Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza

THANH LONG |

Điều gì đang chờ đợi chúng ta trong những căn phòng đó?

Năm 2015, tạp chí Nature đăng tải một nghiên cứu gây chấn động liên quan đến Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Bằng một loạt các phép đo với máy dò tia vũ trụ, 3 nhóm khoa học gia ở Pháp và Nhật Bản đã phát hiện một khoảng trống bí ẩn bên trong kim tự tháp.

Nó được xác định là một căn phòng dài 30 mét, cao 6 mét nằm ngay phía trên Sảnh trưng bày lớn. Không hề có bất kể một lối vào nào được tìm thấy dẫn đến căn phòng bí ẩn này. Do đó, các nhà khoa học không thể biết trong đó có chứa gì.

Một số giả thuyết cho rằng đó là một căn phòng bí ẩn chứa kho báu. Và bởi vì không có lối đi dẫn tới đó, kho báu này đã được bảo vệ nguyên vẹn qua hàng thiên niên kỷ hoành hành của những kẻ trộm mộ.

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 1.
Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 2.

Năm 2017, một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature tiếp tục sử dụng máy dò tia vũ trụ và tìm thấy căn phòng bí ẩn thứ hai trong Đại kim tự tháp Giza. Căn phòng này nằm ngay cạnh căn phòng được phát hiện năm 2015 và cũng không có lối vào.

Các nhà khoa học cho biết những căn phòng bí ẩn này là một phát hiện lớn nhất về kim tự tháp được thực hiện kể từ thời Trung cổ. Trước đây, người ta đã cho rằng kim tự tháp Khufu đã được khám phá đến mọi ngóc ngách, bởi nó là kim tự tháp lớn nhất Ai Cập nên cũng thu hút nhiều nhóm khảo cổ nhất.

Nhưng bây giờ, hóa ra sự thật không phải vậy.

Kim tự tháp Khufu, còn gọi là Đại Kim tự tháp Giza được xây dựng vào khoảng năm 2560 trước Công nguyên để đảm bảo sự bất tử cho vị pharaoh sau khi ông qua đời.

Trong lịch sử Ai Cập cổ đại, Khufu không chỉ là một vị pharaoh bình thường, ông còn được tôn lên như một vị thần. Vì vậy, kim tự tháp dành cho Khufu đã được xây dựng để trở thành kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập.

Nó được xây từ các khối đá vôi và đá granit, cao tới 139 mét và giữ kỷ lục là công trình cao nhất thế giới trong suốt 3.800 năm, trước khi người Anh xây dựng xong Nhà thờ St Paul's vào năm 1314.

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 3.
Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 4.

Tổ hợp kim tự tháp ở Giza, trong đó, Đại kim tự tháp lớn nhất thuộc về Pharaoh Khufu.

Đại kim tự tháp Giza hiện là kỳ quan duy nhất còn sót lại của thế giới cổ đại. Nhưng bất chấp điều đó, các nhà khoa học ngày nay vẫn chưa biết người Ai Cập đã xây dựng kim tự tháp này như thế nào?

Cùng với đó là vô vàn bí ẩn bên trong những công trình kiến trúc siêu khổng lồ này, mà hai căn phòng rỗng bên trong Đại kim tự tháp Giza tiếp tục đại diện cho những gì vẫn đang chờ đợi chúng ta khám phá.

Tia vũ trụ tiết lộ những căn phòng không có lối vào trong kim tự tháp

Để hiểu tia vũ trụ đã giúp các nhà khảo cổ quét kim tự tháp như thế nào, hãy nhớ lại lần gần nhất bạn đi chụp X-quang ở bệnh viện. Bức xạ điện từ, hay cụ thể ở đây là tia X với bước sóng ngắn sẽ có đủ năng lượng để đâm xuyên qua các mô mềm trên cơ thể bạn.

Nhưng tia X sẽ bị cản lại bởi các bộ phận dày đặc hơn, cụ thể ở đây là xương. Vì vậy, xương sẽ hiện lên phim X-quang dưới dạng khoảng trống trong suốt hoặc màu trắng, trong khi các mô mềm sẽ có màu đen.

Về cơ bản, chụp X-quang là bạn đang hứng bóng của những tia X đâm xuyên qua cơ thể mình. Phim chụp sẽ phân biệt cho bạn đâu là xương (cản tia X lại) và đâu là mô mềm (cho tia X đi qua).

Kỹ thuật chụp kim tự tháp bằng tia vũ trụ cũng hoạt động trên nguyên lý tương tự, để phân biệt đâu là khối đá đặc, đâu là khoảng trống ở bên trong:

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 5.

Bởi các nhà khoa học không thể xây dựng được một cỗ máy X-quang khổng lồ để đưa các kim tự tháp vào đó, họ đã tận dụng chính nguồn tia vũ trụ đang bắn xuống Trái Đất, hứng lấy bóng của những tia này để chụp những khối đá bên trong kim tự tháp.

Kyle Cranmer, một nhà vật lý hạt tại Đại học New York, giải thích: Tia vũ trụ là những sóng hạt mang năng lượng đã sinh ra từ những sự kiện lớn trong vũ trụ, chẳng hạn như khi những ngôi sao phát nổ.

Những sự kiện này bắn các hạt nhân nguyên tử trong vũ trụ với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Khi các hạt năng lượng cao này đến Trái Đất, chúng lao vào bầu khí quyển của chúng ta như những viên đạn súng ngắn và "bắn trúng hạt nhân của các nguyên tử khác đang tồn tại trong bầu khí quyển.

Khi những hạt nhân nguyên tử từ không gian va chạm với những nguyên tử đó trong bầu khí quyển của chúng ta với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, chúng sẽ nổ tung, bắn ra các hạt hạ nguyên tử như: electron, positron, neutrino, muon, v.v.

Đây chính xác là những gì các nhà khoa học đang cố gắng tái tạo bên trong các máy gia tốc hạt như Máy va chạm Hadron Lớn (LHC).

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 6.

Vấn đề là một số hạt hạ nguyên tử có vòng đời rất ngắn. Chúng chỉ chợt bị vỡ tung ra trong hàng phần nghìn giây, sau đó lại bị tái hấp thụ vào các hạt lớn khác ngay trong bầu khí quyển

Riêng chỉ có hạt muon - một phiên bản nặng hơn của electron – là đủ nặng và đủ ổn định để vẫn còn tồn tại cho đến được khi chạm tới mặt đất. Những hạt muon đó phóng xuống Trái Đất với tốc độ bằng 98% tốc độ ánh sáng - nhanh đến mức chúng trải qua thời gian giãn nở theo thuyết tương đối hẹp của Einstein.

Về lý thuyết thì hạt muon sẽ bị phân hủy ngay chỉ trong 2 micro giây, với tốc độ xấp xỉ tốc độ ánh sáng, nó cũng chỉ đâm xuyên được 600 mét vào bầu khí quyển. Nhưng bởi thời gian của hạt muon giãn nở, 2 micro giây của nó tương ứng với hàng chục giây trong môi trường Trái Đất.

Điều này cho phép hạt muon sống đủ lâu để các thiết bị của con người thu nhận được. "Ngay lúc này, những hạt muon ấy đang đi qua cơ thể chúng ta. Mỗi giây, bạn vẫn đang hứng tới hàng ngàn hạt muon đâm xuyên qua cơ thể", Cranmer nói.

Và chúng cũng đâm xuyên qua mọi vật thể trên mặt đất khác, bao gồm các kim tự tháp. Trên đường đi đó, hạt muon cũng sẽ bị các vật chất đặc như đá hấp thụ. Còn các khoảng không gian rỗng thì cho phép hạt muon bay qua.

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 7.

Bằng việc đặt các máy dò hạt muon bên trong và phía dưới chân kim tự tháp, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được vô số những bức ảnh âm bản về cấu trúc bên trong kim tự tháp. Dữ liệu từ mỗi tấm ảnh này sau đó được kết hợp với nhau theo từng góc độ để tạo ra một tấm bản đồ mô tả các khoảng trống bên trong của nó.

Và một tấm bản đồ mà các nhà khoa học xây dựng được với Đại kim tự tháp Giza đã tiết lộ hai khoảng trống chưa từng được khám phá trước nay, ngay phía trên Sảnh trưng bày lớn của kim tự tháp và bên cạnh buồng chứa xác ướp pharaoh Khufu.

Ngược lại, một cuộc quét thăm dò kim tự tháp Bent, một kim tự tháp nhỏ hơn ở Ai Cập, không cho thấy nó có bất kể khoảng trống bí ẩn nào chưa được tìm thấy.

Bí ẩn nào đang chờ đợi chúng ta trong những căn phòng đó?

Cần phải nhắc lại một thực tế rằng không có bất kể một lối đi nào dẫn tới hai căn phòng rỗng bí ẩn mới được tìm thấy bên trong Đại kim tự tháp Giza.

Vì Ai Cập không cho phép các tác động phá hủy vào kim tự tháp, hiện tại không có cách nào để mở được một lối đi tới đó. Do đó, phát hiện về hai căn buồng rỗng bây giờ đang đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Một giả thuyết rất thú vị cho rằng hai căn buồng này là nơi chứa đựng những kho báu của kim tự tháp. Và vì không hề có lối đi tới đó, các kho báu này sẽ trường tồn được qua những cuộc lục soát và cướp phá diễn ra liên tục trong hàng thiên niên kỷ.

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 8.
Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 9.

Aidan Dodson, một nhà Ai Cập học tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, suy đoán các căn phòng này cũng có thể hoạt động giống như một loại "buồng giảm áp". Vì chúng ở phía trên Sảnh trưng bày lớn, một khoảng không thay vì các khối đá sẽ giúp làm giảm trọng lượng đè lên cấu trúc bên dưới, giúp trần Sảnh trưng bày lớn đỡ nặng hơn.

Nếu vậy, hai căn phòng về cơ bản cần phải trống rỗng hoàn toàn và không chứa bất kể một kho báu nào cả.

Một giả thuyết thứ ba được đưa ra bởi Jean-Pierre, một kiến trúc sư người Pháp, cho rằng các căn phòng này là một phần của hệ thống đối trọng khổng lồ, thứ mà người Ai Cập cổ đại đã dùng để xây dựng kim tự tháp.

Một phòng đối trọng cho phép họ lắp đặt các hệ thống cẩu đá lên cao. Và bởi hai căn phòng trống mới được tìm thấy còn cao hơn cả phòng của nhà vua, chúng có thể đã được sử dụng để cất nóc, đặt những khối đá trên đỉnh kim tự tháp.

Vậy thì giả thuyết nào đúng? Chúng ta chưa biết. Chỉ có một điều chắc chắn, để giải mã được những bí ẩn đó, các nhà khoa học sẽ phải thực hiện thêm nhiều cuộc điều tra bằng tia vũ trụ. Đó vẫn là công cụ hiện đại nhất mà chúng ta có được ở thời điểm này, để nhìn sâu vào bên trong các cấu trúc khổng lồ mà không cần phải phá hủy nó.

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 10.
Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 11.

Một nhóm các nhà khoa học mới đây đã đề xuất một kế hoạch quét lại Đại kim tự tháp Giza bằng tia vũ trụ - lần này với một hệ thống phân tích hạt muon mạnh và có độ phân giải cao hơn.

"Chúng tôi dự định triển khai một hệ thống kính thiên văn có độ nhạy gấp 100 lần so với thiết bị gần đây được sử dụng tại Đại Kim tự tháp", họ viết trong bài báo trước xuất bản công bố trên máy chủ arXiv.

"Vì các máy dò chúng tôi đề xuất rất lớn, chúng không thể được đặt bên trong kim tự tháp. Do đó, cách tiếp cận của chúng tôi là đặt chúng ra bên ngoài và di chuyển chúng dọc theo chân đế. Bằng cách này, chúng tôi có thể thu thập hạt muon từ mọi góc độ để xây dựng lên những mô hình dữ liệu cần thiết".

"Việc sử dụng kính thiên văn muon siêu lớn đặt bên ngoài [Đại Kim tự tháp] có thể tạo ra hình ảnh cho độ phân giải cao hơn nhiều, dựa trên số lượng lớn các hạt muon được phát hiện".

Alan Bross, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Fermi, đại diện cho nhóm nghiên cứu cho biết ở độ phân giải này, họ có thể soi được cả vào các hiện vật bên trong hai căn phòng trống của kim tự tháp.

Nếu vậy, việc nó có phải là một căn phòng chứa kho báu hay không sẽ được làm sáng tỏ. Hình ảnh có độ phân giải cao cũng sẽ giúp kiểm tra các giả thuyết mà Dodson và Jean-Pierre đưa ra.

Tia vũ trụ tiết lộ bí ẩn về 2 căn phòng không có lối vào trên Kim tự tháp Giza - Ảnh 13.

Hiện kế hoạch nghiên cứu của Bross và các cộng sự đã được Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập phê duyệt. Họ đang tiến hành các công tác tài chính để chuẩn bị cho kế hoạch của mình.

"Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà tài trợ cho toàn bộ dự án", Bross nói. "Một khi có đủ kinh phí, chúng tôi dự tính sẽ mất thêm khoảng hai năm để chế tạo các thiết bị dò tìm".

Sau đó, các kính thiên văn và thiết bị thu thập hạt muon sẽ được cho chạy trong vòng 2-3 năm để thu thập đủ dữ liệu. Như vậy, bí ẩn về những căn phòng trống bên trong Đại kim tự tháp Giza sẽ vẫn tồn tại ít nhất 5 năm nữa – trước khi những dữ liệu mới tiết lộ nó thực sự là gì và có gì trong hai căn phòng đó?

Tham khảo Livescience, Nature, Vox

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại