Tỉ phú giàu thứ hai Ấn Độ dính nghi án “âm mưu hối lộ khủng khiếp”: Vốn hóa tập đoàn bay 26 tỉ USD, tương lai u ám bủa vây

Hồng Anh |

Hồi năm 2020, một công ty năng lượng tái tạo của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã từng giành được gói thầu phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất từ trước đến nay, tuy nhiên các công tố viên Mỹ cho rằng ông Adani đã hối lộ quan chức chính phủ để thỏa thuận trót lọt.

Vụ việc chấn động

Người đứng đầu một công ty năng lượng Ấn Độ trị giá 25 tỉ USD, cựu giám đốc điều hành của một công ty năng lượng niêm yết tại New York và một trong những người đàn ông giàu nhất châu Á đã lên lịch gặp mặt tại New Delhi để thảo luận về công việc kinh doanh.

Để chuẩn bị cho cuộc họp này, ông Vneet Jaain, giám đốc điều hành của Adani Green Energy, đã sử dụng điện thoại di động của mình để chụp ảnh một tài liệu.

Theo văn phòng công tố viên tại Quận Đông New York (Mỹ), tài liệu này tóm tắt số tiền mà công ty năng lượng Ấn Độ dùng để hối lộ các quan chức chính phủ Ấn Độ.

Điện thoại và các thiết bị điện tử khác của ông Jaain đã bị tịch thu làm bằng chứng trong cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của các công tố viên Mỹ. Trong bản cáo trạng hôm 20/11 tại một tòa án liên bang ở New York, các bằng chứng này đã được đưa ra cùng với các cáo buộc liên quan đến một âm mưu hối lộ và gian lận lớn.

Các công tố viên Mỹ cũng cáo buộc Gautam Adani, người giàu thứ hai Ấn Độ, đã đích thân gặp gỡ các quan chức chính phủ Ấn Độ để xúc tiến “âm mưu hối lộ” này.

Theo bản cáo trạng của phía Mỹ, khoảng 265 triệu USD đã đến tay các quan chức Ấn Độ để “thuyết phục” các công ty phân phối điện thuộc sở hữu nhà nước mua điện năng lượng mặt trời từ Adani và các công ty liên quan với giá cao hơn giá trị thị trường.

Bản cáo trạng cũng nêu ra một loạt bằng chứng mà Adani và các giám đốc điều hành của ông để lại, chẳng hạn như các slide thuyết trình và bảng tính. Một tài liệu được cho là tiết lộ về khoản hối lộ 7 triệu USD nhằm đảm bảo một thỏa thuận mua 650 megawatt điện, và một khoản hối lộ 76 triệu USD khác cho một hợp đồng mua 2,3 gigawatt điện.

Các công tố viên Mỹ cũng đã thành công trong việc xin được lệnh bắt giữ tỉ phú này từ tòa án liên bang.

Tại sao các cơ quan chức năng của Mỹ tham gia vụ việc này?

Vị tỉ phú 62 tuổi này cùng những nhân vật liên quan bị cáo buộc lừa dối các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế khi huy động hơn 3 tỷ USD vốn để tài trợ cho các hợp đồng năng lượng nói trên.

Ông Breon Peace, Công tố viên liên bang phụ trách Quận Đông New York, cho biết: “Theo cáo buộc, các bị cáo đã dàn dựng một kế hoạch tinh vi để hối lộ các quan chức chính phủ Ấn Độ nhằm đảm bảo các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Các bị cáo Gautam S. Adani, Sagar R. Adani và Vneet S. Jaain đã nói dối về kế hoạch hối lộ khi tìm cách huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế”.

Còn theo ông James Dennehy, trợ lý giám đốc FBI, thì: “Ông Adani và các bị cáo khác cũng lừa đảo các nhà đầu tư bằng cách huy động vốn dựa trên các tuyên bố sai sự thật về hối lộ và tham nhũng. Trong khi đó, các bị cáo khác bị cáo buộc đã cố gắng che giấu âm mưu hối lộ bằng cách cản trở cuộc điều tra của chính phủ Mỹ.”

Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ cũng vào cuộc, gọi hành động của Adani và hai nhân vật liên quan là “một âm mưu hối lộ lớn”.

Trong tuyên bố giải thích về thẩm quyền và nguyên nhân của cuộc điều tra, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ nêu rõ: “Trong suốt quá trình thực hiện âm mưu hối lộ, Adani Green đã huy động được hơn 175 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ và cổ phiếu của Azure Power đã được giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York".

Phía Adani nói gì?

Phát ngôn viên của Adani Group khẳng định những cáo buộc do Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ đưa ra đối với các giám đốc của Adani Green Energy là "vô căn cứ và không đúng sự thật".

Theo đó, phát ngôn viên của Adani Group khẳng định với các nhà đầu tư rằng tập đoàn này “luôn cam kết duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị, minh bạch và tuân thủ quy định trên tất cả các khu vực pháp lý của hoạt động kinh doanh”.

“Chúng tôi đảm bảo với các bên liên quan, đối tác và nhân viên rằng chúng tôi là một tổ chức tuân thủ pháp luật, hoàn toàn tuân thủ mọi luật lệ.”

Azure Power cho biết công ty vẫn tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng của Mỹ và các nhân viên được nhắc đến trong bản cáo trạng của Mỹ không còn liên quan đến công ty nữa.

Vụ việc tác động đến Adani ra sao?

Bên cạnh việc giá cổ phiếu giảm mạnh khiến Adani Enterprises mất gần một phần tư vốn hóa thị trường (tương đương 26 tỉ USD), vụ việc còn có những tác động rộng hơn nữa.

Các nhà đầu tư vào trái phiếu của Adani cũng đã phải chịu tình trạng mức giá giảm mạnh sau khi những tin tức về bản cáo trạng xuất hiện. Ngoài ra còn có những lo ngại về việc liệu các công ty thuộc tập đoàn Adani còn có thể huy động vốn tại các thị trường của Mỹ trong tương lai hay không.

Theo Moody's, một công ty xếp hạng tín dụng: “Bản cáo trạng buộc tội hối lộ đối với chủ tịch Adani Group và các lãnh đạo cấp cao khác về tội hối lộ là thông tin tiêu cực đối với các công ty của tập đoàn này.”

“Trọng tâm chính của chúng tôi khi đánh giá Adani Group là khả năng tiếp cận vốn của các công ty thuộc tập đoàn này nhằm đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản và các hoạt động quản trị của họ,” Moody’s cho biết.

Adani Group cũng buộc phải hủy bỏ kế hoạch bán trái phiếu trị giá 600 triệu USD vào ngày 21/11.

Ngay cả những người tin tưởng vào Adani cũng có vẻ như đang xem xét lại việc họ ủng hộ tập đoàn này.

GQG Partners, công ty từng rót 1,9 tỷ USD vào các công ty thuộc tập đoàn Adani bất chấp cuộc tấn công của những người bán khống vào năm 2023, mới đã nói với các nhà đầu tư rằng họ đang “xem xét các thông tin mới nhất và xác định xem có hành động nào phù hợp cho danh mục đầu tư của chúng tôi hay không.”

Cổ phiếu niêm yết của công ty quản lý đầu tư này tại Sydney cũng đã mất 20% giá trị trong ngày 21/11 vừa qua.

Những ảnh hưởng sâu rộng hơn

Những cáo buộc về lãnh đạo của Adani cũng có thể có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài và đe dọa đẩy nhanh dòng vốn rút khỏi Ấn Độ. Trong tháng 10 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút số tiền kỷ lục khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ, và có vẻ kịch bản này sẽ lặp lại trong tháng 11.

“Các cáo buộc hối lộ tại Mỹ đối với Gautam Adani càng làm phức tạp thêm tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến Ấn Độ,” Matt Orton, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Raymond James, nói với CNBC.

“Mặc dù việc giảm 10% trên chỉ số Nifty mang đến cho các nhà đầu tư một cơ hội hiếm có để xuống tiền, nhưng các cáo buộc đối với Adani sẽ tạo ra một gánh nặng đáng kể lên tâm lý thị trường. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tại sao lại thêm rủi ro từ các tiêu đề tin tức ở Ấn Độ vào lúc này?”

Cũng theo ông Orton, một số cổ phiếu Ấn Độ vẫn hấp dẫn mặc dù tâm lý chung đang tiêu cực.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại về các tổ chức cho vay có liên quan đến Adani Green Energy, công ty đang bị chú ý. Một ước tính của các nhà phân tích tại Citi cho thấy các ngân hàng Ấn Độ có khoản vay và tín dụng cầm cố trị giá hơn 15 tỷ USD, trong đó Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ là chủ nợ của phần lớn khoản nợ này.
Trong khi đó, DBS Group có trụ sở tại Singapore trước đây đã tiết lộ khoản cho vay gần 1 tỷ USD cho các công ty khác thuộc tập đoàn Adani. DBS từ chối bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, không chỉ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính chịu áp lực. Các cơ quan quản lý ở Ấn Độ cũng bị chỉ trích nặng nề vì liên quan đến Adani.
"Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tuyên bố rằng [Adani] đã phạm tội hình sự. Tại sao Cục Điều tra Trung ương của [Ấn Độ] lại không tuyên bố như vậy? Tại sao SEBI không nói như vậy?", lãnh đạo phe đối lập Ấn Độ Rahul Gandhi đặt câu hỏi, ám chỉ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI).

Đầu năm nay, chủ tịch cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, Madhabi Buch, đã bị cáo buộc có xung đột lợi ích khi điều tra các công ty thuộc tập đoàn Adani, theo báo cáo của Hindenburg, một công ty bán khống. Hiện tại, các chính trị gia đang kêu gọi cách chức bà này.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại