Tiêm kích F-22 Mỹ dùng tên lửa 400.000 USD để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Trà Khánh |

Lầu Năm Góc cho biết, tiêm kích tàng hình F-22 của không quân Mỹ đã được giao nhiệm vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài bang Nam Carolina.

Theo Daily Mail, sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang qua nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Lầu Năm Góc bắn hạ phương tiện bay này chiều 4/2 (theo giờ địa phương).

Có hai tiêm kích tàng hình F-22 (biệt danh 'FRANK01' và 'FRANK02') và một máy bay tiếp nhiên liệu tham gia nhiệm vụ đánh chặn khinh khí cầu Trung Quốc, nhưng chỉ một chiếc F-22 xuất kích từ căn cứ không quân Langley ở Virginia thực hiện phóng tên lửa bắn hạ mục tiêu vào lúc 14h38 (theo giờ địa phương), Daily Mail đưa tin.

Tiêm kích F-22 Mỹ dùng tên lửa 400.000 USD để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc - Ảnh 1.

Vụ đánh chặn khinh khí cầu Trung Quốc cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bắn hạ phương tiện bay của một quốc gia khác trên lãnh thổ nước này kể từ sau Thế chiến thứ 2. (Ảnh: The Drive)

Cũng theo Daily Mail, tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder được chiếc F-22 sử dụng để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc có giá trị 380.000 USD mỗi tên lửa và một trong những vũ khí tiêu chuẩn của mọi máy bay chiến đấu Mỹ.

Những chiếc tiêm kích tàng hình F-22 của không quân Mỹ trong các nhiệm vụ trên không có thể mang theo hai loại tên lửa không đối không gồm AIM-9X Sidewinder và AIM-120 AMRAAM.

Từ buồng lái, phi công F-22 có thể dõi theo và khóa mục tiêu bằng mắt (dựa vào mũ bay thông minh), lúc đó AIM-9X sẽ lao đến mục tiêu với vận tốc lên đến 3.000 km/h.

AIM-9 Sidewinder là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới. Đây là loại tên lửa tầm nhiệt dẫn đường bằng hồng ngoại, có thể tự hiệu chỉnh trong lúc bay nhờ dữ liệu cung cấp từ máy bay, giúp tăng đáng kể độ chính xác trong tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa này có tầm bắn 1 - 35,4 km, được sử dụng trong không quân 40 nước, chủ yếu là các thành viên của NATO.

Tiêm kích F-22 Mỹ dùng tên lửa 400.000 USD để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc - Ảnh 2.

Tên lửa không đối không AIM-9X trên tiêm kích F-22. (Ảnh: The Drive)

Trong nhiệm vụ trên, tên lửa AIM-9X được phóng ra đã cắt đứt phần trên của khinh khí cầu Trung Quốc với cụm thiết bị dưới, bao gồm camera, thiết bị cảm biến cùng radar vận hành bằng năng lượng mặt trời. Các quan chức quốc phòng Mỹ ước tính khinh khí cầu này có kích thước lớn bằng ba chiếc xe buýt và cao khoảng 36,5 m.

Cũng theo Daily Mail, vụ đánh chặn khinh khí cầu Trung Quốc cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bắn hạ phương tiện bay của một quốc gia khác trên lãnh thổ nước này kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ hơn 11 km, trên vùng nước tương đối nông, vì vậy họ có khả năng thu hồi các bộ phận chính của thiết bị trong những ngày tới.

Tiêm kích F-22 Mỹ dùng tên lửa 400.000 USD để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc - Ảnh 3.

Hành trình của khinh khí cầu Trung Quốc trước khi bị bắn hạ. (Ảnh: Aljazeera)

Khinh khí cầu nói trên lần đầu tiên đi vào không phận Mỹ hôm 28/1, trước khi di chuyển vào không phận Canada hôm 30/1. Sau đó, nó lại vào không phận Mỹ ngày 31/1, một quan chức quốc phòng cho biết. Sau khi bay vào đất liền, nó không quay trở lại biển, khiến việc bắn hạ trở nên khó khăn.

Các quan chức Mỹ không tiết lộ sự hiện diện của khinh khí cầu cho đến hôm 2/2. Washington gọi đó là "sự vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ và đã thông báo cho Bắc Kinh về vụ bắn hạ.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, trong lần đầu tiên thông báo về vụ bắn hạ, nói rằng khinh khí cầu đang được Trung Quốc sử dụng "trong nỗ lực giám sát các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại