Tiệm cầm đồ ở Thái Lan ‘thoi thóp’ vì Covid-19: ‘Mọi người còn gì đâu mà mang đi cầm’

Mộc Tiên |

Một chủ tiệm cho biết khách hàng của ông chìm ngày càng sâu vào nợ nần do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 tại Thái Lan.

Một chủ tiệm cho biết khách hàng của ông chìm ngày càng sâu vào nợ nần do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 tại Thái Lan.

Danai Tangvatanangkoon là chủ một tiệm cầm đồ mở từ năm 1989 ở Bangkok và đã trải qua nhiều thập kỷ khủng hoảng kinh tế của Thái Lan. Ngồi trong cửa tiệm với hàng loạt đồng hồ xếp chồng lên nhau và vàng đựng trong hộp gỗ phủ bụi, ông nói rằng mình chưa bao giờ chứng kiến nền kinh tế nước nhà gặp nguy như trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3 này.

"Mọi người không còn gì để cầm nữa. Doanh số của chúng tôi thậm chí còn tệ hơn cả cuộc khủng hoảng Tom Yum Kung. Ít nhất khi đó, họ còn có việc làm. Giờ đây, họ chẳng còn gì cả", ông Danai chia sẻ.

Tom Yum Kung là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 từng khiến hàng triệu người Thái Lan mất sạch tiền tiết kiệm và sau đó lan ra khắp Đông Nam Á.

Tiệm cầm đồ ở Thái Lan ‘thoi thóp’ vì Covid-19: ‘Mọi người còn gì đâu mà mang đi cầm’ - Ảnh 1.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế bình thường, các cửa hàng cầm đồ ở Thái Lan đã làm ăn phát đạt khi khách hàng cần tiền để bù vào khoản thiếu hụt tiền mặt đột ngột và sau đó trả nợ khi tình hình cải thiện.

Tuy nhiên, lần này lại khác. Ông Danai cho biết khách hàng của ông chìm ngày càng sâu vào nợ nần. Họ không "xoay" kịp tiền để chuộc lại đồ trong vòng 5 tháng. Thậm chí, nhiều người không thể trả khoản lãi 1,5%.

"Chúng tôi đang gia hạn hợp đồng lên 6 hoặc 7 tháng. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ giữ đồ của khách hàng lâu hơn nhưng không thể kiếm thêm được đồng nào", ông Danai nói.

Ông cho rằng những dấu hiệu phục hồi khá ảm đạm: "Mọi thứ thật tồi tệ khi nhân viên văn phòng đem các thiết bị, điện thoại và máy tính xách tay đi cầm cố. Mọi người thực sự chẳng còn gì cả".

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 3% xuống 1,8%. Triển vọng năm 2022 cũng bị hạ thêm gần một điểm phần trăm. Quốc gia này đối diện nguy cơ tiếp tục không có khách du lịch nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan như hiện tại.

Theo SCMP, dự báo trên vẫn có vẻ lạc quan khi Thái Lan chỉ mới có hơn 5% trong số 70 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ.

Số ca nhiễm mới ở Thái Lan đang tăng lên mức chưa từng có, lần đầu tiên lên đến 11.000 ca mỗi ngày vào cuối tuần trước. Ngày 20/7, Thái Lan báo cáo 11.305 trường hợp dương tính và 80 ca tử vong. Cơ quan y tế của nước này đang chuẩn bị cho việc số ca nhiễm tăng gấp đôi vào đầu tháng 8.

Bangkok về cơ bản đã bị phong tỏa từ đầu tháng 7. Các chuyến bay nội địa cũng bị dừng và các trạm kiểm soát được dựng lên ở khắp thành phố. Thực tế này đè bẹp nhiều hoạt động kinh tế mới ổn định trở lại một chút, khiến số lượng lớn người lao động, từ người bán hoa quả, người bán đồ trang sức đến người hành nghề mát-xa, mất việc làm. Số nợ của các hộ gia đình ở Thái Lan đã tăng lên mức nguy hiểm là 90% GDP.

Để xoay chuyển tình thế, ông Prayuth cam kết sẽ mở cửa đất nước vào tháng 10 nhưng theo SCMP, điều đó có vẻ khó xảy ra.

Một số điểm du lịch như Phuket và Koh Samui đã mở cửa trở lại, tuy nhiên, các nhà quan sát trong ngành cho biết du khách khó có thể ồ ạt trở lại do Thái Lan chưa được tiêm chủng đầy đủ và vẫn đang phải chiến đấu với đại dịch.

Tiệm cầm đồ ở Thái Lan ‘thoi thóp’ vì Covid-19: ‘Mọi người còn gì đâu mà mang đi cầm’ - Ảnh 3.

Tuần này, Ngân hàng thế giới cho biết lượng du khách vào cuối năm của Thái Lan có thể chỉ đạt gần 600.000 lượt thay vì ước tính 4-5 triệu lượt như trước khi xảy ra đợt bùng phát hiện tại.

Thái Lan đã bơm 1.500 tỷ baht (khoảng 45 tỷ USD) vào nền kinh tế, với đợt gần nhất là kế hoạch bơm 15 tỷ USD vào tháng 5 vừa qua và sẽ được phân bổ trong những tháng tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại