Để xây dựng và vận hành thủy điện Chư Pông Krông, thời gian gần đây, đơn vị thi công đã nạo vét, làm thay đổi dòng chảy khiến cho một bên bờ của sông Krông Nô (thuộc xã Hòa Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) không có nước.
Từ thực tế này, hơn 100 ha lúa vụ Hè thu của hơn 300 hộ dân ở cánh đồng buôn Sứk và cánh đồng D12 ở xã Quảng Phú bị thiếu nước tưới do trạm bơm ven sông bị vô hiệu hóa.
Vụ này, ông Nguyễn Văn Danh, ở buôn Sứk, xã Quảng Phú sạ 2 sào lúa nước. Dù đã sạ trễ vụ để đợi nước nhưng đến nay khi bước sang tuần thứ 3, mùa mưa cũng đã vào tháng cao điểm, ruộng lúa vẫn thường xuyên bị cạn nước.
Ông Nguyễn Văn Danh cho biết, trạm bơm D12 phục vụ cánh đồng buôn Sứk đã không thể bơm nhiều nước hơn, vì việc thi công thủy điện Chư Pông Krông đang khiến sông Krông Nô rất cạn.
Ông Danh đang lo lắng việc thiếu nước sẽ ngày càng trầm trọng hơn: “Tôi nghĩ vụ này đã thiếu nước thì có thể kéo dài đến vụ sau, gây ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của nhân dân sau này.
Bà con cũng phản ảnh lên địa phương và chính quyền cũng quan tâm rồi, bây giờ nhờ cấp trên làm sao mà để điều hòa lượng nước để vụ đông xuân tới kịp thời hơn nữa.
Tương lai sau này cũng không biết, nếu họ làm thì cũng phải xem xét như thế nào chứ như vậy rất khó cho bà con nông dân làm sẽ không kịp thời vụ, mà không kịp thời vụ thì năng suất lúa sẽ rất thấp”.
Thực tế tại Trạm bơm D12, sông Krông Nô ở vị trí cấp nước cho trạm, đã cạn trơ đáy, dù bây giờ đang là cao điểm mùa mưa. Theo đó, 100 ha lúa nước của hơn 300 hộ dân buôn Sưk rơi vào rủi ro khô hạn.
Các hộ dân ở ngoài đồng ruộng lo lắng sẽ thiếu nước tưới trong vụ lúa Hè thu. |
Ông Bùi Phong Danh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông - Chi nhánh huyện Krông Nô cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc thi công Thủy điện Chư Pông Krông.
Đơn vị thi công đã nạo vét sâu lòng sông phía tỉnh Đắk Lắk, làm phát sinh tình trạng nước sông bên sâu bên cạn. Đơn vị đã đề xuất những giải pháp trước mắt, nhưng chưa phát huy hiệu quả.
“Trước mắt để đảm bảo nước cho vụ Hè thu, công ty đã yêu cầu người ta làm một ít rọ đá để chắn dòng bên kia cho nước qua bên trạm bơm bên này. Còn về lâu dài phải hạ đáy của bể hút và họ phải làm đường dẫn sâu xuống 1,5m thì mới đủ nước được”.
Ông Hồ Tràng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú cho biết, sở dĩ việc cấp nước cho cánh đồng buôn Sứk vẫn tiếp tục khó khăn là do phía chủ đầu tư, đơn vị thi công thủy điện vẫn thiếu hợp tác.
Ông Hồ Tràng cho rằng, không chỉ đơn vị thi công thủy điện mà chính quyền phía tỉnh Đắk Lắk cũng cần có biện pháp để khai thác các hiệu quả dòng sông ranh giới giữa hai tỉnh, tránh gây thiệt hại cho người dân địa phương.
“Dòng sông là của 2 tỉnh, lợi ích là của 2 tỉnh gắn liền trên cùng một dòng sông, ranh giới thì phân chia vậy nhưng một bờ làm thì bờ bên kia cũng ảnh hưởng, làm biến đổi dòng chảy, gây tác hại cho 2 bên, hoạt động kinh doanh gì thì không biết nhưng không được ảnh hưởng đến người khác”, ông Hồ Tràng nói.
Dự án thủy điện Chư Pông Krông (thôn 3, xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có công suất thiết kế 7,5 MW xây dựng trên sông Krông Nô - giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông do Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp điện Hưng Phúc làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ đầu năm 2018. Thời điểm này năm ngoái, đơn vị thi công nổ mìn phá đá làm nứt nhà dân.
Năm nay lại xảy ra tình trạng nạo vét, làm thay đổi hiện trạng dòng chảy, làm cả cánh đồng thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân ở xã Quảng Phú./.