“Sao lại có những con gấu bông trông xấu thế này?” , một tài khoản mạng xã hội bình luận lên kênh TikTok của cửa tiệm. Những lời như vậy không làm cô chủ Mỵ Đình (27 tuổi, Sóc Trăng) phiền lòng: “Trong suốt quá trình bán tôi cũng luôn nhận được những bình luận, lời nói chê bai tiêu cực, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với sự động viên và ủng hộ của các bạn khách hàng” .
Mỵ Đình thích tự làm đồ chơi từ nhỏ. Cô tiếp xúc với đường kim mũi chỉ từ sớm vì có mẹ làm thợ may. Từ những mảnh vải vụn, cô thường tự tạo cho mình những món đồ chơi nhỏ nhắn, dễ thương. Lớn lên, cô đi học thiết kế đồ họa vì tình yêu dành cho những chú thú bông, những món đồ chơi nhỏ, sau đó tự thiết kế những chú gấu bông mang đậm phong cách riêng.
Mỵ Đình đăng tải những sản phẩm của mình lên Facebook như một thú vui cá nhân, sau đó do có nhiều người hỏi mua nên cô bắt đầu kinh doanh.
Mỵ Đình tạo hình thú bông bằng cách vẽ bút bi lên giấy. Đây là thời điểm cô thỏa sức sáng tạo mà không đi theo lối mòn nào và yêu thích những gì bản thân nghĩ ra lúc này. Sau đó, cô mới quyết định kích cỡ, chất liệu và bắt tay vào may. Mỗi con thú bông cần từ vài ngày đến hàng tuần để hoàn thành, tùy kích cỡ. Chú rồng dài 4m được bán hồi đầu năm đã làm cô tốn rất nhiều công sức.
“Các bạn trẻ hiện nay cá tính mạnh, có nhiều khao khát thể hiện cái tôi cá nhân, không muốn bị trùng lặp. Tôi nghĩ đó là yếu tố đầu tiên dẫn dắt các bạn đến mua thú bông của cửa tiệm”, Mỵ Đình lý giải vì sao thú bông của cô trông xấu nhưng lại ăn khách.
Theo cô, tinh thần tự do, đơn thuần của mấy bé thú bông xấu lạ cũng giúp khách hàng giảm áp lực và cảm thấy vui vẻ hơn. Tiệm có nhiều khách hàng trung thành luôn yêu thích và sưu tập những mẫu mới nhất.
“Các cô chú, anh chị thế hệ trước do cuộc sống khó khăn, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nên sở thích của họ thường là những món đồ giá trị cao, bền, hoặc sang trọng hoặc ứng dụng nhiều. Tuy nhiên, bây giờ sự lựa chọn của khách hàng đã khác đi. Ngoài công năng sử dụng thì ở mỗi đồ vật được mua, nhiều người còn tìm kiếm sự vui vẻ cho bản thân để giải tỏa áp lực cuộc sống", Mỵ Đình chia sẻ.
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thú bông đem lại cảm giác yêu đời cho người chủ. Một khảo sát tại Anh vào năm 2021 cho thấy 34% người lớn có thú bông hoặc đồ chơi tương tự trong không gian sống của họ. Việc ôm thú bông cũng giúp họ thư giãn hơn.
Tại Trung Quốc, xu hướng bán thú bông cho người trưởng thành bắt đầu khi đại dịch COVID-19 diễn ra và tiếp tục phát triển đến thời điểm hiện tại. Nhiều người coi việc ôm thú bông như một hoạt động chữa lành.
Mỵ Đình cũng có trải nghiệm về khả năng chữa lành của thú bông đối với khách hàng. Năm 2020, một khách hàng gửi email đến tiệm thú bông, chia sẻ câu chuyện của mình. Đó là một thiếu niên mắc bệnh nan y và rất thích thú bông Mỵ Đình may, hy vọng sẽ mua được một con mới.
Từ đó, cô cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều. Cô luôn trích một phần lợi nhuận để tặng thú bông cho các hội nhóm sinh viên, nhóm tình nguyện vùng cao và các nhóm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
"Công việc này không chỉ đem lại thu nhập mà còn đem đến rất nhiều ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của tôi. Nhiều khách hàng chia sẻ rằng nhìn gấu xấu, thấy thương quá nên đành phải cưu mang”, Mỵ Đình cười.