tiền cậu bạn thân để mang cho người yêu trả nợ. Là con gái, đi ăn đi chơi, bản thân là người thanh toán nhiều hơn đã là một cái sự cấn ở trong lòng. Nhưng tôi vẫn tặc lưỡi bỏ qua vì thương bạn trai đang khó khăn. Cho đến khi người ta nợ tôi gần chục triệu mà vẫn chẳng "đánh tiếng" về việc sẽ trả, tôi mới nhận ra mình yêu đương mù quáng đến nhường nào.
Bản thân đã không dư dả, tiền nhà tiền ăn còn đang phải lo ngay ngáy hàng tháng, mà vẫn thích tỏ ra nghĩa hiệp bằng cách đèo bòng một người chẳng phải máu mủ ruột thịt của mình, chẳng phải là quá ngớ ngẩn hay sao?
Cứ phải đến lúc rơi vào cảnh túng tiền, người ta mới nhận ra tình bạn hay tình yêu đều không quan trọng bằng số dư trong tài khoản lúc đó. Nghe thì có vẻ thực dụng quá nhỉ? Nhưng cứ thử nghĩ xem, mình đang cần tiền để thực hiện những dự định cá nhân, đôi khi là để duy trì những nhu cầu cơ bản nhất của sự sống, mà "con nợ" cứ lặn tăm mất hút, có điên không?
Vì tiền bạc mà xung đột lợi ích, để đến mức phải nghỉ chơi hay nghỉ yêu, thực ra, cũng là điều không quá khó hiểu với những người từng trải qua tình cảnh ấy.
Tự trách mình trước khi trách người
Những người như tôi hoặc như cậu bạn tôi có đáng trách hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là có, dù rõ ràng, chúng tôi cho bạn hoặc người yêu vay tiền chỉ vì tình thương chứ chẳng vụ lợi bất cứ điều gì.
Nhưng khi tình thương được trao đi cùng với một khoản tiền, câu chuyện sẽ rất dễ biến tướng, như những gì chúng tôi đã trải qua. Chưa từng mất bạn hay mất bồ vì tiền, có lẽ sẽ rất khó để người ta thấm thía được câu nói "tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát".
Hiện tại, cậu bạn tôi vẫn cứ chuyển khoản ngay tức thì mỗi khi chúng tôi ới nó một câu "mày ơi cứu đói".
"Vì chưa đứa nào để tao phải mở miệng đi đòi, nên cái cây ATM này của chúng mày mới hoạt động đến giờ đấy" - Cậu bạn tôi nói một câu xanh rờn, khi được hỏi thế không sợ tụi này cũng lặn mất tăm, không trả à.
Còn tôi, sau cuộc tình mệt mỏi vì tiền nong năm ấy, cũng đã bớt "dại" đi nhiều, không còn dám móc tiền túi cho bạn trai vay nữa. Đương nhiên, đường tình duyên của tôi hoặc của chúng ta có thể sẽ không bớt đi "ổ gà" vì tiền bạc phân minh, nhưng ít nhất, nó cũng sẽ bớt nhọc lòng hơn nhiều, khi người nợ tiền mình không phải là người nợ cả ân tình với mình.
Sau buổi cà phê cuối năm với hội bạn này, tôi nhận ra cuộc sống của những người trưởng thành chắc chắn sẽ có những lúc cần sự hỗ trợ về mặt kinh tế. Vay ngân hàng thì lãi quá cao, về xin bố mẹ thì lại thấy "muối mặt". Những lúc như thế, chỉ có những người anh em chí cốt mới là nơi chúng ta có thể nhờ vả. Giúp đỡ nhau lúc bí bách là điều nên làm và chắc hẳn khi đã đủ thân thiết và đủ tiền, không ai lại nỡ từ chối giúp đỡ người bạn đang khó khăn của mình, nếu như họ chưa từng thất tín.
Một chữ tín vừa là "cái phao" trong tương lai nếu chẳng may rơi vào cảnh sóng gió, vừa là chất liệu gắn kết tình anh em, mà cũng không giữ được, thử hỏi có đáng buồn hay không?