‘Thuyền hình’ – Vũ khí răn đe đáng sợ ở Ba Tư cổ xưa

Thùy Dương |

Chứng kiến cái chết kéo dài và đau đớn của những người bị thuyền hình là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Hình thức tra tấn này gieo rắc nỗi sợ hãi và lo lắng trong cộng đồng.

Thuyền hình (scaphism) là một từ khiến người ta rùng mình. Đây là một trong những phương pháp trừng phạt khủng khiếp và kinh hoàng nhất từng được nghĩ ra. Thuyền hình không chỉ đơn thuần là một hình thức hành hạ thể xác mà còn là gây ra những cơn đau thống khổ kéo dài.

Thuyền hình là gì?

‘Thuyền hình’ – Vũ khí răn đe đáng sợ ở Ba Tư cổ xưa- Ảnh 1.

Tranh vẽ mô tả nạn nhân bị tra tấn bằng thuyền hình. Ảnh: historydefined

Thuyền hình là một hình thức tra tấn, còn được gọi là “chiếc thuyền” và nó có nguồn gốc từ Ba Tư.

Bản thân từ scaphism có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó “skaphe” có nghĩa là rỗng hoặc khoét ra. Đúng như nghĩa đên của từ này, thuyền hình là hình thức giam nạn nhân trong hai chiếc thuyền hoặc thùng gỗ rỗng úp vào nhau.

Các thuyền hoặc thùng gỗ này có hình dáng phù hợp với cơ thể người, sao cho nạn nhân nằm trong đó vẫn lộ đầu, tay và chân. Sau đó, người ta kẹp chặt nạn nhân giữa hai cái thuyền úp lên nhau, khiến nạn nhân bị hạn chế khả năng di chuyển và hoàn toàn bất lực, không thể kháng cự.

Để phương pháp này có hiệu quả, người ta thực hiện ở một đầm lầy hoặc một nơi nào đó mà có nắng chiếu trực tiếp. Sau khi bị kẹp chặt vào thuyền, chỉ hở đầu, tay và chân, nạn nhân sẽ buộc phải ăn hỗn hợp sữa và mật ong. Khi buộc phải nuốt trái ý muốn, hỗn hợp này sẽ văng ra khắp nơi, phủ kín mắt, mặt và cổ. Sau đó, người ta phết hỗn hợp này khắp các bộ phận cơ thể lộ ra ngoài và mục đích là để thu hút mọi loại côn trùng, sâu bọ và động vật hoang dã trong khu vực. Không lâu sau đó, ruồi và chuột sẽ xuất hiện và bắt đầu tấn công nạn nhân, ăn hỗn hợp sữa và mật ong, đồng thời ăn thịt cả người còn sống trong quá trình đó.

Không chỉ bị lũ chuột bọ ăn sống, nạn nhân còn bị tiêu chảy nặng khiến họ cảm thấy yếu ớt và mất nước. Triệu chứng kinh hoàng này là hậu quả có chủ ý khi họ bị ép ăn sữa và mật ong. Càng ăn nhiều hỗn hợp này, họ càng đi đại tiện bên trong thuyền nhiều hơn nhưng đồng thời, họ cũng sống sót lâu hơn. Chính điểm này là khía cạnh tàn nhẫn nhất nhưng hiệu quả nhất của thuyền hình: nạn nhân không thể chết vì mất nước do tiêu chảy vì họ vẫn ăn sữa và mật ong mỗi ngày. Kết quả là nạn nhân có thể sống sót trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trong một địa ngục nhỏ đầy bọ, phân, sữa và mật ong.

Họ bị các loài sâu bọ khác từ từ xâm nhập vào cơ thể và ăn thịt từ bên trong. Cuối cùng thì đây chính là thứ đã giết chết nạn nhân. Khi người ta tách hai chiếc thuyền ra, cơ thể nạn nhân ở trong tình trạng bị ăn thịt một nửa.

Nỗi đau tâm lý khi phải chịu đựng cái chết kéo dài và tàn bạo như vậy khiến nạn nhân bất lực cầu xin chết nhanh chóng. Nạn nhân điển hình của thuyền hình là một người lính Ba Tư trẻ tuổi tên là Mithridates, chết vào khoảng năm 401 trước Công nguyên. Anh này bị kết án tử hình vì vô tình giết chết "Cyrus the Younger", em trai của Vua Artaxerxes II và là người muốn đoạt ngai vàng. Vua Artaxerxes thực sự biết ơn người lính này vì đã giết được mối đe dọa với mình và đã bí mật che giấu cho anh ta, nhưng khi Mithridates quên mất thỏa thuận và bắt đầu khoe khoang về việc đã giết Cyrus, anh ta ngay lập tức bị kết án. Theo ghi chép của Plutarch, nhà viết tiểu sử người Hy Lạp, người lính này đã bị thuyền hình 17 ngày rồi mới chết.

Một số người cho rằng thuyền hình là một phương pháp hành quyết thực sự tồn tại ở Ba Tư cổ đại, nhưng khẳng định rằng hình thức này chỉ được sử dụng đối với những tên tội phạm đáng bị trừng phạt nhất, từ những kẻ phản bội vua cho đến những kẻ giết người tàn nhẫn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý. Nhiều học giả cho rằng thuyền hình là điều hoàn toàn hư cấu.

Bối cảnh lịch sử và nguồn gốc

‘Thuyền hình’ – Vũ khí răn đe đáng sợ ở Ba Tư cổ xưa- Ảnh 2.

Tranh vẽ mô tả nạn nhân bị tra tấn bằng thuyền hình. Ảnh: historydefined

Để hiểu đầy đủ sự khủng khiếp của thuyền hình và lý do tại sao người ta dùng làm phương pháp tra tấn, chúng ta phải quay ngược thời gian về Ba Tư cổ đại, nơi thuyền hình xuất hiện lần đầu tiên.

Nguồn gốc của thuyền hình có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Đây là thời kỳ mà con người phát minh ra những cách tra tấn mới giống như những thiết bị công nghệ tiên tiến ngày nay.

Mặc dù bản thân thuyền hình chủ yếu gắn liền với các tập tục của người Ba Tư, nhưng các hình thức của phương pháp tra tấn tương tự đã được các nền văn minh cổ đại khác áp dụng. Các kỹ thuật và vật dụng dùng để giữ chặt nạn nhân có thể khác nhau. Tuy nhiên, các hành vi kẹp chặt nạn nhân và khiến họ phải chịu hành hạ đau đớn, kéo dài do bị côn trùng và động vật cắn xé đã tồn tại hàng nghìn năm. Có vẻ như sự trao đổi văn hóa cũng khiến những kỹ thuật tra tấn khủng khiếp lan truyền.

Thuyền hình không chỉ đơn thuần là một phương tiện trừng phạt các cá nhân. Hình thức này phục vụ một mục đích kép vừa là vũ khí răn đe vừa là vũ khí tâm lý.

Những cuộc hành hình công khai này nhằm gửi một thông điệp lạnh lùng về hậu quả của việc vi phạm pháp luật. Ngoài những đau khổ về thể xác gây ra cho những người bị kết án, tác động tâm lý của thuyền hình còn lan khắp cộng đồng.

Thuyền hình đã trở thành một phần của hệ tư tưởng văn hóa, giống như hình phạt tử hình ngày nay được sử dụng để ngăn chặn tội phạm.

Vào thời cổ đại, các cuộc hành quyết công khai là một cảnh tượng mà người ta có thể đưa cả gia đình đến xem. Trên thực tế, các gia đình được khuyến khích tham dự để nhắc nhở về những gì có thể xảy ra nếu họ vi phạm pháp luật.

Chứng kiến cái chết kéo dài và đau đớn của những người bị thuyền hình là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Hình thức tra tấn này gieo rắc nỗi sợ hãi và lo lắng trong cộng đồng.

Thuyền hình vượt qua thể xác để tấn công mạnh vào tâm lý. Khi biết rằng cái chết không đến ngay lập tức mà là chết từ từ, không thể tránh khỏi, khiến nạn nhân rơi vào nỗi thống khổ địa ngục, làm tăng thêm chấn thương tâm lý.

Về bản chất, thuyền hình là một công cụ chiến lược để những người nắm quyền duy trì trật tự xã hội thông qua nỗi sợ hãi. Sự tàn ác có chủ ý của hình thức tra tấn này không chỉ để trừng phạt mà còn để lại dấu ấn trong tâm trí những người chứng kiến.

Điều này đảm bảo rằng ký ức về hình phạt đó sẽ đọng lại để ngăn người ta có những hành vi vi phạm trong tương lai. Những vết sẹo tâm lý do thuyền hình để lại cũng mạnh mẽ, nếu không muốn nói là hơn cả sự dày vò về thể xác. Điều này khiến thuyền hình trở thành một vũ khí thực sự đáng gờm trong kho vũ khí dùng để kiểm soát thời xưa.

Ngày nay, phần lớn biện pháp tra tấn man rợ đã bị bãi bỏ nhưng vẫn có thể thấy bóng dáng tác động về tâm lý và thể xác trong các hình thức tử hình hiện đại.

Các phương pháp tử hình đã phát triển theo hướng nhân đạo hơn nhưng mục đích cơ bản vẫn bắt nguồn từ ngăn chặn tội phạm hình sự.

Ngay cả khái niệm hành quyết công khai cũng không thay đổi nhiều. Tại Mỹ, ngày nay các vụ hành quyết công khai vẫn diễn ra dưới hình thức mời gia đình nạn nhân đến quan sát sau bức tường kính.

Sự công khai này cũng tương tự các vụ hành quyết công khai thời xưa. Cảnh tượng này không chỉ là một phương tiện trừng phạt mà còn là một lời cảnh báo rõ ràng cho những kẻ có khả năng phạm tội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại