Thụy Điển từng cố giành vùng Baltic từ Đế chế Nga như thế nào?

Trung Hiếu |

Thụy Điển giành được chiến thắng hải quân lớn nhất trong lịch sử của mình trước người Nga. Tuy nhiên, điều đó không giúp Thụy Điển tái gia nhập câu lạc bộ các đại quốc.

Trận hải chiến gần Vyborg. Ảnh: Public domain.

Trận hải chiến gần Vyborg. Ảnh: Public domain.

Đế chế Thụy Điển bị Nga thách thức

Trong gần như toàn bộ thế kỷ 17, Thụy Điển tận hưởng vinh quang của vị thế đại cường quốc. Lục quân và hải quân Thụy Điển được coi là mạnh nhất châu Âu, đã giành được một chuỗi các thắng lợi vang dội trong vô số cuộc chiến tranh. Cùng với các chiến thắng đó, Thụy Điển chiếm được nhiều tài sản mới dọc theo bờ biển Baltic, biến vùng biển này thành "một cái hồ" của Thụy Điển.

Nhưng trạng thái này đã thay đổi căn bản trong quá trình diễn ra Đại chiến Bắc Âu (1700-1721), trong đó Thụy Điển giao chiến với liên minh gồm Nga, Đan Mạch, Khối Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva và Saxony. Bất chấp các thành công ban đầu, Thụy Điển đã thất bại trong trận chiến Poltava vào ngày 8/7/1709, rồi hứng chịu thêm các thất bại nữa cả trên bộ và trên biển. Cuối cùng vào năm 1721, Thụy Điển buộc phải ký Hòa ước Nystadt, theo đó Thụy Điển phải nhượng cho Nga các vùng lãnh thổ Livonia (tức miền trung và miền bắc của Latvia ngày nay), Estland (tức Estonia), Ingria (ngày nay là tỉnh Leningrad và thành phố Saint Petersburg), và vùng đông nam Phần Lan.

Thụy Điển quyết phục thù

Ở Stockholm, thất bại trên chỉ được xem như một bước lùi tạm thời. Người Thụy Điển tin rằng họ sẽ nhanh chóng tập hợp lại lực lượng và báo thù. Vấn đề là khi nào mà thôi. Vào năm 1734, tại một cuộc họp của Ủy ban Cơ mật thuộc Quốc hội Thụy Điển (cơ quan chuyên về chính sách đối ngoại và quốc phòng), người ta quyết định làm mọi thứ cần thiết để “đưa nước Nga trở về biên giới trước đây của nó”. Bốn năm sau, các hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh được Thụy Điển khẩn trương triển khai, khi phái cứng rắn muốn chiến tranh với Nga lên nắm quyền. Phái cứng rắn được gọi bằng biệt danh “Mũ”.

Vào ngày 8/8/1741, Vương quốc Thụy Điển tuyên chiến với Nga. Lý do chính thức do họ đưa ra là các sĩ quan Nga vào 2 năm trước đó đã ám sát người đưa thư ngoại giao của Thụy Điển - Malcolm Sinclair – một nhân vật tích cực thúc đẩy hình thành liên minh quân sự Thụy Điển-Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do thứ hai là Nữ hoàng Nga Anna Ioannovna đã áp lệnh cấm lên việc xuất khẩu bánh mì sang nước láng giềng phương bắc. Nữ hoàng Nga làm vậy sau khi bà biết được tài liệu của Sinclair về kế hoạch gây chiến của Thụy Điển.

Trong chiến dịch quân sự lần này, Thụy Điển đặt mục tiêu lấy lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị mất của họ, hoặc tối thiểu tái chiếm Ingria nếu mọi thứ diễn ra không như kế hoạch.

Stockholm tin rằng một cuộc chiến tranh với Nga sẽ diễn ra nhanh chóng và phần thắng sẽ thuộc về họ. Thụy Điển tính toán rằng họ đang có lợi thế vì vào lúc đó Ivan VI trẻ tuổi mới lên ngai vàng tại Nga và một cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra giữa các phái trong triều đình Nga.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ Thụy Điển đã bị vô hiệu hóa nhờ vào tài năng xuất chúng của viên tư lệnh Nga sinh ra ở Ireland, Peter von Lacy. Vào tháng 8/1741, ông này đã đánh tan tác quân địch trong trận chiến Villmanstrand. Đúng một năm sau đó, quân lính của ông đã bao vây và bức hàng lực lượng chủ lực của quân đội Thụy Điển ở Helsingfors (Helsinki). Baron Ivan Cherkasov viết cho Alexey Bestuzhev-Ryumin: “Từ nay trở đi, gần như toàn bộ lãnh thổ của Phần Lan nằm dưới sự kiểm soát của Nga”. Các viên chỉ huy Thụy Điển Henrik Magnuss von Buddenbrock và Karl Emil Loewenhaupt bị quy trách nhiệm về thất bại của quốc gia này – họ bị triệu về nước rồi bị hành quyết.

Theo các điều khoản của Hòa ước Åbo, đạt được vào ngày 3/2/1743, Nga đã trao trả lãnh thổ Phần Lan cho Thụy Điển, ngoại trừ một mảnh đất nhỏ có pháo đài Neishlot (Savolinna). Điều này giúp đẩy biên giới ra xa Saint Petersburg. Ngoài ra, Nữ hoàng Elizabeth Petrovna (người lên ngôi thay thế Ivan VI sau một cuộc đảo chính cung đình) yêu cầu Thái ấp Vương chúa Adolf Frederick của Lübeck được công nhận là người thừa kế ngai vàng của Thụy Điển. Ông ta là chú của Thái tử Karl Peter Ulrich (tương lai là Pi-e Đệ Tam của Nga), người được nữ hoàng Nga chọn làm người kế vị. Người được Elizabeth bảo hộ thực sự đã lên ngôi vua Thụy Điển vào năm 1751 nhưng điều này không mang lại lợi lộc nào cho Nga.

Nỗ lực lần 2 của Thụy Điển, đẫm máu nhưng không xoay chuyển được cục diện

Vào năm 1788, Quốc vương Gustav III thực hiện thêm một nỗ lực nữa để khôi phục lại vị thế đại cường quốc cho Thụy Điển và đẩy Nga ra khỏi bờ biển Baltic. Lần này cách tiếp cận của Thụy Điển cẩn trọng hơn và khôn khéo hơn – họ bắt đầu khai chiến ngay giữa lúc diễn ra cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1787-1791), khi phần lớn lục quân và hải quân Nga bị giữ chặt ở phía nam. Để tạo cớ tuyên chiến, một nhóm quân nhân Thụy Điển mặc quân phục Nga dàn dựng một cuộc tấn công vào biên giới Thụy Điển ở Puumala.

Quân đội Thụy Điển giành được một số chiến thắng ở Phần Lan nhưng vẫn thận trọng khi tiến vào lãnh thổ Nga. Kế hoạch của họ tập trung vào giành chiến thắng trên biển và đổ quân xuống sát Saint Petersburg. Hoạt động quân sự của họ ở vùng Baltic tiếp diễn với các mức độ thành công khác nhau cho đến khi diễn ra trận chiến Vyborg vào ngày 3/7/1790, khi hạm đội Thụy Điển bị chặn lại tại vịnh Vyborg. Mất gần 20 chiến hạm cùng khoảng 5.000 quân, phía Thụy Điển nỗ lực phá vây thành công nhưng đành từ bỏ kế hoạch đánh chiếm thủ đô Nga khi đó.

Nga đang suýt thắng thì hạm đội Thụy Điển làm được điều một khó tin là đánh bại đối phương ở eo biển Svensksund vào ngày 10/7/1790. Hơn 500 chiến hạm thuộc hai bên tham gia trận hải chiến lớn nhất từng thấy ở Biển Baltic. Hạm đội Nga mất 35 tàu, với 7.000 lính thương vong. Thụy Điển bắt được 22 tàu khác của hạm đội Nga. Tổn thất của phía Thụy Điển chỉ là 5 tàu nhỏ.

Vua Gustav III – chỉ huy hạm đội Thụy Điển, viết cho vợ Sofia Magdalena: “Cảnh tượng tiêu diệt quân thù thật khủng khiếp. Những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến thật đáng sợ. Màn đêm buông xuống, khắp nơi là cảnh lửa cháy và tiếng kêu rên... Ta hy vọng rằng nếu tiếp tục như vậy chúng ta có thể khiến Nữ hoàng Catherine II tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta và chấp nhận theo đuổi hòa bình”.

Khi tình hình lắng xuống, không bên nào giành được chiến thắng quyết định. Hiệp ước Värälä được ký kết vào ngày 14/8 năm đó với điều khoản giữ nguyên hiện trạng.

Khi ấy Thụy Điển đành từ bỏ việc cố gắng ép Nga đàm phán lại Hòa ước Nystadt. Chưa đầy 20 năm sau, chính Thụy Điển rơi vào trạng thái phải phòng ngự. Vào năm 1808, với sự hậu thuẫn của Napoleon Bonaparte, Nga phát động cuộc chiến tranh chống láng giềng phương bắc của mình, dẫn tới “thảm họa quốc gia lớn nhất” trong lịch sử dài lâu của nhà nước Thụy Điển - đó là việc đánh mất toàn bộ Phần Lan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại