Tiệm cắt tóc không lời của 6 nhà tạo mẫu 9X câm điếc bẩm sinh ở Hà Nội

Thu Hường |

Đó là một hiệu làm tóc đặc biệt khi mà từ chủ cho đến nhân viên đều bị câm điếc bẩm sinh. Trong không gian đó, không có tiếng nói, chỉ có những nụ cười và người ta giao tiếp với nhau bằng chữ viết, hình ảnh và ngôn ngữ ký hiệu...

​Ông chủ người điếc và hành trình tìm ra đam mê tạo mẫu tóc

Chủ hiệu làm tóc này là Nguyễn Thái Thành (SN 1991, quê ở TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Dù không giao tiếp được bằng lời nói nhưng gương mặt cậu lúc nào cũng hiện rõ sự vui vẻ.

Mới đây, Thành được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam 2015 nhờ những hoạt động xã hội, làm từ thiện rất tích cực và cũng là "cây kéo" khá có tiếng trong giới tạo mẫu tóc.

Thế nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, để có được thành công như bây giờ, chàng trai trẻ đó đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt. Ngay cả những nụ cười tươi trên môi kia, cũng là kết quả sau cả một hành trình dài nỗ lực không ngừng.

Thành tự hào khoe tấm bằng khen công nhận là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu Việt Nam năm 2015.

Thành chia sẻ, dù không nói, không nghe được nhưng trong thế giới của những người điếc như cậu luôn giàu hình ảnh, màu sắc.

Thành sinh ra khỏe mạnh nhưng đến khi cậu bắt đầu ý thức được những gì diễn ra xung quanh mình, 9X này vẫn không hề biết nói và chẳng bao giờ quay lại khi bố mẹ gọi tên.

"Bố mẹ tôi rất lo lắng. Họ lấy vung nồi đập vào nhau hoặc gọi tên tôi thật to. Nhưng lúc ấy tôi không hiểu gì, chỉ biết đó là một thứ âm thanh rất lớn".

Biết con gặp vấn đề về thính giác, gia đình đã đưa Thành đi chạy chữa ở nhiều nơi. "Tôi vô tư và ham chơi lắm, còn bố mẹ thì lo lắng và khóc rất nhiều. Sau nhiều ngày đi hết viện nọ đến viện kia, họ thất vọng khi thấy rằng bệnh tình của tôi không thể chữa được".

Ngày nhỏ, Thành được bố mẹ chạy chữa rất nhiều nhưng không có kết quả.
Ngày nhỏ, Thành được bố mẹ chạy chữa rất nhiều nhưng không có kết quả.
Dù câm điếc bẩm sinh nhưng thành là một chàng trai rất vui vẻ, mạnh mẽ.
câm điếc bẩm sinh nhưng thành là một chàng trai rất vui vẻ, mạnh mẽ.

Đến tuổi đi học, bố mẹ Thành đưa cậu đến một trung tâm dành cho người khuyết tật ở Bắc Giang. "Nhưng vừa đến nơi, tôi đã nhìn thấy cảnh cô giáo đánh đập học sinh và tôi rất sợ".

Thế là Thành kiên quyết không chịu theo học ở đó. Không biết làm cách nào, bố mẹ cậu đưa cậu đến ngôi trường cấp I dành cho người nghe, nói bình thường.

"Bố mẹ cũng muốn tôi học tập ở môi trường bình thường với hy vọng biết đâu đấy, nó sẽ giúp tôi phát triển việc nghe, nói".

Trái lại với mong muốn đó, Thành luôn đi học trong sự sợ hãi, chán nản. Cậu không nghe được nên chẳng hiểu gì về những gì thầy, cô giảng dạy trên lớp.

Thậm chí, Thành còn không biết viết và mỗi lần kiểm tra, đều ngồi kiên nhẫn vẽ lại đáp án với những con số, chữ cái loằng ngoằng.

"Khi đi học với những người bình thường, tôi mới biết là mình khác biệt. Bạn bè hay trêu chọc, khinh miệt rồi còn xúc phạm làm tôi nổi cáu và rất buồn".

Mãi đến năm 2005, Thành tình cờ biết đến ngôi trường dành cho người câm điếc ở Hà Nội. Lúc mới đến đây, cậu rất bất ngờ khi hiểu ra rằng mình không phải là người duy nhất trên thế giới này không có khả năng nghe, nói.

"Tôi nhìn thấy họ hiểu nhau qua những cử chỉ bằng tay. Đôi tay họ như múa vậy và điều ấy lập tức cuốn hút tôi".

Tốt nghiệp trường Nhân Chính, Thành vẫn băn khoăn về con đường tương lai của mình. "Tôi cứ luôn tự hỏi, sau này mình sẽ phải làm gì và đôi khi cũng thấy buồn khi nhìn ra phía trước là một khoảng trắng mù sương".

Rồi một lần tình cờ, cậu thấy một người câm, điếc cắt tóc. Đôi tay ông ấy múa kéo rất điệu nghệ và Thành chợt nghĩ nhất định mình phải trở thành thợ làm tóc giống như người ấy.

"Nhưng người ấy chỉ cắt tóc nam thôi nên tôi không học được nhiều". Quyết tâm theo nghề, cậu xin bố mẹ trở về Bắc Giang học nghề tạo mẫu tóc rồi lại trở lại Hà Nội xin làm việc.

Từ anh "thợ vườn" trở thành nhà tạo mẫu chuyên nghiệp

Thành ra Hà Nội xin việc và bị rất nhiều nơi từ chối. Thế nhưng 9X này vẫn quyết tâm không từ bỏ hy vọng của mình. Cậu thuê trọ trong một căn phòng lụp xụp và từng ngày đạp xe rong ruổi trên từng ngóc ngách Thủ đô để tìm kiếm cơ hội.

Thành chia sẻ mình có rất nhiều khách quen đã theo cậu đi qua nhiều cửa hiệu khác nhau.
Thành chia sẻ mình có rất nhiều khách quen đã theo cậu đi qua nhiều cửa hiệu khác nhau.

Các giải thưởng về nghề tạo mẫu tóc mà Thành đạt được.
Các giải thưởng về nghề tạo mẫu tóc mà Thành đạt được.
Chứng nhận những đóng góp của Thành trong công tác xã hội.
Chứng nhận những đóng góp của Thành trong công tác xã hội.

Sau nhiều khó khăn, cuối cùng cũng có 2 người thầy làm tóc rất giỏi trên phố Khâm Thiên chịu nhận cậu. "Ban đầu các thầy không cho tôi cắt tóc vì không tin tôi dù tôi cũng đã theo học nghề khá lâu tại đó".

Để chứng minh năng lực, Thành kiên nhẫn đi sớm, về muộn, chăm chỉ học tập để nâng cao tay nghề. "Một hôm, có một vị khách đến salon khi hai thầy vắng mặt. Thế là tôi xin được cắt tóc cho khách và họ đồng ý".

Lần sau khách tìm đến quán lại yêu cầu được Thành cắt tóc.

"Hình như người ấy đã tư vấn cho nhiều bạn bè của mình tìm đến tôi và từ đó, tôi được tham gia cắt tóc, học hỏi được rất nhiều điều".

Sau đó, Thành chuyển chỗ làm đến một hiệu tóc to hơn để làm việc. "Ở chỗ mới, tôi không có lương nhưng vẫn thấy rất vui vì được học hỏi".

Những mẩu giấy ghi lại nhận xét của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ làm tóc ở salon của anh Thành và hầu hết đều là những phản hồi tích cực.

Năm 2010, Thành tham gia cuộc thi 1.000 năm tóc và giành giải triển vọng. Đến năm 2011, cậu quyết định mở hiệu tóc riêng. "Lúc đó cửa hàng vẫn rất nhỏ và tôi thấy mình vẫn còn muốn học thêm nhiều kỹ năng chuyên sâu khác".

Thế là Thành bay vào TP.HCM học thêm nghề và đến năm 2013, tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc ở trong đó. Thành giành giải đặc biệt là một suất du học ở Singapore nhưng đã từ chối vì muốn có thời gian phát triển sự nghiệp riêng.

Từ quãng thời gian đó đến giờ, hiệu tóc của Thành ngày càng được nhiều người biết đến. Trong giới làm mẫu tóc, cậu cũng được đánh giá là một tay kéo "rất cừ".

"Có những vị khách đã theo tôi từ những hiệu làm tóc đầu tiên tôi làm việc về đến đây. Tôi đi làm ở đâu thì họ đến đó cắt tóc và điều ấy khiến tôi rất vui".

Ngôi nhà chung vui vẻ của những người câm điếc yêu nghề làm tóc

Trở thành nhà tạo mẫu tóc giỏi giang, Thành không hề có ý định giấu nghề. Cậu luôn muốn giúp đỡ những người câm, điếc như mình có cuộc sống tốt hơn. Từ năm 2011, khi mới mở cửa hàng, 9X này đã giúp đỡ nhiều học viên đến đây học nghề để kiếm kế sinh nhai.

Thành cùng các thành viên khác trong hiệu làm tóc.
Thành cùng các thành viên khác trong hiệu làm tóc.

Năm 2015, Thành tham gia vào một dự án từ thiện và nhận dạy học làm tóc miễn phí cho 7 người. Tính đến giờ, cậu đã đào tạo nghề làm tóc cho tất cả 15 người.

"Có người đến đây học rồi ở lại nhưng phần lớn là ra đi. Có lúc tôi cũng buồn vì không tìm được người đồng hành nhưng tôi tôn trọng quyết định của họ và không bao giờ từ bỏ ý định truyền nghề cho nhiều người câm điếc".

Mỗi học viên ở đây đều ở một vùng quê và có những số phận khác nhau. Thế nhưng trải qua một thời gian làm việc cùng nhau, họ gắn bó như anh em cùng nhà. Tiệm cắt tóc này như một ngôi nhà chung, luôn đầy ắp tiếng cười.

Hà Nguyễn Trần (SN 1992, quê Cao Bằng).
Hà Nguyễn Trần (SN 1992, quê Cao Bằng).

Hà Nguyễn Trần (SN 1992, quê Cao Bằng) tâm sự, cậu theo học nghề làm tóc của Thành từ những ngày đầu tiên cậu mở cửa hiệu riêng.

"Sau đó tôi cũng từng đi chỗ khác làm để học hỏi thêm nhưng rồi vẫn quay về đây. Ở đây, tôi tìm được sự đồng cảm, chở che từ những con người giống và hiểu mình".

Thành viên trẻ nhất ở đây là Nguyễn Ngọc Quang (SN 1998, Đông Anh, Hà Nội). Quang theo học Thành từ năm 2014 và bây giờ đã trở thành thợ làm tóc rất giỏi.

Quang kể rằng, mỗi ngày sau khi đóng cửa, anh em lại ngồi lại trao đổi với nhau về nhiều thứ. Có nhiều người khi đến đây, kỹ năng sống và ngôn ngữ ký hiệu, chữ viết đều rất kém nhưng nhờ có Thành chỉ bảo, mọi người tiến bộ rất nhanh.

Nguyễn Ngọc Quang (SN 1998, Đông Anh, Hà Nội).
Nguyễn Ngọc Quang (SN 1998, Đông Anh, Hà Nội).

"Anh Thành là một thầy giáo rất tốt. Anh ấy từng động viên mình tham gia cuộc thi tay nghề ASEAN và giúp mình nhận bằng khen. Mình đi thi, anh đi theo và chỉ bảo cho mình từng chút một".

Nhờ có Thành giúp đỡ, Quang từng đạt bằng khen tại cuộc thi tay nghề ASEAN. Đây không phải là cuộc thi dành riêng cho người khuyết tật nên cả hai thầy trò gặp phải không ít khó khăn.

Vì tinh thần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và luôn hết lòng với từng học viên, có những người dù không còn làm việc với Thành nữa vẫn luôn hướng về cậu, xem đó là một người thầy, người anh em và tri kỉ trong đời.

Nguyễn Việt Dũng (SN 1995, quê Lạng Sơn).
Nguyễn Việt Dũng (SN 1995, quê Lạng Sơn).

"Mình từng học nghề ở đây rồi xin về Lạng Sơn quê mình làm thuê. Dù không còn làm chung với anh Thành nữa nhưng mỗi khi gặp khó khăn về nghiệp vụ lại gọi video nhờ anh Thành hướng dẫn.

Cứ như thế, mình tiến bộ rất nhanh và anh Thành nói điều ấy khiến anh rất vui dù hai anh em không còn ở gần, làm chung như trước kia", Nguyễn Việt Dũng (SN 1995, quê Lạng Sơn) tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại