Các công tố Thụy Điển hôm 9.12 cho biết họ đã khởi tố bà Lindstedt, cựu đại sứ nước này tại Trung Quốc, vì tổ chức một cuộc gặp trái phép ở Stockholm với đại diện Bắc Kinh về việc thả tự do cho nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa tên Gui Minhai.
Cuộc gặp này diễn ra vào tháng 1 năm nay. Angela, con gái ông Gui viết trên blog của mình rằng cô đã được đại sứ Anna Lindstedt mời tới gặp hai doanh nhân không rõ danh tính có thể giúp cô giải thoát người cha đang bị giam giữ ở Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết cơ quan này cũng như Ngoại trưởng Thụy Điển không cho phép bà Lindstedt tổ chức cuộc gặp và chỉ được báo cáo về vụ việc sau khi cuộc gặp diễn ra. Thụy Điển sau đó đã rút bà Anna Lindstedt khỏi vai trò đại sứ từ tháng 2.
"Cựu đại sứ bị nghi ngờ đã hành động vượt ra ngoài thẩm quyền của bà trong một cuộc họp về vấn đề lãnh sự liên quan đến công dân Thụy Điển Gui Minhai, người hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc”, Reuters trích dẫn thông báo của cơ quan công tố Thụy Điển hôm 9.12.
Một công tố viên của Thủy Điển, Hans Ihrman cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Thụy Điển mà một nhà ngoại giao bị truy tố với tội danh như vậy.
Luật sư của Lindstedt, Conny Cedermark nói rằng thân chủ của ông đã bác bỏ cáo buộc này. Ông Ceddermark dẫn lời bà Lindstedt tuyên bố "những nghi ngờ nhằm vào bà không có cơ sở" và bày tỏ "thất vọng với quyết định đi đến truy tố của công tố viên".
Được biết, Gui Minhai, hiện 55 tuổi, là người gốc Trung Quốc có quốc tịch Thụy Điển. Ông điều hành hoạt động kinh doanh sách ở Hồng Kông, trong đó có xuất bản những cuốn sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015, sau đó xuất hiện trong tình trạng bị giam giữ ở Trung Quốc đại lục.
Sau vụ bắt cóc năm 2015, ông đã được thả ra vào tháng 10 năm 2017, nhưng không có thông tin cụ thể về nơi trú của ông. Đến tháng 1 năm ngoái, con gái ông là Angela cho biết ông đã bị các đặc vụ Trung Quốc bắt giữ trên một chuyến tàu ở Bắc Kinh trước sự có mặt của các nhà ngoại giao Thụy Điển. Bắc Kinh sau đó xác nhận đã bắt giữ Gui do nghi ngờ ông này đã tiết lộ bí mật quốc gia và thông tin tình báo của Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc đã trở nên lạnh nhạt vì vụ việc của ông Gui, trong đó Stockholm cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn Thụy Điển hỗ trợ lãnh sự cho ông, điều mà Bắc Kinh bác bỏ.
Hồi tháng 11, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đe dọa đưa Bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển Amanda Lind vào danh sách đen vì đã tham dự tại lễ trao giải thưởng văn học ở Stockholm, nơi ông Gui được vinh danh.