Cành quả me rừng hay gọi là mắc kham.
Cành quả me rừng hay gọi là mắc kham vô cùng lạ mắt khi vừa có thể cắm chơi, vừa có thể thử thưởng thức vị đặc biệt của loại quả này.
Cành quả mọc hoang dại thu hút chị em đặt mua về cắm chơi...
Chia sẻ với PV Infonet, chị Phạm Thị Thơm, chủ tiệm hoa Mộc Lan đã và đang gom nhiều đơn đặt hàng cành quả me rừng cho biết, hàng về không kịp để trả khách. Vừa rồi 200 cành vừa về đến tiệm đã giao hết cho khách, vì thế chị lại tiếp tục nhận đơn đặt nối tiếp.
Chị Thơm cho biết, cây me rừng mọc hoang dại rất nhiều ở vùng núi phía Bắc trải dài đến miền Trung. Mùa me rừng bắt đầu thu hoạch quả từ tháng 6 đến hết tháng 9. Hiện tại, các cành quả me rừng hầu như đều đã già, quả bắt đầu chín.
Mùa thu cây me bắt đầu rụng lá, còn trơ lại quả. Khi quả già tự rụng xuống đất, hoặc chim ăn rồi tự phát tán mọc khắp nơi. Đây chính là lý do khiến loại cây quả này mọc hoang dại khắp nơi trong rừng.
“Quả có màu xanh lá khi còn non, quả già dần chuyển sang màu hơi vàng trong. Điều thú vị ở loại cây này là quả me rừng không chỉ ra trên cành mà nó đậu quả cả ở trên kẽ lá”, chị Thơm cho hay.
Cành quả me rừng được khách hàng của Tiệm hoa Mộc Lan cắm rất nghệ thuật, lạ mắt.
Bà chủ tiệm hoa cho biết, người dân vùng núi thường hái quả vào tháng 6, tháng 7 để bán cho những người ngâm rượu. Chị đã định mang cành quả me rừng về Hà Nội sớm hơn nhưng do tình hình dịch bệnh, khó khăn trong việc vận chuyển nên bây giờ mới có thể mang về để chị em Hà thành có cơ hội được trải nghiệm cành quả độc lạ này.
Với mỗi cành quả me rừng dài khoảng 1m, chị Thơm thiết kế bán theo set với giá 180.000 đồng. Set có thể là 3 hoặc 5 cành, tùy cành to nhỏ.
Rất nhiều chị em có sở thích cắm cành quả đã rất “mê” cành me rừng ngay từ cái nhìn đầu tiên nên dù chỉ gom nhanh trong 1-2 ngày, chị Thơm đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng. Vừa về 200 cành nhưng chị vẫn chưa đủ trả khách nên chị lại gom thêm đơn và hẹn trả dần khách ngay khi hàng tới Hà Nội.
Chị Thơm cho biết, cắm cành quả me rừng vừa thưởng ngoạn, vừa có thể sử dụng quả khi chơi xong. Quả me rừng mang ngâm rượu uống hoặc có thể cắt thành miếng hoặc khía xung quanh quả rồi dầm muối ớt để thưởng thức vị lạ, rất đặc biệt của loại quả hoang dại này.
Ngoài ngâm rượu uống, quả me rừng có thể cắt thành miếng hoặc khía xung quanh quả rồi dầm muối ớt thưởng thức vị chua, hơi chát và ngọt dịu.
“Ở miền núi, người dân thường đập dập, đem ngâm với mắm ớt để ăn cơm. Quả me rừng khi ăn có vị đầu tiên hơi chua, hơi chát nhưng dư vị cuối cùng lại là vị ngọt dịu ở miệng. Vị quả me rừng hơi giống quả trám xanh, nhưng quả trám xanh ăn ngậy, còn me rừng thì không ngậy”, chị Thơm chia sẻ.
Cành quả me rừng có thể cắm chơi khoảng 2 tuần với những cành quả còn xanh, nếu cắm cành quả già thì quả sẽ tự rụng khi chín.
“Khi cắm cành me rừng thường phải tuốt gần hết lá, chỉ để vài lá ở ngọn, chủ yếu chơi cành còn trơ quả. Lá me thường trút rất nhanh, nếu chị em nào không ngại dọn khi lá rụng thì có thể cắm nguyên cả lá”, chị Thơm lưu ý.