Thụy Điển và Phần Lan xin vào NATO: Nga nói về "hậu quả đáng tiếc" trong vấn đề chủ quyền

Tất Đạt |

Nga phản ứng thế nào về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển?

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn chính thức để gia nhập NATO. Bước đi này đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh và gọi nó là bước tiến lịch sử.

Ông cũng lưu ý rằng khối này "quyết tâm" làm việc để giải quyết tất cả các vấn đề nhằm hoàn thành nhanh chóng quy trình. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh một thực tế là các thành viên NATO không thể hiện sự đồng thuận về việc gia nhập liên minh của các thành viên mới.

RT dẫn các phương tiện truyền thông địa phương cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn các cuộc đàm phán để thảo luận về đơn đăng ký vì Ankara cho rằng các ứng cử viên mới ủng hộ các tổ chức mà họ coi là khủng bố.

Đồng thời, các chuyên gia nhận định, ngay cả khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập hàng ngũ NATO, việc này cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Nga, vì một số vùng thuộc khu vực Baltic và Moscow đã thực hiện những biện pháp cần thiết để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn.

Đơn xin gia nhập NATO

Các Đại sứ của Phần Lan và Thụy Điển tại NATO Klaus Korhonen và Axel Wernhoff đã đệ trình đơn chính thức xin gia nhập liên minh này. Các tài liệu đã được trao cho Tổng thư ký khối Jens Stoltenberg tại một buổi lễ được phát trực tuyến bởi cơ quan báo chí của NATO. Tổng Thư ký NATO hoan nghênh quyết định của Helsinki và Stockholm, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử.

Thụy Điển và Phần Lan xin vào NATO: Nga nói về hậu quả đáng tiếc trong vấn đề chủ quyền - Ảnh 1.

"Tôi nhiệt liệt hoan nghênh yêu cầu của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Các bạn là đối tác thân thiết nhất của chúng tôi. Và việc các bạn trở thành thành viên NATO sẽ củng cố an ninh chung của chúng ta", ông Stoltenberg nói.

Ông lưu ý rằng các thành viên của liên minh sẽ xem xét các bước tiếp theo để cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối.

Ông Stoltenberg giải thích: "Lợi ích an ninh của tất cả các đồng minh phải được tính đến. Và chúng tôi quyết tâm giải quyết tất cả các vấn đề và hoàn thành nhanh chóng quy trình".

Đồng thời, Tổng Thư ký liên minh nhấn mạnh trong những ngày gần đây, nhiều đồng minh đã bày tỏ cam kết đảm bảo an ninh của Phần Lan và Thụy Điển.

"NATO đã đảm bảo được an toàn ở khu vực Biển Baltic, các lực lượng NATO và Đồng minh sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động khi cần thiết," Stoltenberg nói.

Đơn xin gia nhập của Phần Lan đã được Bộ trưởng Ngoại giao nước này Pekka Haavisto ký sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö chính thức thông qua quyết định của quốc hội về việc gia nhập liên minh NATO (với 188 đại biểu bỏ phiếu thuận, 8 phiếu chống).

Cùng ngày, Thụy Điển cũng nộp đơn. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh, Ann Linde, đã thông báo về việc ký kết văn kiện trên Twitter. Trước đó, ngày 15/5, quyết định xin gia nhập khối NATO đã được Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển cầm quyền công bố. Vào ngày 16/5, đã có một cuộc tranh luận tại quốc hội về vấn đề này, nhưng không cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện.

Đơn xin gia nhập của các quốc gia đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh, lưu ý rằng Phần Lan và Thụy Điển là những đối tác lâu đời và đáng tin cậy của Mỹ.

Thụy Điển và Phần Lan xin vào NATO: Nga nói về hậu quả đáng tiếc trong vấn đề chủ quyền - Ảnh 2.

Đại sứ Phần Lan và Thụy Điển tại NATO Klaus Korhonen (trái) và Axel Wernhoff với Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg. Ảnh: AP/Johanna Geron

Trước đó, một số nước NATO đã công khai bày tỏ sẵn sàng ủng hộ việc gia nhập liên minh của các ứng viên mới.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh đến thực tế là không có thỏa thuận nhất trí nào về việc Phần Lan và Thụy Điển nên được chấp nhận vào liên minh giữa các quốc gia thành viên NATO.

Đồng thời, có những vấn đề bất đồng không chỉ ở cấp độ các đồng minh, mà còn trong nội bộ Phần Lan và Thụy Điển.

Cụ thể, ở Thụy Điển, lãnh đạo Đảng Cánh tả Nushi Dadgostar đã chỉ ra yếu tố phi dân chủ khi đưa ra quyết định gia nhập khối vào ngày 16/5 tại một cuộc tranh luận ở quốc hội. Bà tuyên bố rằng ý kiến của cử tri đã không được xem xét, do đó nó "đã làm suy yếu tính hợp pháp của quyết định" và quy trình này "là một sự phản bội đối với cử tri."

Phản đối từ Ankara

Trong khi đó, viễn cảnh cùng là thành viên trong một liên minh với Thụy Điển và Phần Lan lại không được hoan nghênh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, cơ quan DPA dẫn nguồn tin cho biết Ankara đã chặn các cuộc đàm phán về việc các nước này gia nhập NATO.

Ngày 13/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh Ankara "không có quan điểm tích cực" đối với tư cách thành viên tương lai của Stockholm và Helsinki. Ông cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển trợ giúp các tổ chức bị coi là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, vào ngày 16/5, ông Erdogan đã phản ứng khá gay gắt trước những thông tin cho rằng Thụy Điển có ý định cử một phái đoàn tới Ankara để giải quyết những mâu thuẫn hiện có.

"Có vẻ như vào thứ Hai (23/5 - RT) họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đến để thuyết phục chúng tôi ư? Xin lỗi, nhưng tôi không muốn họ làm phiền", ông Erdogan nói.

Ngoài ra, ông lưu ý rằng Ankara không thể nói "đồng ý" với những người "áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ" về vấn đề gia nhập liên minh.

Thụy Điển và Phần Lan xin vào NATO: Nga nói về hậu quả đáng tiếc trong vấn đề chủ quyền - Ảnh 3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: RIA/Sergey Karpukhin

Phần Lan và Thụy Điển đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 sau khi nước này tấn công Syria nhằm đẩy lực lượng YPG của người Kurd ra khỏi biên giới.

Ông Erdogan tái khẳng định quan điểm của mình vào ngày 18/5 tại một cuộc họp của đảng cầm quyền. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ biên giới và củng cố an ninh, đồng thời tận tâm thực hiện các nghĩa vụ của mình trong NATO.

"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ đồng ý với mọi đề xuất sắp tới. Việc mở rộng NATO chỉ có ý nghĩa đối với chúng tôi nếu tính đến các vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Yêu cầu chúng tôi ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đồng thời cung cấp tất cả sự hỗ trợ có thể cho các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố - ví dụ như Đảng Công nhân người Kurd - là hai chuyện không nhất quán," ông giải thích.

Về vấn đề này, Tổng thống Erdogan bày tỏ hy vọng rằng quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được các đồng minh phương Tây lắng nghe.

Trong cuộc họp giao ban ngày 18/5, Jake Sullivan, cố vấn của nhà lãnh đạo Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia, nói rằng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể được giải quyết.

Trong khi đó, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cũng kêu gọi các nước làm theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại một cuộc họp báo vào ngày 18/5, ông tuyên bố rằng ông dự định chỉ thị cho đại diện thường trực của nước cộng hòa này tại NATO, Mario Nobilo, bỏ phiếu chống đối với đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.

Theo ông, việc phủ quyết kết nạp các thành viên mới vào liên minh là cách duy nhất để thu hút sự chú ý đến vấn đề cải cách luật bầu cử ở Bosnia và Herzegovina và bảo vệ quyền của người Croatia.

Không có mối đe dọa lớn

Theo RT, Nga không thấy "có vấn đề gì lớn" đối với việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Đặc biệt, tổng thống Vladimir Putin đã phát biểu điều này tại hội nghị thượng đỉnh CSTO vào ngày 16/5.

"Nga không có vấn đề gì với những quốc gia này, không. Do đó, không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với chúng tôi", Tổng thống Nga lưu ý.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới vùng lãnh thổ của các nước này sẽ vấp phải phản ứng từ Liên bang Nga và phản ứng sẽ tương xứng với các nguy cơ của các mối đe dọa tại đó.

Đồng thời, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö vào ngày 14/5, ông Putin nhấn mạnh rằng việc từ bỏ chính sách trung lập quân sự truyền thống sẽ là sai lầm, vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh đối với Phần Lan.

Theo các chuyên gia Nga, động thái của Stockholm và Helsinki không hoàn toàn mang tính thực tế.

Khi gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển đã "nhượng bộ chủ quyền về mặt an ninh quốc phòng", đặc biệt là xét tới điều 5 của Hiến chương NATO về an ninh của khối.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc Helsinki và Stockholm gia nhập NATO sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình địa chính trị trong khu vực.

"Các nước NATO đã hiện diện ở khu vực Baltic. Nga đã thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa này. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở biên giới với Phần Lan, đồng thời gia tăng khả năng răn đe bằng tên lửa và hạt nhân.

Nhưng quan điểm của lãnh đạo các quốc gia này là điều rất quan trọng. Dựa trên các cuộc tiếp xúc trực tiếp, lãnh đạo các nước này không có ý định thực hiện các động thái thiếu thân thiện. Nếu họ thực hiện các hành động khiêu khích, thì Liên bang Nga sẽ tìm ra các biện pháp quân sự cần thiết," Pavel Feldman, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu và dự báo chiến lược của Đại học RUDN, nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại