Tiềm năng của con sông nội địa dài nhất Việt Nam

Minh Tiến |

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hơn 2.360 con sông có chiều dài trên 10 km. Trong đó, con sông nội địa dài nhất Việt Nam hiện đi qua 6 tỉnh, thành.

Cụ thể, sông Đồng Nai có tổng chiều dài 586 km, khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang (tỉnh Lâm Đồng). Đây là con sông nội địa dài nhất Việt Nam. Với lưu lượng nước lớn, sông Đồng Nai là nguồn thủy năng dồi dào cung cấp cho nhà máy thủy điện Đồng Nai.

Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM với chiều dài trên 437 km và lưu vực đạt khoảng 38.600 km2. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ.

Sông Đồng Nai chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc – Đông Nam ở phần thượng lưu và hướng Đông Bắc – Tây Nam ở khu vực trung lưu và hạ lưu. Sông Đồng Nai có tới 253 nhánh sông suối phụ lưu có chiều dài lớn hơn 10km.

Hệ thống sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho thành phố Biên Hòa và khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Các phụ lưu chính của sông Đồng Nai gồm có sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ. Các chi lưu của nó có tên gọi là sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải, sông Soài Rạp (sông Soi)...

Với lưu lượng nước dồi dào, đoạn hợp lưu sông Đa Nhim, sông Đồng Nai và sông Bé đã được Việt Nam tận dụng xây đập lớn, ngăn dòng chảy tạo thành hồ nhân tạo lớn nhất miền Nam - hồ Trị An. Hồ chủ yếu cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An.

Với tiềm năng thủy điện của sông Đồng Nai, đã có hơn 10 công trình thủy điện được vận hành trên sông đồng Nai. Nổi bật nhất trong số đó là Nhà máy thủy điện Trị An (Đồng Nai). Thủy điện Trị An là công trình thủy điện có một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ có mực nước dâng bình thường là 62m, mực nước chết khoảng 50m, mực nước gia cường lên tới 63,9 m.

Mỗi năm, thủy điện Trị An cung cấp cho điện lưới quốc gia 1,7 tỷ KWh. Ngoài ra, công trình còn phục vụ đa mục tiêu như đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và lượng nước tưới tiêu cho khu vực Nam Bộ. Hơn nữa, thủy điện Trị An còn đẩy mặn và điều tiết lũ; phát triển giao thông vận tải và du lịch cho khu vực ven 2 bên bờ sông.

Cùng cạnh đó, sông Đồng Nai nổi bật với hệ thống thủy điện bao gồm Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5. Hệ thống nằm tại nhánh chính của sông Đồng Nai tại khu vực tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Với mật độ dày đặc, hệ thống thủy điện Đồng Nai 2, 3, 4, 5 đem lại nguồn điện khổng lồ cho điện lưới quốc gia.

Như vậy, lưu vực sông Đồng Nai là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, lưu vực sông Đồng Nai chỉ có 4,2% lượng nước, nhưng đóng góp khoảng 30% vào GDP của cả nước.

Hơn nưa, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cong đóng góp khoảng hơn 60% GDP công nghiệp, 41% GDP dịch vụ và 28% GDP nông nghiệp của Việt Nam. Sông Đồng Nai thuộc vùng có nhiều địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Do đó, sự phát triển kinh tế của lưu vực sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế chung của cả nước.

Ngoài ra, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng đất đai phong phú, có khả năng phát triển nhiều loại cây công nghiệp, nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như cao su, cà phê, tiêu, điều, cây ăn quả,… Từ đó, hệ thống sông Đồng Nai có thể hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Tóm lại, lưu vực sông Đồng Nai là giàu tiềm năng phát triển kinh tế, liên quan đến nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt, sông Đồng Nai có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam bộ, khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại