Thụy Sỹ chính thức hủy đơn xin gia nhập EU

Tuệ Minh |

Thượng viện Thụy Sỹ ngày 15/6 đã bỏ phiếu hủy đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu từ năm 1992 của nước này, ủng hộ quyết định trước đó của Hạ Viện. Cuộc bỏ phiếu này diễn ra chỉ một tuần trước khi Anh quyết định có ở lại EU hay không.

27 thành viên Thượng viện, Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ đã bỏ phiếu tán thành quyết định hủy bỏ đơn xin gia nhập EU kéo dài tới 24 năm của nước này so với 13 thượng nghị sĩ phản đối, 2 phiếu trống. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, Didier Burkhalter cho biết sau khi bỏ phiếu, nước này sẽ chính thức gửi thông báo lên EU để liên minh này cân nhắc việc rút đơn.

Việc hủy bỏ này ban đầu do thành viên đảng cộng hòa bảo thủ, ông Lukas Reimann đề xuất. Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp Hạ viện hồi tháng 3 với 123 phiếu đồng thuận và 46 phiếu phản đối.

Thomas Minder, người đứng đầu bang Schaffhausen và là người cổ vũ tích cực cho mô hình “toàn Thụy Sỹ”, cho biết ông luôn sẵn sàng “đóng chủ đề này lại một cách nhanh chóng và không gây tổn thất” vì bây giờ chỉ có một vài “kẻ mất trí” mới muốn gia nhập EU.

Hannes Germann, cũng là chính trị gia đại diện Schaffhausen, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu này, so sánh với quyết định không gia nhập EU của Iceland năm 2015. “Iceland đã rất dũng cảm và rút đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu, vì vậy không có ngọn núi lửa nào bùng lên cả”, ông nói đùa.

Đơn xin gia nhập EU từ lâu của Thụy Sỹ không có mấy tác động đến nền chính trị của quốc gia này hơn 20 năm qua khi các cuộc đàm phán bị treo từ năm 1992 do kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân Thụy Sỹ không muốn có quan hệ “thân thiết” hơn với khu vực kinh tế chung châu Âu.

Một số chính trị gia thậm chí còn cho rằng việc bỏ phiếu này là một thủ tục không cần thiết và không có ý nghĩa vì EU từ lâu đã không coi Thụy Sỹ là ứng viên chính thức muốn gia nhập khối này. Dù không phải là thành viên EU, song Thụy Sỹ vẫn tham gia khối tự do thương mại và tự do đi lại cho người dân với các khu vực khác thuộc khối Schengen.

Ngày 23/6 tới, Anh cũng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định việc đi hay ở lại EU. Theo khảo sát ban đầu, hai phe đi và ở đang có tỷ lệ tương đối ngang nhau, với những người muốn nước Anh rời EU có phần nhỉnh hơn một chút.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại