Tia hy vọng le lói của ông trùm bia Sabeco, Heineken...: Một kênh bán hàng tăng trưởng hơn 150%, Gen Z cực ưa chuộng

Hoàng Thuỳ |

Dữ liệu do YouNet ECI thu thập và xử lý chỉ ra doanh thu nhóm ngành hàng đồ uống có cồn trên các sàn TMĐT vẫn tăng trưởng 12% trong 6 tháng cuối năm 2023 so với 6 tháng trước. Nếu chỉ tính riêng sàn Shopee thì tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bia lên đến 154%.

Theo các thông tin trước đó, bao gồm báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và báo cáo từ Hiệp Hội Bia - Rượu - Nước Giải Khát Việt Nam, đồng loạt chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu trong năm 2023 của ngành bia rượu bao gồm: nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho bia rượu và giá thuê mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến kênh on-trade.

Giữa các khó khăn này, dữ liệu do YouNet ECI thu thập và xử lý chỉ ra doanh thu nhóm ngành hàng đồ uống có cồn trên các sàn TMĐT vẫn tăng trưởng 12% trong 6 tháng cuối năm 2023 so với 6 tháng trước (mặc dù 6 tháng đầu năm 2023 có Tết Nguyên Đán là cao điểm của ngành hàng).

Trong đó, riêng các doanh nghiệp bia kinh doanh trên các sàn đạt tổng doanh thu 351 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy con số này còn rất khiêm tốn so với tổng dung lượng thị trường bia nhưng quan trọng là mức tăng trưởng doanh thu 11% trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu.

Tia hy vọng le lói của ông trùm bia Sabeco, Heineken...: Một kênh bán hàng tăng trưởng hơn 150%, Gen Z cực ưa chuộng- Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng nhóm ngành hàng đồ uống có cồn trên E-commerce nửa cuối năm 2023 vs nửa đầu năm 2023 (YouNet ECI, 2023)

Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng sàn Shopee thì tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bia lên đến 154%: từ vỏn vẹn 34,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, vọt lên 88,7 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Lý giải cho sức tăng trưởng ấn tượng này, ông Nguyễn Phương Lâm - Trưởng bộ phận Phân tích Thị trường TMĐT của công ty YouNet ECI, chỉ ra ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất là nỗ lực tìm ra kênh tăng trưởng bù số cho kênh truyền thống của nhiều nhãn hàng bia mùa cuối năm. Các nhãn hàng này đã đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, khuyến mãi trên các sàn TMĐT, đặc biệt là trên Shopee Mall.

Tiêu biểu trong đó là Sabeco. Nhà sản xuất này chỉ mới mở gian hàng Shopee Mall hồi tháng 11/2023 nhưng nhờ sự kết hợp giữa chiến lược khuyến mãi dồn dập và thương hiệu mạnh, doanh thu trên TMĐT của nhãn hàng này đã tăng 9,5% trong vòng 1 tháng 12/2023. Sabeco lọt vào top 5 nhãn hàng bia bán chạy nhất trên TMĐT năm 2023 và dòng Saigon Lager cũng lọt top 6 sản phẩm đồ uống có cồn bán chạy nhất.

Sabeco dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade) trong khi Sabeco tương đối mạnh hơn ở kênh off-trade. Mặc dù một lượng nhỏ bia được bán qua các nền tảng thương mại điện tử này vào năm 2023, công ty hy vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024.

Tia hy vọng le lói của ông trùm bia Sabeco, Heineken...: Một kênh bán hàng tăng trưởng hơn 150%, Gen Z cực ưa chuộng- Ảnh 2.

Doanh thu năm 2023 của top các nhãn hàng bia trên TMĐT (bên phải) so với kênh offline (bên trái).

“Người tiêu dùng ngày nay quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm khi mua sắm. Họ muốn mua từ các shop chính hãng vì nỗi lo hàng giả hoặc hàng quá hạn. Đây là tín hiệu cho các nhãn hàng đẩy mạnh shop chính hãng ở trên sàn thương mại điện tử vì dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang rất tin tưởng lựa chọn mua sắm từ các kênh này”, ông Nguyễn Phương Lâm cho biết.

Thứ hai là các chương trình khuyến mãi lớn của sàn, của nhãn hàng trên sàn đang tạo lực hấp dẫn cho người tiêu dùng. Dữ liệu của YouNet ECI cho thấy trung bình trong các tuần có sự kiện Siêu Sale trên các sàn (10/10, 11/11, 12/12, v.v…) ngành hàng bia thu về 8,1 tỷ đồng/tuần - cao hơn 35% so với các tuần bình thường, không có sự kiện.

Như vậy, các sự kiện Siêu Sale trên sàn vẫn đang là một yếu tố kích cầu tốt đối với người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ thắt lưng buộc, giảm chi tiêu hiện nay.

Và yếu tố thứ ba được ông Lâm chỉ ra là sự quen thuộc của đối tượng khách hàng Gen Z, Gen Y với thương mại điện tử.

“Đối với những nhóm đối tượng này thì nhanh chóng và tiện lợi sẽ là những nhu cầu thiết yếu. Đặc trưng của thương mại điện tử là có thể đáp ứng được những nhu cầu này với những dịch vụ thanh toán không tiền mặt và giao hàng nhanh”.

“Ngoài ra, Gen Z cho thấy họ sẽ hơi khó để trung thành với lại một nhãn hàng mà sẽ có xu hướng chuyển đổi thường xuyên. Dữ liệu của YouNet ECI cho biết là đang có đến >500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán ở trên các sàn E-com, trong khi trung bình một siêu thị truyền thống chỉ có khoảng 60 nhãn hàng thì có nghĩa là danh mục sản phẩm ở trên E-com đa dạng hơn rất nhiều”.

“Bằng chứng là nếu như chúng ta nhìn vào những dòng sản phẩm bia bán chạy nhất ở trên TMĐT thì sẽ thấy có sự xuất hiện trong top của Tiger Crystal, Heineken Silver hoặc là Chill Cocktail là những dòng sản phẩm nhắm đến nhóm khách hàng Millennial hoặc Gen Z”.

Tia hy vọng le lói của ông trùm bia Sabeco, Heineken...: Một kênh bán hàng tăng trưởng hơn 150%, Gen Z cực ưa chuộng- Ảnh 3.

Top các dòng sản phẩm bia và cider bán chạy nhất trên các sàn E-commerce năm 2023 (YouNet ECI, 2023).



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại